Hàng tỉ USD “chôn” tại doanh nghiệp nhà nước
“Lãng phí nguồn lực” - TS Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội (đoàn TP.HCM), đã phát biểu như vậy tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 30-5 khi đề cập việc các tập đoàn, doanh nghiệp đang giữ một lượng vốn khổng lồ. Trong khi đó, nhiều lĩnh vực hạ tầng như quốc lộ, bệnh viện, trường học... đang đói vốn và Quốc hội phải bàn đến việc nâng trần trái phiếu chính phủ, tăng nợ công để có vốn đầu tư.
Nhiều chuyên gia cho rằng cần đẩy nhanh bán bớt cổ phần tại các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước để có nguồn lực đầu tư cho hạ tầng.
|
Kỳ 1: “Ôm” từ sữa, gas... đến phân bón
Chỉ tính riêng phần vốn nhà nước của doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán hiện nay, con số đã lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng. Điều đáng nói, rất nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực, ngành hàng không cần thiết Nhà nước phải giữ cổ phần chi phối như sữa, phân bón,...
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế đang sốt ruột muốn Nhà nước bán bớt cổ phần, thoái vốn dần để thu hút vốn từ những nhà đầu tư khác, đồng thời giúp doanh nghiệp quản trị năng động và tăng tính cạnh tranh.
Nhà nước không muốn bán
Vốn nhà nước ở các tập đoàn, tổng công ty: 735.293 tỉ đồng
Theo Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, tính đến hết năm 2012 tổng vốn chủ sở hữu ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 735.293 tỉ đồng. Tổng tài sản của khối doanh nghiệp này là 2.138.780 tỉ đồng. Cũng trong năm 2012, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đạt trên 1.621.000 tỉ đồng, bằng 92% kế hoạch năm. Các đơn vị có doanh thu lớn gồm dầu khí, điện lực, xăng dầu, bưu chính viễn thông, công nghiệp cao su, hàng không, dệt may, lương thực miền Nam...
|
Mới đây, tại đại hội cổ đông Công ty cổ phần Sữa VN (Vinamilk - mã chứng khoán VNM), nhiều nhà đầu tư tỏ ra thất vọng trước việc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - đơn vị quản lý phần vốn nhà nước tại Vinamilk - không tán thành phương án phát hành cổ phiếu ưu đãi (ESOP) cho cán bộ, công nhân viên công ty, mặc dù hội đồng quản trị công ty xác định rõ mục tiêu phát hành nhằm giữ chân lao động giỏi, tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp này. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Song Lai - đại diện SCIC, hiện là thành viên hội đồng quản trị tại Vinamilk - cho biết lý do khiến SCIC chưa chấp thuận vì lo ngại bị pha loãng cổ phiếu. Điều này ảnh hưởng đến vốn nhà nước tại Vinamilk. Thực tế Nhà nước đang nắm tới 45,08% cổ phần tại Vinamilk, tương đương 375,73 triệu cổ phiếu. Tính theo giá cổ phiếu ngày 7-6 là 136.000 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa thị trường của số cổ phiếu trên lên đến 51.099 tỉ đồng.
Tương tự, mặc dù đã niêm yết 680,47 triệu cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nhưng hiện Nhà nước vẫn nắm cổ phần lớn tại Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán BVH). Cụ thể, Bộ Tài chính nắm tới 482,5 triệu cổ phiếu BVH, tương đương 70,91% vốn điều lệ. SCIC cũng nắm 22,15 triệu cổ phiếu, tương đương 3,26% vốn điều lệ. Tính theo giá thị trường ngày 7-6, giá trị vốn hóa thị trường của số cổ phiếu Nhà nước nắm tại Bảo Việt vào khoảng 26.242 tỉ đồng.
Kinh doanh trong các lĩnh vực như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, chứng khoán, ngân hàng, bất động sản... Bảo Việt là doanh nghiệp đầu tư tài chính, bảo hiểm hàng đầu VN. Năm 2012, tổng doanh thu của tập đoàn lên đến 11.539 tỉ đồng. Mặc dù lỗ từ kinh doanh bảo hiểm nhưng nhờ các hoạt động đầu tư tài chính khác, năm 2012 lợi nhuận của tập đoàn này vẫn đạt 1.348 tỉ đồng.
Một trong những doanh nghiệp hiện đang có mức vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán TP.HCM (HSX) là Tổng công ty cổ phần Khí VN (PV Gas-GAS) - công ty con của Tập đoàn Dầu khí VN (PVN). PV Gas bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2010 và được niêm yết 100% vốn điều lệ, tức niêm yết 1,895 tỉ cổ phiếu vào năm 2012. Theo quyết định của PVN về phê duyệt phương án và chuyển Tổng công ty Khí VN - công ty TNHH một thành viên - thành công ty cổ phần, cổ đông nhà nước sẽ nắm giữ 75% vốn điều lệ tại PV Gas, 14,93% vốn cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược và 10% bán cho nhà đầu tư thông thường... Thế nhưng theo báo cáo thường niên năm 2012, cổ đông nhà nước là PVN vẫn nắm tới 96,74% vốn điều lệ, 3,26% còn lại bán cho cán bộ công nhân viên, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Như vậy tính theo giá cổ phiếu GAS ngày 7-6 là 64.500 đồng/cổ phiếu, số vốn nhà nước đang giữ ở PV Gas đạt trên 118.242 tỉ đồng.
