Tạm trữ 1 triệu tấn lúa gạo hè thu: Không dễ dàng!
Đếm ngược đồng hồ, chỉ còn 72 giờ nữa công tác thu mua tạm trữ lúa gạo hè thu 2013 lại chính thức triển khai. Nhưng dường như việc tìm đầu ra tiêu thụ vụ lúa mới này vẫn không sáng sủa.
Chỉ còn 3 ngày nữa, ngày 15- 6, việc thu mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa) hè thu 2013 chính thức được triển khai. Tuy nhiên, tại thời điểm này giá lúa vẫn xuống và phần thiệt thuộc về người nông dân. Cụ thể, giá lúa khô tại kho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long loại thường dao động từ 4.850-4.950 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.100-5.200 đồng/kg. Còn giá lúa ướt (chưa phơi sấy) bán tại ruộng là 3.300 - 3.800 đ/kg, thấp hơn rất nhiều so với giá lúa vụ Đông xuân vừa qua.
Tính đến ngày 31-5, cả nước đã xuất khẩu khoảng 2,78 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 1,211 tỷ USD (FOB); trong đó, xuất sang thị trường châu Á chiếm khoảng 65,8%, châu Phi khoảng 23,1%, còn lại là các thị trường khác. Giá xuất khẩu gạo bình quân trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2013 có xu hướng giảm ở hầu hết các thị trường. Đến thời điểm hiện nay, mức giá xuất khẩu gạo trung bình của Việt Nam đạt khoảng 435 USD/tấn (giảm 9%, tương đương 22,8 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2012). |
Đáng lưu ý, tại cuộc họp báo về tình hình xuất khẩu gạo trong các tháng tới, diễn ra ngày 4-6 vừa qua, một thông tin được hé ra, do gạo vụ Đông xuân tháng 2 vừa qua cũng có chương trình tạm trữ nhưng DN xuất khẩu bị lỗ 25-30 USD/tấn, miếng bánh thu mua tạm trữ Hè thu không còn hấp dẫn nữa, nên ít DN muốn mua tiếp.
Ngoài ra, theo "kêu than” của Hiệp hội Lương thực Việt Nam - VFA, giá thành sản xuất lúa vụ hè thu toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Tài chính công bố là 4.142 đồng/kg và có sự chênh lệch giữa các tỉnh khá cao. Doanh nghiệp bức xúc nói, giá thành lúa mà Bộ Tài chính đưa ra là lúa khô, còn giá nông dân bán tại ruộng là lúa tươi. Còn ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho biết: với giá mua cao mà giá xuất khẩu lại không tăng, hầu như các doanh nghiệp không mặn mà với việc mua tạm trữ nhưng đây là nhiệm vụ phải làm để bảo đảm thị trường lúa gạo trong nước ổn định.
Những thông tin được VFA đưa ra trước khi triển khai chính thức cuộc thu mua lúa gạo Hè thu đưa đến cảm giác là: DN sẽ ra sức ép giá lúa, người nông dân sẽ tiếp tục chịu thiệt.
Thông tin từ Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, do gặp nhiều yếu tố khó khăn, tỉnh chỉ thu mua tạm trữ từ 10-15 ngàn tấn gạo (tương đương khoảng 20-30 ngàn tấn lúa) trong vụ hè thu này. Trong đó, phần lớn sản lượng thu mua giao cho Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang đảm nhận thực hiện. Tuy lượng lúa thu mua này chỉ chiếm khoảng 10% tổng sản lượng lúa vụ hè thu trong dân, nhưng phía công ty, các doanh nghiệp trên địa bàn lại "kêu ca” gặp khó về kho bãi, đầu ra…
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, thời điểm này, nông dân các huyện Giồng Riềng, Giang Thành đang vào chính vụ thu hoạch trong khi vẫn còn tồn đọng gần 6 trăm nghìn tấn lúa hàng hóa của vụ đông xuân chưa tiêu thụ được. Lúa mới, lúa cũ chồng nhau tồn kho nên đầu ra khó khăn.
Do đó, chủ trương mua tạm trữ lúa gạo là đúng, nhưng vấn đề là làm gì để người nông dân có lãi, thì vẫn chưa có giải pháp thích đáng.
Thúy Hằng
Đại đoàn kết
|