Thứ Tư, 19/06/2013 16:42

Dự thảo Thông tư Quy định mua, bán nợ xấu của VAMC

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố Dự thảo Thông tư Quy định về việc mua, bán, xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam. Thông tư này dự kiến có hiệu lực từ ngày 09/07/2013.

* Tài liệu đính kèm: Du thao Thông tu_ VAMC.doc

Cụ thể, Công ty Quản lý tài sản mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt và mua nợ theo giá trị thị trường.

Điều kiện các khoản nợ được VAMC mua bằng trái phiếu đặc biệt bao gồm:

  • Khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản, trong đó không dưới 65% tổng giá trị tài sản bảo đảm là bất động sản, bao gồm cả bất động sản hình thành trong tương lai;
  • Khoản nợ, tài sản bảo đảm phải hợp pháp; khoản nợ chưa được dùng để bảo đảm cho nghĩa vụ khác của tổ chức tín dụng; tài sản bảo đảm của khoản nợ không có tranh chấp;
  • Khoản nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ có hồ sơ;
  • Khách hàng vay còn tồn tại;
  • Khách hàng vay có số dư nợ gốc vào thời điểm bán nợ không thấp hơn 3 tỷ đồng đối với khách hàng vay là tổ chức và không thấp hơn 1 tỷ đồng đối với khách hàng vay là cá nhân.

Về việc bán nợ theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, TCTD có tỷ lệ nợ xấu từ 3% so tổng dư nợ tín dụng trở lên phải bán nợ cho VAMC. Trường hợp tổ chức tín dụng không bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản, Ngân hàng Nhà nước xem xét, áp dụng các biện pháp theo quy định tại khoản 5 Điều 14 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2013 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, đồng thời yêu cầu tổ chức tín dụng phải bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản.

Điều kiện các khoản nợ được VAMC mua theo giá trị thị trường

  • Các khoản nợ đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư này;
  • Được đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ số tiền mua nợ: Các khoản nợ được đánh giá lại theo giá trị thị trường trên cơ sở khả năng thu hồi vốn và tài sản bảo đảm của khoản nợ; giá mua nợ không cao hơn giá trị thị trường hoặc giá trị đánh giá lại của khoản nợ;
  • Tài sản bảo đảm của khoản nợ có khả năng phát mại: Tài sản bảo đảm hợp pháp, có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, đã được bàn giao hoặc cam kết bàn giao cho tổ chức tín dụng để xử lý và loại tài sản đang được giao dịch trên thị trường;
  • Khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ: Khách hàng vay có phương án sản xuất, kinh doanh và phương án trả nợ khả thi.

Khi mua nợ theo giá trị thị trường, Công ty Quản lý tài sản phải thực hiện đánh giá lại giá trị khoản nợ hoặc thuê tổ chức tư vấn đánh giá khoản nợ, tài sản bảo đảm.

Điều chỉnh lãi suất của các khoản nợ đã mua

Sau khi mua các khoản nợ của TCTD, VAMC có văn bản đề nghị 4 NHTM nhà nước, ngân hàng TMCP mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ (Agribank, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Vietinbank - CTG, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank - VCB) cung cấp thông tin về mức lãi suất cho vay đối với từng kỳ hạn các ngân hàng đang áp dụng tại thời điểm mua nợ.

Công ty Quản lý tài sản có trách nhiệm điều chỉnh mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản nợ đã mua về mức không cao hơn mức lãi suất cho vay bình quân tương ứng theo từng kỳ hạn của các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng TMCP mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ.

Biện pháp cơ cấu lại nợ

Sau khi nhận được thông báo của tổ chức tín dụng về việc bán khoản nợ cho Công ty Quản lý tài sản, khách hàng vay được xây dựng Phương án tự cơ cấu lại về tổ chức, hoạt động, tài chính và kế hoạch trả nợ gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện đến Công ty Quản lý tài sản đề xuất áp dụng một hoặc một số biện pháp cơ cấu lại nợ.

Trong trường hợp đánh giá phương án tự cơ cấu lại của khách hàng vay hiệu quả và khả thi, Công ty Quản lý tài sản quyết định điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn thời hạn trả nợ phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh và kế hoạch trả nợ của khách hàng vay.

Nếu phương án tự cơ cấu lại của khách hàng vay hiệu quả và khả thi nhưng đang gặp khó khăn tạm thời về tài chính, Công ty Quản lý tài sản quyết định việc giảm hoặc miễn toàn bộ số lãi đã quá hạn thanh toán mà khách hàng vay chưa có khả năng trả nợ.

Xử lý nợ, tài sản bảo đảm

VAMC có thể bán nợ đã mua hoặc chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần của khách hàng vay là doanh nghiệp.

Trường hợp chuyển các khoản nợ được mua bằng trái phiếu đặc biệt thành vốn góp, vốn cổ phần của khách hàng vay là doanh nghiệp, Công ty Quản lý tài sản phải thống nhất với tổ chức tín dụng bán nợ trước khi thực hiện. Ngay sau khi chuyển khoản nợ thành vốn góp, vốn cổ phần, Công ty Quản lý tài sản bán lại khoản vốn góp, vốn cổ phần cho tổ chức tín dụng bán nợ theo giá trị khoản góp vốn, vốn cổ phần tại khách hàng vay và thanh toán trái phiếu đặc biệt.

Trích lập dự phòng đối với trái phiếu đặc biệt và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với khoản nợ sau khi mua lại

Trong thời hạn của trái phiếu đặc biệt, tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt vào chi phí hoạt động hàng năm. Tổ chức tín dụng không phải thực hiện trích lập dự phòng chung đối với trái phiếu đặc biệt.