Tương tự, tại ngành ngân hàng, Nhà nước đang nắm vốn tại hàng loạt ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV... Tại Vietcombank, với tỉ lệ sở hữu 77,1% vốn điều lệ, tính theo cổ phiếu ở phiên giao dịch gần nhất, vốn nhà nước vào khoảng 56.996 tỉ đồng.
Doanh nghiệp muốn Nhà nước thoái vốn
“Kẻ ăn không hết, người lần không ra”
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội ngày 30-5, một trong những đề xuất gây nhiều ý kiến trong dư luận là về kịch bản ba năm phục hồi kinh tế của đại biểu Trần Du Lịch (Đoàn đại biểu TP.HCM). Trong đó, ông Lịch cho rằng phải rà lại toàn bộ vốn nhà nước ở hàng trăm doanh nghiệp, những ngành công nghiệp nhẹ không cần thiết cần phải nhanh chóng thoái vốn. “Tại sao chúng ta để hàng trăm ngàn tỉ đồng nằm ở đây, trong khi không có tiền làm quốc lộ và nhiều nhu cầu khác. Hằng năm, chủ đầu tư nhà nước không thu về một đồng xu cổ tức nào cho ngân sách. Đây là một sự lãng phí nguồn lực” - ông Lịch cho biết.
|
Theo một chuyên gia nghiên cứu thị trường thuộc Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt - đơn vị tư vấn niêm yết cho PV Gas, cổ phiếu GAS luôn nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài. Theo đúng tiến trình là Nhà nước sẽ thoái dần vốn tại PV Gas. Tuy nhiên, qua IPO và cả niêm yết trên HSX, số vốn nhà nước vẫn nắm tới hơn 96,74% không phải do nhà đầu tư không mua mà do phía PVN chưa muốn bán.
Còn tại Vinamilk, một lãnh đạo của doanh nghiệp này khẳng định hiện có nhiều nhà đầu tư muốn bỏ vốn vào Vinamilk nhưng chưa thực hiện được. Vị lãnh đạo này cho rằng Nhà nước nên “hiện thực hóa lợi nhuận” tại Vinamilk. Cổ phiếu VNM hiện nay đang có giá tốt để thực hiện thoái vốn. Bởi với số vốn vài chục ngàn tỉ đồng tại Vinamilk, nếu Nhà nước thoái dần sẽ có thể sử dụng vào nhiều dự án đầu tư khác. Khi Nhà nước thoái vốn, các nhà đầu tư chiến lược khác có cơ hội được tham gia Vinamilk. Chọn được nhà đầu tư tốt, Vinamilk có cơ hội hoạt động ngày càng năng động và hiệu quả hơn.
Tương tự, ông Bùi Ngọc Bảo, chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex), cho biết khi thực hiện IPO Petrolimex vào giữa năm 2011 cũng có một số nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Tuy nhiên, do thời điểm IPO thị trường chứng khoán còn nhiều khó khăn nên khó có thể bán được nhiều cổ phần. “Petrolimex cũng muốn tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa để vốn nhà nước dần dần về mức 75% cổ phần, nhưng còn phụ thuộc điều kiện thị trường chứng khoán có thích hợp hay không” - ông Bảo nói.
“Ôm” hết sẽ làm không nổi
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: “Cái gì cũng ôm hết rồi có làm nổi đâu. Rồi dần dần phải buông ra”. Hiện nay, những ngành như sữa, bánh kẹo, may mặc, rượu bia, thuốc lá, xăng dầu, gas... đều cần phải thoái vốn bớt để tư nhân làm, cạnh tranh lẫn nhau thì người dân được lợi.
Ông Doanh cho rằng những công ty như Petrolimex, PV Gas... có liên quan đến an ninh năng lượng thì Nhà nước nên giữ cổ phần chi phối, nhưng không cần thiết phải giữ gần như tuyệt đối mặc dù đã cổ phần hóa, thậm chí niêm yết trên sàn chứng khoán như hiện nay. Ngay cả khi Nhà nước cần nắm vốn đa số ở những công ty này thì cũng không cần thiết phải nắm hết tất cả mọi lĩnh vực hoạt động. Ví dụ, Petro VN đi đâu cũng thấy có khách sạn của họ. Những cái đó không liên quan gì đến an ninh năng lượng hay tài nguyên quốc gia. Tương tự, tại Petrolimex hay PV Gas, những công ty con làm phân phối bán lẻ, dịch vụ vận tải... đều có thể thoái vốn cho tư nhân làm.
Bên cạnh đó, theo giám đốc một công ty chứng khoán, nếu Nhà nước chỉ muốn bán những doanh nghiệp yếu kém sẽ khó tìm được nhà đầu tư nào muốn mua. “Cần phải chấp nhận những doanh nghiệp làm ăn tốt ở ngành hàng đã mở cửa, đơn thuần là sản xuất, thương mại cũng phải thoái vốn dần để đảm bảo theo đúng lộ trình và tránh gây thất vọng cho nhà đầu tư, trong đó có những nhà đầu tư chiến lược nước ngoài” - ông này nói.
Theo vị giám đốc này, hiện nay nhiều công ty niêm yết đã sử dụng hết tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room cho nhà đầu tư nước ngoài). Vì vậy cùng với việc thoái vốn, Nhà nước nên mở thêm room để nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được mua thêm, đặc biệt ở những cổ phiếu được giới đầu tư đánh giá tốt. Mới đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính đã có đề xuất không nên hạn chế tỉ lệ sở hữu nước ngoài ở khối doanh nghiệp niêm yết, trừ các ngành kinh doanh có điều kiện.
Bạch Hoàn
Tuổi trẻ
|