Đại chúng một nửa
Những doanh nghiệp tự gầy dựng cơ nghiệp dường như vẫn còn luyến tiếc “của riêng” khi lên sàn. Vì thế, dù đã niêm yết, họ và gia đình vẫn giữ phần lớn cổ phần tại công ty.
Có không ít trường hợp như vậy, như Thép Pomina (POM), Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam (ALP), Thủy sản Minh Phú (MPC)…. Ai cũng có lý lẽ riêng. Nhưng đã chấp nhận cuộc chơi đại chúng, làm như vậy có công bằng với những người cùng tham gia cuộc chơi?
Alphanam là một ví dụ cho trường hợp doanh nghiệp đã niêm yết nhưng vẫn còn mang nặng tính gia đình.
|
Đại chúng lẫn lộn gia đình
Alphanam là một ví dụ điển hình cho trường hợp doanh nghiệp đã niêm yết nhưng vẫn còn mang nặng tính gia đình. Ở doanh nghiệp có quy mô vốn hóa thị trường có lúc lên hơn 2.000 tỉ đồng này, các vị trí chủ chốt như Chủ tịch, Tổng Giám đốc cho đến các phó tổng đều là người một nhà của cổ đông sáng lập. Ông chủ của Alphanam là Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải. Tỉ lệ sở hữu của ông và người thân tới hơn 90% cổ phần công ty. Và dù đã niêm yết từ năm 2007, cơ cấu này vẫn được giữ nguyên.
Pomina cũng thuộc gia đình của anh em nhà họ Đỗ. Ông Đỗ Duy Thái là người khai sinh ra Công ty Thép Việt. Chính đơn vị này cùng anh em của ông đã sở hữu đến gần 90% cổ phần Pomina.
Mỗi người đều có lý do riêng để nắm giữ đa số cổ phần. Đối với ông Đỗ Duy Thái, thép là lĩnh vực ông đã gắn bó ngay từ những ngày đầu. Bởi vậy, các thành viên trong gia đình nắm đa số cổ phần và ông chỉ bán một ít cổ phần cho các nhà đầu tư và đại lý. Đó là một cách giữ vững cơ nghiệp.
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG), thì cho rằng cơ nghiệp này là của ông nên với tỉ lệ sở hữu 43% ở HAG và thậm chí tăng thêm sau những lần ông mua thêm cổ phiếu cũng là chuyện bình thường. “Đó là công ty của mình, giữ bao nhiêu đó là còn ít. Nói tôi giữ nhiều là nói ngược”, ông nói.
Về nguyên tắc, doanh nghiệp khi niêm yết thường có nhiều cái lợi. Đáng chú ý nhất là khả năng huy động vốn với chi phí thấp hơn vay ngân hàng. Nhưng các ông chủ nắm cổ phần đa số thì còn chỗ đâu nữa cho nhà đầu tư tiềm năng bước vào? Doanh nghiệp khó đạt được các mục tiêu quan trọng khi niêm yết. Vậy doanh nghiệp niêm yết để làm gì?
Trên thực tế, có một số doanh nghiệp niêm yết nhưng không quan tâm đến lợi ích huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán và vẫn chủ yếu vay vốn ngân hàng. Có lẽ hồ sơ minh bạch của một công ty niêm yết là điều kiện thuận lợi để vay ngân hàng? Như trường hợp của Pomina chẳng hạn. Từ khi niêm yết vào năm 2010, chưa lần nào Pomina huy động vốn từ cổ đông thành công trong khi nợ vay vẫn tăng đều qua các năm. Nhất là năm 2012, vay và nợ ngắn hạn đã tăng hơn 30%.
Có thể còn một lý do khác là một số doanh nghiệp xem việc niêm yết như một kênh quảng bá hình ảnh hiệu quả với chi phí thấp. Đó là chưa nói đến khả năng tăng giá cổ phiếu. Khi đó, giá trị tài sản của các ông chủ cũng tăng theo. Và nhờ đó, có thể hình ảnh của họ và doanh nghiệp sẽ được xuất hiện trong một bảng vinh danh nào đấy.