Sau khi thanh toán trái phiếu đặc biệt và nhận lại khoản nợ từ Công ty Quản lý tài sản, tổ chức tín dụng sử dụng số dự phòng rủi ro đã trích lập cho trái phiếu đặc biệt tương ứng với khoản nợ nhận lại để xử lý rủi ro đối với các khoản nợ này, đồng thời tiếp tục hạch toán tài khoản ngoại bảng cân đối kế toán để theo dõi và thực hiện các biện pháp thu hồi, xử lý nợ theo quy định của pháp luật.

Sau thời hạn 3 năm kể từ ngày xử lý khoản nợ và sau khi đã thực hiện tất cả các biện pháp để thu hồi nợ nhưng không thu hồi được, tổ chức tín dụng được xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng.

Khi phân loại, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với các khoản nợ được mua theo giá trị thị trường, VAMC phân loại số tiền đã thanh toán để mua nợ vào nhóm có mức độ rủi ro không thấp hơn nhóm mà khoản nợ đó đã được phân loại tại tổ chức tín dụng bán nợ tại thời điểm mua nợ.

Xử lý tiền thu hồi nợ

Công ty Quản lý tài sản được hưởng tỷ lệ 2% trên số tiền thu hồi các khoản nợ được mua bằng trái phiếu đặc biệt. Số tiền thu hồi nợ được Công ty Quản lý tài sản gửi tại tổ chức tín dụng bán nợ dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn và không được rút trước thời điểm thanh toán trái phiếu.

Công ty Quản lý tài sản thanh toán số tiền thu hồi nợ cho tổ chức tín dụng bán nợ sau khi trừ đi số tiền Công ty Quản lý tài sản được hưởng khi thanh toán trái phiếu đặc biệt.

Đối với việc thanh toán trái phiếu đặc biệt và mua lại các khoản nợ, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày số tiền dự phòng rủi ro đã trích lập cho trái phiếu đặc biệt không thấp hơn với giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ liên quan hoặc trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày trái phiếu đặc biệt đến hạn, tổ chức tín dụng bán nợ phải thực hiện:

  • Hoàn trả dư nợ vay tái cấp vốn bảo đảm bằng trái phiếu đặc biệt liên quan cho Ngân hàng Nhà nước;
  • Trường hợp khoản nợ chưa thu hồi được đầy đủ, tổ chức tín dụng mua lại các khoản nợ từ VAMC theo giá trị ghi sổ số dư nợ gốc, trả lại trái phiếu đặc biệt liên quan đến khoản nợ đó cho VAMC và được VAMC thanh toán số tiền được hưởng trên số tiền thu hồi nợ;

Trường hợp khoản nợ thu hồi được đầy đủ thì tổ chức tín dụng bán nợ trả lại trái phiếu đặc biệt cho VAMC và được VAMC thanh toán số tiền thu hồi nợ được hưởng.

Tổ chức tín dụng mua lại nợ từ Công ty Quản lý tài sản không cần sự đồng ý của khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ và bên bảo đảm.

Thông tư dự kiến có hiệu lực kể từ ngày 09 tháng 07 năm 2013.

NHNN cũng cho biết thêm, để đảm bảo tránh thất thoát, xử lý không đúng mục đích số tiền thu hồi nợ, Thông tư quy định Công ty Quản lý tài sản phải gửi số tiền thu hồi nợ tại tổ chức tín dụng bán nợ dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn và không được rút trước thời điểm thanh toán trái phiếu.

Ngoài ra, để giảm gánh nặng chi phí trích lập dự phòng cho tổ chức tín dụng, Thông tư quy định: “Định kỳ hàng quý, Công ty Quản lý tài sản có trách nhiệm thống kê và thông báo số tiền mà tổ chức tín dụng bán nợ được hưởng trong quý từ số tiền thu hồi nợ để tổ chức tín dụng ghi nhận vào doanh thu hoạt động”.

Về tỷ lệ Công ty Quản lý tài sản được hưởng trên số tiền thu hồi nợ, Thông tư quy định tỷ lệ này là 2% vì lý do dự kiến Công ty Quản lý tài sản sẽ xử lý được khoảng 80,000 – 100,000 tỷ đồng nợ xấu với tỷ lệ thu hồi dự kiến là 20% – 40%. Như vậy, với quy định tỷ lệ Công ty Quản lý tài sản được hưởng là 2% tương ứng với mức thu của Công ty Quản lý tài sản là 320 – 800 tỷ đồng. Với thời gian xử lý dự kiến là 5 năm thì mứ thu hàng năm của Công ty Quản lý tài sản là khoảng 60 – 160 tỷ đồng. Mức dự kiến này sẽ đủ bù đắp các chi phí liên quan hàng năm của Công ty Quản lý tài sản.

Minh Hằng

infonet

Các tin tức khác

>   Vụ lừa đảo hơn 1.000 tỉ đồng: “Rót” vốn ưu đãi cho doanh nghiệp lừa (19/06/2013)

>   ‘Sóng’ tỷ giá sẽ quét tới đâu? (19/06/2013)

>   Thống đốc Nguyễn Văn Bình: “Hoàn toàn đủ điều kiện để bỏ trần lãi suất” (19/06/2013)

>   Ngành ngân hàng: “Thúc” tín dụng cán mốc tăng trưởng 12% (19/06/2013)

>   Cảnh báo tình trạng đầu cơ ngoại tệ (19/06/2013)

>   Ngân hàng lúng túng trong phòng chống rửa tiền (19/06/2013)

>   Nợ xấu có giá như... cổ vật (18/06/2013)

>   Sacombank dành 50 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay ưu đãi (18/06/2013)

>   Các TCTD đang nỗ lực giảm tỉ lệ nợ xấu (18/06/2013)

>   PGBank: Nợ xấu vọt lên 8.4% - Yêu cầu bức bách phải tái cơ cấu tự nguyện? (18/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật