Thứ Ba, 11/06/2013 17:56

Khơi thông dòng vốn để thúc đẩy tăng trưởng

Trả lời phỏng vấn của Báo Hải quan, ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách Quốc hội cho biết: Để đạt được tăng trưởng GDP 5,5%, hoặc cao hơn hay thấp hơn phụ thuộc vào giải pháp của chúng ta. Chúng ta gỡ được càng nhanh thì mục tiêu đạt được càng hiện thực. Nếu nói mà không làm hoặc làm ít thì mục tiêu đó sẽ trở nên khó khăn!

Thưa ông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và Dự toán NSNN năm 2014 đưa ra nhiệm vụ năm 2014 tăng trưởng GDP khoảng 6%, lạm phát 7%. Liệu mức tăng trưởng 6% có cao không khi mục tiêu 5,5% trong năm nay được dự báo còn khó đạt?

GDP 2013 tăng trưởng 5,5% đúng là rất khó khăn. Nếu như không có đột phá, không có những giải pháp quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, để “rã đông” thị trường bất động sản, khơi thông tín dụng thì đúng là mức 5,5% cũng khó đạt.

Dự kiến năm 2014 tăng trưởng GDP 6% phụ thuộc vào việc xử lý những bất cập của nền kinh tế trong năm 2013. Nếu như 2013 chúng ta giải quyết tốt và GDP tăng trưởng được 5,5%. Nếu như thị trường bất động sản được khơi thông, tình trạng tồn đọng giải quyết được một phần; nếu như tín dụng của ngân hàng được khơi thông, dư nợ tín dụng tăng ở mức khoảng 16% thì khả năng tăng trưởng 6% GDP năm 2014 có thể đạt được.

Đối với chỉ số CPI dự kiến 2014 là khoảng 7%: Hiện nay chính sách tài khóa của chúng ta đang khó khăn. Nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Thu ngân sách tăng trưởng rất thấp và nguy cơ không đạt dự toán. Nợ công cũng đang ở mức cao. Cuối năm 2012 lên 55,7% GDP và nếu như xử lý nới lỏng tài khóa thì sẽ buộc tăng bội chi và tăng nợ công, sẽ đe dọa an ninh tài chính quốc gia. Do vậy, dư địa để phát triển kinh tế từ việc điều chỉnh nới lỏng chính sách tài khóa cần được cân nhắc thận trọng.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% năm 2014 rõ ràng là phải thực hiện nhiều giải pháp trong đó có giải pháp về chính sách tiền tệ. Tôi cho rằng, chính sách tiền tệ những năm qua còn dư địa. Biểu hiện ở chỗ dư nợ cho vay tăng trưởng thấp hơn tốc độ huy động vốn. Nếu như khơi thông thị trường tín dụng thì nguồn vốn này có thể tăng lên rất lớn. Năm 2012 dư nợ cho vay mới chỉ tăng trên 8%. Nếu dư nợ cho vay tăng từ 12%- 14% thì chúng ta có trăm nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho thị trường, cho nền kinh tế.

Theo tôi, lạm phát năm 2014 ở mức 8% là phù hợp. Trong điều kiện thực hiện chính sách tài khóa tích cực đang gặp khó khăn, buộc phải điều chỉnh chính sách tiền tệ ở mức hợp lý để tăng nguồn vốn cho thị trường. Nếu như lạm phát 8% thì có thể dư nợ cho vay tăng ở mức khoảng 14%, sẽ cung ứng một lượng vốn tín dụng lớn cho thị trường, cho đầu tư, đặc biệt đầu tư khu vực tư nhân.

Như vậy, chúng ta có nên “nới” lạm phát để đạt mục tiêu tăng trưởng hay không, thưa ông?

Mục tiêu chung mà Đảng và Quốc hội đã quyết định là lấy việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô làm mục tiêu hàng đầu, tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đồng thời chú trọng an sinh xã hội, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế. Nếu duy trì mức tăng trưởng thấp sẽ dẫn đến tình trạng tiêu dùng và tích lũy trong nước để tái đầu tư của chúng ta khó khăn trong giải quyết công ăn việc làm.

Để kiềm chế lạm phát, nếu như chúng ta siết quá chặt chính sách tiền tệ thì tổng đầu tư xã hội sẽ giảm, dư nợ cho vay thấp, lãi suất cho vay cao, các DN sẽ gặp khó khăn, đổ vỡ lớn (năm 2012 có tới 54.000 DN ngừng hoạt động, lâm vào tình trạng phá sản; 69% số DN thua lỗ; 4 tháng đầu năm 2013 đã có đến 16.600 DN ngừng hoạt động và dự báo con số này sẽ còn tăng lên).

Vấn đề ở chỗ, cần phải điều hành nền kinh tế tăng trưởng ở mức hợp lý, tích cực hơn. Nếu chúng ta tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường tốt hơn thì tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn, tài chính DN sẽ lành mạnh hơn, nợ xấu giảm, người lao động có việc làm nhiều hơn và có thể giảm được chi an sinh xã hội.

Như ông đã nói ở trên, để đạt được mục tiêu, có quá nhiều phương án trong đó có từ “nếu như”. Theo ông, đâu là điểm mấu chốt để cùng giải quyết 1 bài toán cho cả 2 năm?

Tôi xác định rất rõ việc đạt được tốc độ tăng trưởng GDP năm 2013 là 5,5%, hoặc cao hơn hay thấp hơn phụ thuộc vào giải pháp của chúng ta. Chúng ta gỡ được càng nhanh thì mục tiêu chúng ta đạt được càng hiện thực. Nếu nói mà không làm hoặc làm ít thì mục tiêu đó sẽ trở nên khó khăn.

Đây là trách nhiệm của chúng ta. Quốc hội cũng đã nêu rất rõ, điểm đột phá cần phải tháo gỡ đó là: Đối với chính tiền tệ là phải tập trung xử lý nợ xấu, giảm lãi suất cho vay, khơi thông nguồn vốn, đưa dư nợ cho vay ít nhất phải đạt 12%. 4 tháng đầu năm dư nợ cho vay tăng 1,4% trong khi huy động tăng trên 5% là không hợp lý. Nếu dư nợ cho vay tăng 12%, tức là tăng cao hơn năm 2012 khoảng 3-4% thì nền kinh tế sẽ có thêm 5 nghìn tỷ đồng, giảm “cơn khát” vốn của nền kinh tế, tạo nhiều công ăn việc làm và thúc đẩy tăng trưởng.

Liên quan đến “cơn khát” vốn của DN, hiện nhiều DN không còn mặn mà với nhu cầu vay vốn nữa. Liệu có phải do tổng cầu thấp hay không, thưa ông?

Tổng cầu của nền kinh tế phải được hiểu bao gồm 4 bộ phận: Tiêu dùng của nhân dân, đầu tư của tư nhân, chi tiêu của Chính phủ và chênh lệch kim ngạch XNK. Cho nên tổng cầu không chỉ là cầu tiêu dùng. Nếu chúng ta có giải pháp làm tăng tổng cầu đầu tư, cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh XK, kiểm soát chặt chẽ NK thì tổng cầu khắc tăng lên. Tôi cho rằng, trước mắt chúng ta phải có giải pháp đối với cả đầu vào và đầu ra của sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh XK, kiểm soát NK, trong nước thị trường phải cơ cấu lại ngành hàng, thiết lập lại cân đối thì sẽ có tác dụng.

Quay trở lại với mức dự toán ban đầu, trong bối cảnh còn ngổn ngang nhiều khó khăn thì chỉ tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6% có duy ý chí hay không khi chúng ta đang tự làm khó cho ta. Và lại giống như năm 2012, lại không đạt được chỉ tiêu quan trong nhất, chỉ tiêu về GDP, thưa ông?

Hiện tại, để nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 là 6% GDP có sát hay không, tôi cho đó là quá sớm. Để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán NSNN năm 2014, Chính phủ phải dự kiến các chỉ tiêu, mục tiêu để các cấp, các ngành triển khai thực hiện giữa năm và trình QH xem xét, quyết định vào kỳ họp cuối năm. Lúc đó, căn cứ tình hình thực hiện của 9- 10 tháng, QH sẽ đánh giá sát hơn. Còn ở thời điểm này, chỉ có thể nói được rằng, nếu như năm nay tăng trưởng kinh tế 5,5% thì năm 2014 có thể đạt 6% vì mức tăng trưởng 5,5% nghĩa là nền kinh tế đã qua đáy, đang trong quá trình phục hồi.

Xin cảm ơn ông!

Minh Anh (thực hiện)

hải quan

Các tin tức khác

>   Tín hiệu mới của nền kinh tế (11/06/2013)

>   Tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ (11/06/2013)

>   5 tháng trị giá vay nợ, viện trợ đạt 2,75 tỷ USD (10/06/2013)

>   Việt Nam có tận dụng được cơ hội 2 năm? (10/06/2013)

>   Có thể lại phải kích cầu (10/06/2013)

>   Hàng tỉ USD “chôn” tại doanh nghiệp nhà nước (10/06/2013)

>   TS Lê Xuân Nghĩa giữ chức Viện trưởng BDI (08/06/2013)

>   Nippon Zoki xây nhà máy 90 triệu USD tại Bắc Ninh (08/06/2013)

>   Sống ở TpHCM rẻ hơn Hà Nội (07/06/2013)

>   Lĩnh vực tài chính – tiền tệ: Cần cải cách linh hoạt (07/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật