Công ty xử lý nợ xấu chỉ mua nợ tốt?
Tại buổi góp ý về dự thảo Thông tư mua bán nợ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sáng 26/06, nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, các điều kiện mua nợ của VAMC quá chặt chẽ khiến ngân hàng chỉ có thể bán "nợ đẹp" cho VAMC còn nợ xấu thì vẫn bế tắc trong xử lý.
Ngân hàng lo không bán được nợ xấu cho VAMC
vì điều kiện quá khắt khe
|
Một trong những điều kiện mua nợ mà VAMC đưa ra trong dự thảo Thông tư quy định về việc mua, bán, xử lý nợ xấu của VAMC là khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản.
Trong đó, không dưới 65% tổng giá trị tài sản bảo đảm là bất động sản, bao gồm cả bất động sản hình thành trong tương lai. Đồng thời, VAMC chỉ mua những khoản nợ từ 1 tỷ đồng trở lên với cá nhân, từ 3 tỷ đồng trở lên với tổ chức.
Theo đại diện ngân hàng Agribank, quy định này sẽ khiến Agribank khó lòng bán nợ xấu cho VAMC.
“Đối với Agribank, các khoản vay có tài sản đảm bảo có trên 65% thường chỉ có ở các đơn vị kinh doanh bất động sản. Còn với các DN sản xuất kinh doanh, họ có đầu tư bất động sản nhưng thường rất tiết kiệm, họ có thể thuê đất nên kết cấu lượng tiền nằm trong tài sản đảm bảo đó là rất nhỏ. Chủ yếu họ đầu tư vào nhà xưởng, máy móc, dây chuyền thiết bị... Do đó, với quy định 65% tài sản đảm bảo là bất động sản thì rất khó xử lý được nợ xấu, đề nghị nên giảm tỷ lệ này xuống”, đại diện Agribank kiến nghị.
Một vướng mắc nữa của Agribank là do đặc thù chủ yếu cho vay hộ sản xuất, nên số hộ vay từ 1 tỷ đồng trở lên là rất ít. Do đó, với quy định của VAMC, Agribank sẽ khó lòng xử lý được các khoản nợ xấu của các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ.
Đồng tình ý kiến này, ông Bùi Minh Khải,Giám đốc ban Pháp chế Ngân hàng BIDV cho rằng, điều kiện về tài sản đảm bảo trong các văn bản pháp lý về VAMC quá chặt chẽ. Với đà chặt như vậy, rất khó để các tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC.
Ngoài ra, đại diện BIDV cũng cho rằng, quy định như trong dự thảo hoạt động của VAMC chưa rõ ràng. Ví dụ, dự thảo quy định khoản nợ phải có 65% tài sản đảm bảo bằng bất động sản nhưng không nêu rõ giá trị tài sản đảm bảo được tính trên cơ sở nào, trên cơ sở định giá của ngân hàng khi cho vay hay theo định giá hiện tại của VAMC?
Chia sẻ nỗi lo ngại của các ngân hàng, luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật Basico cho rằng, khoản nợ có 65% tài sản đảm bảo là bất động sản lài khoản nợ tốt. Dự thảo của VAMC quy định như trên là chứng tỏ chỉ mua những khoản nợ tương đối tốt. Trong khi đó, điều mà các ngân hàng cần nhất là giải quyết những khoản nợ xấu thực sự thì có vẻ đang tắc, bởi các khoản nợ xấu thật này, nếu không đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì không thể bán được cho VAMC.
Về phía doanh nghiệp, điều mà họ hy vọng nhiều nhất là VAMC vào cuộc sẽ giúp họ có thể tiếp tục được vay vốn. Song khả năng này là không dễ. Đại diện ngân hàng BDIV thẳng thắn bày tỏ lo ngại:“Nếu chúng tôi đã bán tất cả các khoản nợ xấu của khách hàng và tiếp tục cho vay đối với khách hàng này thì khoản cho vay mới lại trở thành nợ xấu”.
Trước phản ứng của nhiều ngân hàng, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam khẳng định, mục tiêu chính của VAMC là giúp xử lý nhanh nợ xấu đồng thời tạo điều kiện mở rộng tín dụng cho các khách hàng trong nền kinh tế. Thời gian đầu, VAMC dự định chỉ xử lý các khoản nợ lớn từ 1-3 tỷ đồng để tạo điều kiện đẩy nhanh xử lý nợ xấu. Đến thời điểm phù hợp, VAMC sẽ mở rộng phạm vi xử lý các khoản nợ nhỏ hơn. Hiệp hội ngân hàng cũng đề nghị các ngân hàng tính toán để biết tỷ lệ nợ xấu được xử lý là bao nhiêu nếu VAMC mua nợ dưới 1 tỷ đồng.
Thùy Liên
đầu tư
|