Lãi suất giảm được đến thế thôi!
Dù có nhiều điều kiện và kỳ vọng, mặt bằng lãi suất (LS) huy động và cho vay tiền đồng trên thị trường hiện nay khó có thể giảm thêm và nhiều khả năng sẽ ổn định đến hết năm.
Rất nhiều kỳ vọng
Những đề xuất và kiến nghị cần giảm thêm LS tiền đồng so với mặt bằng ở thời điểm hiện nay dường như là có cơ sở. Ngay cả một số ngân hàng (NH) lớn cũng như cơ quan giám sát tài chính quốc gia đều nhìn nhận rằng, phải tiếp tục giảm thêm LS cho vay mới có thể hồi phục mạnh tăng trưởng tín dụng trong các tháng cuối năm. Bởi nhìn vào thực tế, mức tăng thấp của tín dụng chỉ xấp xỉ 3% trong 5 tháng đầu năm trong khi huy động vốn lại tăng tới gần 6,6%, một tổ chức đầu tư nhận định, dòng tiền gửi tiếp tục chảy mạnh vào các nhà băng cho thấy điều kiện kinh doanh vẫn còn ẩn chứa nhiều khó khăn và rủi ro.
“Về phía NH, để tín dụng tăng cần nghiên cứu giảm thêm LS và tôi đề nghị tiếp tục giảm LS xuống 6%” - ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Vietinbank (HOSE: CTG) - nhận định. Dù rằng - cũng theo người đứng đầu Vietinbank - với mặt bằng LS hiện nay, mức lãi biên sau khi trừ trích lập dự phòng rủi ro chỉ còn 1,5-1,8% - mức thấp nhất chưa từng có. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khi đánh giá tình hình kinh tế trong 5 tháng đầu năm cũng cho rằng, cần nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% nhằm đảm bảo vốn đầu tư cho nền kinh tế. Mặt bằng LS cho vay tín dụng theo đó cần tiếp tục giảm xuống khoảng 10%, nhằm khuyến khích DN vay vốn đầu tư sản xuất. Đồng thời, nghiên cứu thời điểm thích hợp xóa bỏ trần LS huy động nhằm giúp thị trường tăng khả năng tự điều tiết.
Khi đưa ra các đề xuất trên, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia ghi nhận một điểm tích cực của thị trường hiện nay là hệ thống NH đang phát đi những tín hiệu cho thấy các NHTM có thể tự điều chỉnh LS mà không cần đến sự can thiệp hành chính của NHNN. Bởi ngay từ giữa tháng 5, dù trần LS huy động được giữ nguyên, nhiều nhà băng lớn vẫn chủ động hạ LS VND nhiều kỳ hạn xuống chỉ còn 5-6%/năm và điều này được cho sẽ tạo tiền đề cho NHNN sớm có thể dỡ bỏ trần LS trong thời gian tới.
Về mặt kỹ thuật, các mô hình dự báo được nhiều tổ chức đầu tư thực hiện vào cuối tuần qua cho thấy, chỉ số CPI trong tháng này có thể chỉ tăng nhẹ ở mức 0,14%. “Lạm phát thấp có thể tạo dư địa tốt để các NHTM chủ động cắt giảm LS huy động và cho vay trong thời gian tới” – một tổ chức đầu tư nhận định.
Không để xáo trộn
Khẳng định cũng mong muốn đưa LS huy động về 5-6% và giảm lãi vay về 8-10% như một số ý kiến, song Thống đốc Nguyễn Văn Bình - trong buổi làm việc với các NH mới đây - cho rằng, cần hình dung các mức LS trên phù hợp hơn khi nền kinh tế ổn định hơn. Còn ở thời điểm hiện nay, lạm phát dù được kiềm chế nhưng khả năng dâng cao trở lại vẫn hiện hữu. Do đó, phải làm sao đảm bảo ổn định lâu dài, tránh kiểu cứ kìm được lạm phát thì mất tăng trưởng và ngược lại.
Về mức trần LS huy động 7,5%, người đứng đầu ngành NH cho rằng, thực tế nhiều nhà băng đang huy động dưới mức này, nhưng nếu giảm xuống nữa sẽ rất rủi ro về cơ chế. Với mức này, các NH sẽ tự quyết định mặt bằng sao cho phù hợp. “Hệ thống chúng ta chưa đồng đều. Giả sử đưa trần xuống 7-6,5% đa số không ảnh hưởng, nhưng một số NH gặp khó” – Thống đốc Nguyễn Văn Bình theo đó cho rằng, duy trì mức trần LS như hiện nay sẽ giúp hình thành đường cong LS, cho thấy rõ NH nào có tiềm lực được tiếp cận vốn giá rẻ hơn thị trường. Đặt trong bối cảnh yếu tố “lành mạnh” của hệ thống NH có cải thiện nhưng cải thiện chưa đáng kể, chưa đồng đều trong hệ thống và lạm phát còn tiềm ẩn, việc duy trì trần LS trong ngắn hạn theo đó là cần thiết.
Ở khía cạnh khác, hiện vẫn còn nhiều yếu tố khiến việc có điều chỉnh giảm LS tiếp hay không cần được tính toán thận trọng. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho hay, tâm lý tin tưởng vào đồng tiền VN của người dân hiện nay được cải thiện đáng kể nhưng chưa ổn định, vì thế nếu không cẩn thận sẽ lại có rủi ro. Chưa kể cũng cần duy trì chênh lệch LS hợp lý giữa LS USD và LS VND. Chính với các yếu tố trên, trần LS hiện nay được cho có thể giữ ổn định từ nay tới cuối năm và nếu xuống thì cũng sẽ xuống không đáng kể.
Văn Nguyễn
Lao động
|