Tín dụng tăng 2.98% tính đến cuối tháng 5
Theo trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII, dư nợ tín dụng đã tăng trở lại qua các tháng, tính đến ngày 31/05/2013, dư nợ tín dụng tăng 2.98% so với cuối năm 2012, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2012 (5 tháng đầu năm 2012 tăng 0.56%).
So với cuối năm 2012, mặt bằng lãi suất đã giảm khoảng 3 - 4%/năm. Dư nợ tín dụng đã tăng trở lại qua các tháng, tính đến ngày 31/05/2013, dư nợ tín dụng tăng 2.98% so với cuối năm 2012, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2012 (5 tháng đầu năm 2012 tăng 0.56%).
Các TCTD tiếp tục tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao9. Triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân vay vốn ngân hàng một cách hiệu quả10.
Lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu, chỉ số giá tháng 5 năm 2013 tăng 2.35% so với tháng 12 năm 2012 và tăng 6.36% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng:
Đã chỉ đạo thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến nay, cơ bản kiểm soát được tình hình của 09 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Khả năng chi trả của các ngân hàng này được cải thiện đáng kể; quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm; nguy cơ mất an toàn giảm. Đã hoàn thành cơ bản việc cổ phần hóa lần đầu và thực hiện lộ trình cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước (trừ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam)11, tăng vốn điều lệ, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và đang triển khai cơ cấu lại một số ngân hàng liên doanh12. Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương được chuyển đổi thành Ngân hàng hợp tác xã13. Củng cố, chấn chỉnh hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, nhất là các quỹ hoạt động kém hiệu quả, hạn chế thành lập mới; từng bước cải thiện và nâng cao năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát rủi ro.
Về xử lý nợ xấu:
Đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp xử lý nợ xấu như rà soát, đánh giá, phân loại lại nợ xấu theo loại hình doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, đối tượng vay vốn, tài sản bảo đảm; đánh giá thực trạng tài sản đảm bảo để có giải pháp xử lý phù hợp. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm việc trích lập dự phòng rủi ro14; ban hành quy định mới về phân loại tài sản có, về mức, phương pháp trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo hướng chặt chẽ hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn. Ban hành và khẩn trương triển khai thực hiện Nghị định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam và đã phê duyệt Đề án xử lý nợ xấu nhằm xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 4 năm 2013 tỷ lệ nợ xấu là 4,67%. Theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm cuối năm 2012, tỷ lệ nợ xấu là 7,8%.
Về quản lý thị trường vàng:
Chính phủ đã chỉ đạo NHNN triển khai quyết liệt các biện pháp sắp xếp tổ chức lại thị trường vàng, hoàn thiện thể chế và vận hành cơ chế can thiệp bình ổn thị trường vàng15.
Từ ngày 25 tháng 11 năm 2012, các tổ chức tín dụng không được huy động vốn bằng vàng dưới mọi hình thức. Đến nay, số dư huy động, cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng đã giảm đáng kể so với cuối năm 2012. Đến cuối tháng 5 năm 2013, số dư huy động vàng của các tổ chức tín dụng đã giảm khoảng 75%, số dư cho vay vàng đã giảm khoảng 40% so với cuối năm 2012.
Sau gần một năm thực hiện, khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng nói chung và Nghị định 24 nói riêng đã phát huy hiệu quả rõ rệt, cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra. Sắp xếp lại, xác lập trật tự, kỷ cương trên thị trường vàng, ngăn chặn ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế; khắc phục tình trạng đầu cơ, nhập lậu vàng; tiến tới từng bước huy động được nguồn lực vàng trong dân phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, mặc dù chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới còn cao nhưng thị trường vàng đã ổn định hơn. Về trung và dài hạn, trong điều kiện khuôn khổ pháp lý mới và với sự can thiệp của NHNN, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ được thu hẹp dần.
Về tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý tiêu cực trong hoạt động ngân hàng, thị trường tiền tệ, thị trường vàng:
Đã đổi mới, nâng cao năng lực và phương pháp thanh tra, giám sát ngân hàng, tập trung làm rõ những vấn đề nổi cộm, rủi ro, yếu kém. Tăng cường thanh tra và xử lý vi phạm của các tổ chức tín dụng, kết hợp thanh tra rủi ro với thanh tra chấp hành quy định của pháp luật; giám sát hoạt động của từng tổ chức tín dụng và toàn bộ hệ thống; mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng giám sát rủi ro, đánh giá chất lượng hoạt động theo hệ thống chỉ tiêu giám sát tài chính quốc tế (CAMELS)16. Yêu cầu các tổ chức tín dụng tự xây dựng và triển khai thực hiện phương án tái cơ cấu, củng cố, chấn chỉnh theo quy định của Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
chính phủ
|