Thứ Tư, 12/06/2013 22:59

Làm gì để “tiêu” hết 30.000 tỷ đồng?

Chính sách phải thông thoáng hơn thì gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng mới có thể đến đúng đối tượng cần vay.

Sớm thống nhất về đối tượng thu nhập thấp

Tại báo cáo giải đáp của Ngân hàng Nhà nước về nội dung triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, cơ quan này cho biết, hiện vẫn chưa có hồ sơ nào hoàn chỉnh để ngân hàng thẩm định cho vay.

Thời gian giải ngân của chương trình là ba năm. Trong tuần đầu triển khai, các khách hàng là cá nhân mua nhà mới chủ yếu tìm hiểu hồ sơ, thủ tục tại các ngân hàng cho vay.

Chính sách phải thông thoáng hơn thì gói 30.000 tỷ mới tới đúng đối tượng. (Ảnh minh họa: Thái Linh)

Phải đợi tới sau khi khách hàng đã hoàn thiện hồ sơ theo Thông tư 07/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng thì ngân hàng sẽ cho vay và giải ngân cho khách hàng có đủ điều kiện.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc hướng dẫn về đối tượng thu nhập thấp thuộc trách nhiệm của Bộ Xây dựng. Tại một số văn bản ban hành trước đó, Bộ Xây dựng không đưa ra khái niệm chung về thu nhập thấp mà chỉ quy định đối tượng thuộc diện thu nhập thấp tại khu vực đô thị được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của từng địa phương.

“Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng giải thích cụ thể vấn đề này để có cách hiểu thống nhất về đối tượng thu nhập thấp làm cơ sở cho các ngân hàng thực hiện cho vay”, cơ quan này khẳng định.

Theo Ngân hàng Nhà nước, người dân cần phải chủ động tìm dự án nhà ở đủ điều kiện rồi đến ngân hàng thẩm định hoặc lựa chọn những dự án mà ngân hàng đã cam kết cùng chủ đầu tư để cho vay.

Cụ thể, đối với doanh nghiệp, đó phải là các chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội được Bộ Xây dựng công bố.

Đối với khách hàng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thì khách hàng phải có hợp đồng đã ký với chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh, thành phố. Riêng nhà ở thương mại, khách hàng phải có hợp đồng đã ký với chủ đầu tư mà căn nhà (căn hộ) mua phải đáp ứng các điều kiện quy định.

Vì vậy, người dân có thể chủ động lựa chọn căn nhà theo các quy định trên hoặc thông qua chủ đầu tư dự án để có thỏa thuận ba bên (ngân hàng – chủ đầu tư – khách hàng vay) để thực hiện mua, thuê, thuê mua nhà ở.

Ngồi lại với nhau

TS. Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, các ngân hàng đang lúng túng trong việc triển khai gói 30.000 tỷ đồng. Nguyên do là bởi chính các ngân hàng cũng chưa có tiêu chí rõ ràng.

Do vậy, để bớt sự lúng túng này, các nhà băng cần ngồi lại với nhau cùng với Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước đưa ra tiêu chí chung, các định nghĩa, điều kiện cụ thể cũng như tỷ lệ thu nhập, cấu trúc sản phẩm, phương án trả nợ… cho đồng bộ, TS Nguyễn Trí Hiếu gợi mở cách giải quyết.

“Giờ là lúc “con gà” đã phải thành hình, đủ lông cánh để cung cấp tín dụng một cách hiệu quả đến cả người dân và doanh nghiệp”, ông Hiếu ví von.

Trước lo ngại các ngân hàng ưu ái phần vốn cho doanh nghiệp hơn người dân, ông Hiếu cho biết, điều này là có cơ sở vì thực tế, nếu cho doanh nghiệp vay vốn, ngân hàng sẽ nhàn hơn so với cho vay khách hàng cá nhân.

Hơn nữa, dù gói 30.000 tỷ đồng đã chia sẵn tỷ lệ 30% cho doanh nghiệp và 70% cho người dân, nhưng cũng chưa công bố chỉ tiêu cụ thể nhóm đối tượng nào sẽ được thực hiện trước, người dân hay doanh nghiệp, nên cũng có thể đặt giả thuyết doanh nghiệp có quyền lợi liên quan được ngân hàng ưu tiên cho vay trước.

“Nên chăng chia 30.000 tỷ đồng thành năm phần, mỗi ngân hàng 6.000 tỷ đồng. Khi giải ngân có thể doanh nghiệp được trước, người dân được sau hoặc ngược lại, nhưng các ngân hàng phải đồng đều trong việc xét duyệt hồ sơ vay vốn của hai nhóm đối tượng này”, ông Hiếu đề xuất.

Nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Cao Sỹ Kiêm đánh giá, nếu gói 30.000 tỷ đồng này đi vào thực tế sẽ giải quyết được lượng lớn tồn kho bất động sản và giúp lĩnh vực xi măng, sắt thép tiêu thụ được sản phẩm.