Rủi ro “Key man risk”
Do sở hữu cổ phần chi phối nên cổ đông sáng lập là người có ảnh hưởng lớn nhất. Tất nhiên, họ sẽ là người vạch ra chiến lược và chịu trách nhiệm lèo lái doanh nghiệp. Họ cũng là nhân vật ảnh hưởng nhất đến các cổ đông còn lại. Minh chứng là tần số xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông như Chủ tịch Lê Phước Vũ của Tập đoàn Hoa Sen (gia đình ông Vũ nắm hơn 51% cổ phần của Hoa Sen) hay ông Đoàn Nguyên Đức của Hoàng Anh Gia Lai.
Nắm đa số cổ phần lại giữ luôn quyền điều hành nên hành xử theo quan điểm cá nhân cũng là chuyện thường tình. Những quyết định như vậy không phải lúc nào cũng đúng và điều này làm những cổ đông khác phiền lòng. Khi lên sàn vào năm 2007, Alphanam xác định sẽ theo đuổi lĩnh vực sản xuất các dụng cụ điện, cơ khí và dịch vụ liên quan. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, mục tiêu đó đã được các lãnh đạo công ty thay bằng hoạt động đầu tư tài chính. Tổng giá trị đầu tư tài chính giai đoạn 2008 -2011 đã tăng gần gấp đôi và chiếm 44% tổng tài sản. Sự độc hành trong các quyết định này khiến cổ đông nhỏ tháo chạy. Kết quả là giá cổ phiếu ALP đã giảm đến 3 lần so với đầu năm 2013.
Ngược với việc giữ cổ phần chi phối cổ phần và quyết định theo ý riêng, thị trường vẫn không thiếu ông chủ vừa bảo vệ công ty vừa làm mát lòng cổ đông như anh em họ Trần của Kinh Đô (KDC)… Trong 2 năm gần đây, anh em nhà họ Trần vẫn mang về lợi nhuận khá tốt cho cổ đông. Ngoài ra, còn chia cổ tức bằng tiền mặt tới 20%.
Theo ông Andy Hồ, Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư VinaCapital, nắm giữ đa số cổ phần là cách các nhà sáng lập bảo vệ giá trị do họ tạo ra. Ông nhấn mạnh: “Miễn sao họ làm tăng giá trị cho công ty, cổ đông thì doanh nghiệp đó vẫn rất đáng đầu tư”.
Tuy nhiên, những công ty tạo ra giá trị cho cổ đông như thế thường không nhiều. Trong khi đó, một thực tế là các công ty “đại chúng một nửa” lại có khá nhiều rủi ro, nhất là rủi ro “key man risk”, tức doanh nghiệp quá phụ thuộc vào một người quan trọng.
Ở Việt Nam, không thiếu trường hợp doanh nghiệp phụ thuộc vào “key man”. Mặc dù ở mặt nào đó, họ đang đào tạo người kế vị, có thể là người thân, nhưng cũng không thể khẳng định đó là kế hoạch hoàn hảo. Bởi lẽ, trong khi người kế vị chưa thực sự cứng cáp mà “key man” có vấn đề, như sức khỏe, thì doanh nghiệp sẽ chao đảo.
Theo Tiến sĩ Trần Vinh Dự, Giám đốc Công ty Tư vấn TNK Capital Partners, các doanh nghiệp này nên sớm hiện đại hóa mô hình quản trị. “Bước đầu là thuê ngoài các quản lý cấp cao. Hoặc ít ra mỗi doanh nghiệp phải có thành viên Hội đồng Quản trị độc lập để có ý kiến đa chiều và minh bạch”, ông nói.
Ông Dự lấy ví dụ về doanh nghiệp Mỹ. Ông cho biết các doanh nghiệp ở Mỹ một khi đã niêm yết thì rất hiếm có chuyện cổ đông sáng lập sở hữu đa số. “Họ kêu gọi sự góp sức của nhiều cổ đông khác để giúp công ty phát triển. Vốn, kiến thức, kinh nghiệm của các nhà đầu tư chuyên nghiệp là những thứ họ cần”, ông nói. Đặc biệt, điều này giúp tránh được rủi ro “key man risk”.
Ngọc Dương
nhịp cầu đầu tư
|