Giải pháp nào “mở khóa” cho tín dụng?
Huy động tiền gửi liên tục tăng nhưng tín dụng không tăng trưởng được do doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng hoặc không muốn vay vốn.
Chính phủ đang chỉ đạo cần thu hẹp nữa chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay ở mức hợp lý theo tín hiệu thị trường để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên tính đến cuối tháng 4-2013, huy động vốn tăng 5,2% so với cuối năm 2012, cao hơn gấp 1,5 lần mức tăng của cùng kỳ năm ngoái và cao gấp năm lần mức tăng của cùng kỳ năm 2011. Và cho đến nay tín dụng chỉ tăng 2,11%. Phóng viên Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Thị Thanh Hương - chuyên gia về tài chính ngân hàng về vấn đề này.
Ngân hàng phải cho vay ra mới tồn tại được
Xin bà cho biết các nguyên nhân dẫn đến việc cầu tín dụng giảm mạnh trầm trọng như hiện nay?
TS Nguyễn Thị Thanh Hương: Nền kinh tế Việt Nam đang trong thời trì trệ và có phần suy giảm do tổng cầu giảm mạnh, bao gồm cả cầu trong nước và cầu ngoài nước (đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam). Cầu trong nước giảm từ thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng để kiềm chế, kiểm soát lạm phát. Từ giảm “cầu ảo” vào bất động sản mà những năm trước thường có… Cầu từ nước ngoài đối với hàng xuất khẩu cũng bị giảm do kinh tế nhiều nước đang khó khăn và chưa thoát khỏi khủng hoảng giảm. Đặc biệt hàng hóa nước ta chủ yếu là hàng gia công, sản phẩm thô nên có khả năng cạnh tranh rất thấp và dễ bị thay thế; dễ bị mất thị trường khi nước sở tại đưa ra những tiêu chuẩn mới.
Giao dịch tại Ngân hàng ACB
|
Xét về cung tín dụng, sau thời kỳ tăng trưởng tín dụng nóng, nợ xấu gia tăng, thanh khoản cũng thường căng thẳng, chính các ngân hàng chủ động giảm tăng trưởng tín dụng và thực hiện cơ chế sàng lọc tín dụng phi lãi suất, thực hiện việc thẩm định tín dụng chặt chẽ, thận trọng hơn, đảm bảo tiêu chuẩn, tiêu chí cấp tín dụng thực chất hơn. Ngoài ra, trong điều kiện kinh tế khó khăn, rủi ro của doanh nghiệp gia tăng nên các ngân hàng không còn dễ dàng cấp tín dụng. Tất cả yếu tố này khiến tín dụng những tháng qua tăng rất chậm.
Vậy trong bối cảnh này có nên hạ thấp tiêu chuẩn tín dụng hoặc tiếp tục giãn nợ để cho vay các doanh nghiệp không, thưa bà?
Theo tôi, không nên hạ thấp tiêu chuẩn tín dụng. Bài học về nợ dưới chuẩn của Mỹ đã rõ ràng, tuy nhiên tiêu chuẩn tín dụng hiện nay cũng không thể vận dụng quá cứng nhắc. Việc nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay ngân hàng là thực tế. Đây chính là giai đoạn thử thách bản lĩnh, tầm nhìn, năng lực quản trị và sàng lọc đối với cả doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại.
Vậy làm cách nào để thông được nút thắt này, thưa bà?
Doanh nghiệp cần chủ động chứng tỏ tiềm năng của mình, cần minh bạch thông tin. Ngân hàng cũng cần chủ động đến với doanh nghiệp, phát hiện được những khách hàng tiềm năng của mình và tiếp tục hoãn nợ, giãn nợ và có thể cấp tín dụng mới, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Làm được như vậy, ngân hàng sẽ có những khách hàng chung thủy. Theo tôi, ngân hàng có động lực lớn để tìm kiếm khách hàng có tiềm năng phát triển để cho vay. Bởi vì ngân hàng không thể tồn tại được nếu huy động vốn vào mà lại không cho vay ra. Để hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Chính phủ cần tăng cường quy mô và hiệu quả hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng tại ngân hàng phát triển và các quỹ bảo lãnh tín dụng tại các tỉnh, thành phố.
Thu hẹp biên độ huy động - cho vay có nhiều rủi ro
Vậy còn việc thu hẹp biên độ lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thì sao, thưa bà?
Trước hết phải nói, việc thu hẹp nữa chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay vẫn còn dư địa, tuy nhiên không nhiều. Và hơn nữa muốn thu hẹp biên độ này cũng không thể thực hiện nóng vội. Vì thứ nhất, dư địa hạ lãi suất tiền gửi không còn nhiều trong khi nền kinh tế còn tiềm ẩn lạm phát. Hơn nữa, chúng ta cần củng cố niềm tin vào VND, cần chống đôla hóa, chống vàng hóa trong nền kinh tế. Thứ hai, rủi ro tín dụng còn cao và hoạt động, cạnh tranh của hệ thống ngân hàng cũng chưa thật lành mạnh và minh bạch và mức chênh lệch kỳ hạn trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng cũng còn khá cao…
Vậy làm cách nào để hạ thấp được biên độ mà không bị tác động bởi các yếu tố rủi ro?
Nếu quản trị rủi ro ngân hàng tốt sẽ giúp giảm thấp chênh lệch lãi suất. Ví dụ quản trị rủi ro tín dụng, quản trị rủi ro thanh khoản, quản trị rủi ro lãi suất, quản trị rủi ro hoạt động sẽ giúp ngân hàng tiết kiệm nhiều chi phí, giảm giá thành hòa vốn bình quân, theo đó có điều kiện hạ thấp lãi suất cho vay. Khi hệ thống ngân hàng lành mạnh, hoạt động hiệu quả sẽ huy động tốt mọi nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của nền kinh tế và phân phối đến những khu vực, đến những người sử dụng vốn hiệu quả với giá vốn thấp. Chính vì vậy, tái cơ cấu hệ thống tài chính mà trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là một trong ba chương trình chủ đạo của tái cơ cấu nền kinh tế nước ta hiện nay.
Theo bà, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nên có những chính sách gì để hỗ trợ ngân hàng giảm lãi suất?
Việc tăng cường quy mô và hiệu quả hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng tại ngân hàng phát triển và các quỹ bảo lãnh tín dụng tại các tỉnh, thành phố sẽ giúp ngân hàng sàng lọc tín dụng phi lãi suất. Đối với những khoản tín dụng có bảo lãnh của Chính phủ, chắc chắn lãi suất cho vay sẽ thấp.
Hạ tầng cơ sở; thể chế quản lý kinh tế… được cải thiện, nghĩa là điều kiện, môi trường kinh doanh được cải thiện và nếu có thêm sự hỗ trợ từ Chính phủ như giảm thuế giá trị gia tăng, chương trình xúc tiến đầu tư, tiếp cận thị trường mới… thì các doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao được khả năng tín dụng. Theo đó, ngân hàng có điều kiện cấp tín dụng với lãi suất thấp hơn do phần bù rủi ro tín dụng sẽ nhỏ.
Xin cảm ơn bà.
Yên Trang
pháp luật tphcm
|