Tuy nhiên, ông Kiêm băn khoăn, phần lớn người cần mua nhà đều có mức thu nhập từ 10-12 triệu đồng/tháng, nếu mua căn nhà trị giá từ 700 triệu đến một tỷ đồng thì mỗi tháng ít nhất cũng phải có 7-8 triệu đồng để trả lãi ngân hàng, số tiền còn lại họ khó thể đủ trong sinh hoạt.

Ngoài ra, vướng mắc lúc này còn nằm ở chỗ, người dân có hợp đồng mua nhà thì ngân hàng mới cho vay tiền. Nhưng phải tính đến trường hợp người dân không có tiền (nhưng đủ điều kiện trả lãi) muốn vay tiền trước để có có giấy tờ từ chủ dự án nhà.

“Đây chính là vấn đề đang cần lối thoát lúc này. Chính sách khi đưa ra cần phải thông suốt ngay từ đầu chứ không phải đợi tắc rồi chờ để nghiên cứu thì khả năng triển khai còn rất lâu”, ông Kiêm bày tỏ.

Đồng tình quan điểm này, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, “có thể khó khăn thủ tục lúc này sẽ khiến gói hỗ trợ chậm một vài tuần đến một vài tháng nhưng vẫn còn nhiều người rất tâm huyết với chương trình này. Và lúc này đều đã nhận ra vướng mắc rồi, vì vậy khó khăn này sẽ nhanh chóng được giải quyết”, ông Nghĩa tin tưởng./.

Đảm bảo minh bạch khi triển khai gói 30.000 tỷ đồng

Tại buổi Đối thoại trực tuyến về gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng do Cổng thông tin Chính phủ (chinhphu.vn) tổ chức chiều ngày 11/6, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, sẽ đảm bảo công khai, minh bạch khi triển khai gói hỗ trợ này.

Theo đó, tại Thông tư do Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng ban hành đã quy định rất rõ về đối tượng, điều kiện thuê, thuê mua nhà. Trách nhiệm của khách hàng, ngân hàng khi triển khai gói tín dụng này, cơ chế và chế tài xử lý khi vi phạm quy định lẫn công tác thanh tra, kiểm soát của ngân hàng và các cơ quan quản lý Nhà nước.

Trước lo ngại về việc giải ngân vốn sẽ ưu ái cho doanh nghiệp nhiều hơn là người dân, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, không có chuyện sẽ dành ưu đãi quá nhiều cho doanh nghiệp và đã có phương án để kiểm soát. “Tuy nhiên, trong từng thời điểm, tỷ lệ này có thể thay đổi, nhưng vẫn chỉ có 9.000 tỷ đồng được dành cho doanh nghiệp”, ông Mạnh cho hay.

Riêng với vấn đề tài sản thế chấp khi người dân vay vốn tại ngân hàng, Vụ trưởng Vụ tín dụng cho biết, bản thân tài sản thế chấp chính là căn hộ có kết cấu, đồng nghĩa phải có 20% vốn của người dân. Đây chính là điều kiện tương đối đảm bảo để người dân tìm đến ngân hàng.

Tuy nhiên, đây là vốn tín dụng thông thường có ưu đãi về thời gian và nguồn vốn, vì vậy, điều kiện để khách hàng được vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng này là phải có thu nhập đủ khả năng trả nợ.

Đại diện ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) tham dự buổi đối thoại cũng khẳng định sẽ nhanh chóng giải ngân các trường hợp đủ điều kiện và cung ứng các dự án với giá tốt nhất cho các đối tượng được thụ hưởng.


Thành Tâm

Tổ quốc

Các tin tức khác

>   Điểm mặt 13 doanh nghiệp BĐS trên sàn có dự án  thuộc danh sách nhà ở xã hội (12/06/2013)

>   Gói 30.000 tỷ đồng: Lo “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra” (12/06/2013)

>   Để dòng vốn hỗ trợ đúng đối tượng (12/06/2013)

>   Bộ trưởng kế hoạch đầu tư: Vì sao “tín nhiệm thấp” không cao? (12/06/2013)

>   DN bất động sản: Đừng chỉ trông chờ "phao cứu sinh" (12/06/2013)

>   Cần ưu tiên mua nợ xấu có bảo đảm bằng bất động sản (12/06/2013)

>   Bộ trưởng Xây dựng: 'Giá nhà nhiều nơi rẻ bằng năm 2006' (12/06/2013)

>   Phân loại nhà giá thấp, nhìn từ thực tế (12/06/2013)

>   Công trình xây dựng cơ bản được khấu trừ 2% thuế GTGT (11/06/2013)

>   Danh mục các dự án nhà ở xã hội trên toàn quốc (11/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật