Đâu chỉ là việc của nhà nông
Nhiều lô hàng chè của Việt Nam xuất khẩu sang các nước châu Âu EU đã bị trả về do phát hiện có chứa các chất Acetamiprid và Imidacloprid.
Đây là 2 chất thuộc danh mục 02, theo lộ trình sẽ bị đưa ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng vào tháng 2-2015 nhưng theo khuyến cáo của Cục Bảo vệ Thực vật thì người dân không sử dụng các chất này và thay thế bằng các chất khác.
Cơ quan này cũng đưa ra 7 loại hợp chất khác có thể sử dụng thay thế 2 hợp chất này trên cây chè để người trồng chè lựa chọn.
Tuy nhiên khuyến cáo này của cơ quan chức năng không được người nông dân để ý đến.
Nghề trồng chè XK hiện nay vẫn chưa phải là nghề đem lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho người nông dân, danh mục thuốc bảo vệ thực vật tuy được khuyến cáo không nên dùng nhưng vẫn được lưu hành trên thị trường khiến người trồng ít quan tâm tới vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, vẫn sử dụng thuốc theo thói quen.
Ai cũng thấy việc hàng XK bị trả về gây thiệt hại rất lớn cho DN, thậm chí là uy tín hàng hóa XK của Việt Nam. Nhưng dường như các DN vẫn đang thụ động, không có giải pháp trước thực trạng sản phẩm vẫn tồn dư chất cấm.
Thực tế hiện nay DN chế biến XK chè Việt Nam vẫn đi thua mua chè của người dân, việc người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như thế nào DN không nắm được và cũng không chủ động được. Trong khi Việt Nam hiện có xấp xỉ 700 nhà máy chế biến chè, và rất nhiều cơ sở chế biến thủ công của các hộ gia đình. Tình trạng có sao mua vậy của các DN chế biến XK chè, không có biện pháp ràng buộc, kiểm soát người trồng chè trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thông qua việc đầu tư và bao tiêu sản phẩm sẽ dẫn tới nguy cơ sản phẩm chè Việt Nam mất uy tín trên thị trường thế giới, cơ hội XK mất dần, kéo theo DN phá sản, người trồng mất nghề…
Cũng giống như nhiều hàng hóa nông, lâm, thủy sản XK khác, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chấp hành các tiêu chuẩn về hàng hóa XK không chỉ trông vào người nông dân với những lời khuyến cáo mà cần có sự quản lý quyết liệt của cơ quan chức năng và sự “xót của” lo lắng của từng DN chế biến hàng XK.
N.H
Hải Quan
|