Mua nợ xấu từ vốn "ngoại": Khơi thông để có "con sếu đầu đàn"
"Trong thu hút đầu tư nước ngoài, hiệu ứng "đàn sếu bay" luôn là một lợi thế để ta tận dụng. Khi đã có được một vài thương vụ hấp dẫn, lập tức sẽ hút thêm các NĐT khác tham gia. Đông khách tự khắc có cạnh tranh, và khi đã có cạnh tranh thì sẽ không lo mất giá." - ông Phạm Mạnh Thường, Phó TGĐ Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (Bộ Tài chính).
Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Mạnh Thường - Phó tổng giám đốc Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (Bộ Tài chính) và Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật BASICO, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng.
NĐT nước ngoài vẫn đang gặp khó khăn trong việc sở hữu BĐS tại Việt Nam
|
Sau sự thành lập của VAMC, có nhiều ý kiến khác nhau về việc huy động nguồn lực trong nước hay trông chờ NĐT nước ngoài vào giải quyết nợ xấu. Quan điểm của các ông như thế nào về vấn đề này?
Ông Phạm Mạnh Thường
|
Ông Phạm Mạnh Thường: Có thể thấy thị trường nợ xấu ở ta còn khá sơ khai và chưa được khai thác, đang có sức hút khá tốt với các NĐT nước ngoài. Hiện đã có một số NĐT chuyên nghiệp nước ngoài dưới dạng các quỹ, ngân hàng đầu tư vào tìm kiếm cơ hội đầu tư. Trong bối cảnh nợ xấu cao như hiện nay, chúng ta cũng cần họ để có thêm sự lựa chọn cho việc xử lý nợ xấu, đặc biệt là việc châm ngòi cho quá trình xử lý nợ xấu ở quy mô lớn.
Vấn đề là ở chỗ, trong thời gian ngắn trước mắt ta chưa thể trông mong được vào các NĐT nước ngoài. Bởi lẽ, còn nhiều rào cản về thủ tục hành chính, cơ chế chính sách cần có thời gian để điều chỉnh và các NĐT nước ngoài cũng có những yêu cầu, thị hiếu đầu tư riêng mà chúng ta không thể ngày một ngày hai đáp ứng được.
Luật sư Trương Thanh Đức: Đúng là như vậy. Hiện kỳ vọng NĐT nước ngoài tham gia thị trường mua bán nợ thì có nhiều, nhưng cơ chế dường như đang đóng cửa đối với việc mua bán nợ của NĐT nước ngoài.
Ông có thể phân tích rõ hơn về những rào cản này, thưa ông?
Ông Phạm Mạnh Thường: Đầu tiên, câu chuyện tuy cũ nhưng vẫn phải nhắc lại. Đó là số liệu về nợ xấu của các TCTD còn thiếu độ tin cậy. Ở một thị trường mà tính minh bạch thông tin thấp thì thật khó thu hút các NĐT chuyên nghiệp. Hơn nữa bản thân NĐT cũng muốn biết mức độ nợ xấu thực tế là bao nhiêu để họ tính toán quy mô đầu tư và chiến lược tham gia phù hợp.
Các NĐT quan tâm nhiều tới khía cạnh lợi ích theo quy mô và mức hiệu quả về chi phí. Khi vào đầu tư ở một thị trường mới, họ phải bỏ công sức, chi phí để đánh giá, rà soát pháp lý, tìm hiểu thực chất thị trường, phân loại đối tượng xử lý… nên quy mô thị trường phải đủ lớn mới hấp dẫn được họ tham gia.
Thứ hai, NĐT nước ngoài rất quan tâm tới yếu tố thời gian. Những thủ tục hành chính và chất lượng của công tác bàn giao hồ sơ, thu hồi và bán tài sản đảm bảo, đăng ký giao dịch đảm bảo, xác lập quyền sở hữu tài sản, thủ tục phán xử ở tòa án, công tác thi hành án ở Việt Nam rất rườm rà, mất thời gian là những rào cản làm nản lòng các NĐT nước ngoài.
Thứ ba, quy trình ra quyết định nhiều tầng nấc cũng là trở ngại lớn. Khu vực tư nhân thường có được những quyết định nhanh, nhưng với những tổ chức có vốn Nhà nước thì phải chờ “thống nhất ý kiến, xin ý kiến chỉ đạo” mới có được các quyết định. Việc chậm có quyết định cũng là một cản trở thu hút NĐT nước ngoài.
Thứ tư, ở ta không có nhiều những món nợ xấu riêng lẻ hàng chục hay cả trăm triệu USD và mỗi DN lại vay từ nhiều ngân hàng mà NĐT nước ngoài lại không thể đàm phán với từng chủ nợ được nên họ thường chào mua nợ xấu theo những lô lớn kiểu mua vo cả mớ hay mua những lô đã được phân loại.
Bởi vậy, các TCTD trong nước cần sự chủ động trong việc chào bán cả mớ hay có sự liên kết để gói nợ xấu theo từng nhóm đối tượng khi chào bán cho NĐT ngoại. Với chức năng làm cầu nối của mình, vấn đề chào bán cả mớ cũng có thể được khắc phục khi VAMC đi vào hoạt động.
Nhiều ý kiến cho rằng, rào cản lớn nhất đối với các NĐT nước ngoài là quy định về quyền sở hữu tài sản, đặc biệt là BĐS tại Việt Nam. Ông bình luận thế nào về những ý kiến này, thưa ông Đức?
Luật sư Trương Thanh Đức
|
Luật sư Trương Thanh Đức: Điều kiện kinh tế - xã hội cũng như hành lang pháp lý hiện nay của Việt Nam đang là một trở ngại rất lớn đối với việc xử lý nợ xấu. Sở dĩ nợ xấu tăng mạnh và chậm được xử lý, một phần quan trọng cũng là do thủ tục thu giữ tài sản thế chấp, khởi kiện, phát mại theo quy định của pháp luật quá rắc rối, phức tạp, kéo dài, tốn kém.
NĐT nước ngoài thì còn gặp khó khăn hơn so với các cá nhân, pháp nhân trong nước, nhất là về thủ tục pháp lý. Mua nợ thì thường phải kèm theo tài sản thế chấp, nhưng theo pháp luật hiện hành, thì việc chuyển đổi bên nhận thế chấp quyền sử dụng đất từ các TCTD Việt Nam sang cho NĐT nước ngoài không làm được, do NĐT nước ngoài không được phép nhận thế chấp quyền sử dụng đất.
Chưa hết, nhiều trường hợp NĐT nước ngoài mua nợ, khi không bán lại được cho người khác, thì sẽ phải nhằm tới mục tiêu cùng tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc quản lý, điều hành các DN. Nhưng họ lại bị hạn chế bởi các giới hạn đầu tư theo quy định của pháp luật, đặc biệt là giới hạn sở hữu cổ phần của các TCTD.
Hiện không ít ý kiến băn khoăn, trong bối cảnh thị trường đang ở đáy, mà bán nợ cho NĐT nước ngoài, Việt Nam sẽ rơi vào bẫy bị thâu tóm tài sản giá rẻ. Vậy làm thế nào để tránh được nguy cơ này?
Ông Phạm Mạnh Thường: Trong thời kỳ suy thoái, giá tài sản xấu đang ở mức rất thấp, nếu không có chiến lược chào bán một cách thích hợp thì có thể dẫn đến trường hợp NĐT thâu tóm tài sản giá rẻ. Do vậy, một mặt mình mời chào, mặt khác cũng cần các bước đi, có sự lường định để tránh chuyện bị thâu tóm. Hơn nữa, chúng ta đang có lợi thế là các ngân hàng không còn phải lo về thanh khoản, không phải vội bán tống bán tháo nợ xấu, nên hoàn toàn có thể kết hợp một số “mánh” kỹ thuật chào bán để vừa thu hút đầu tư vừa tránh bị ép giá.
Trong thu hút đầu tư nước ngoài, hiệu ứng "đàn sếu bay" luôn là một lợi thế để ta tận dụng. Khi đã có được một vài thương vụ hấp dẫn, lập tức sẽ hút thêm các NĐT khác tham gia. Đông khách tự khắc có cạnh tranh, và khi đã có cạnh tranh thì sẽ không lo mất giá.
Ngoài ra, NĐT ngoại sẽ mang tới những kỹ năng và cách thức xử lý "hiện đại" mà chúng ta chưa có và việc học hỏi sẽ giúp ta tự tạo được giá trị gia tăng từ xử lý nợ xấu. Đồng thời với việc mời NĐT nước ngoài, cũng cần quan tâm tới các NĐT trong nước.
Mặc dù những NĐT trong nước dường như không có nhiều kỹ năng xử lý nợ xấu ở quy mô lớn và bị hạn chế về nguồn lực, nhưng họ có lợi thế về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán nên họ có thể tạo sự đối trọng với NĐT nước ngoài nếu các TCTD và Nhà nước có những sự nâng đỡ cho họ. NHNN và các TCTD cần đặt ra mục tiêu thời điểm nào giảm được bao nhiêu nợ xấu để có bước đi phù hợp tránh nguy cơ bán ồ ạt tài sản vào một thời điểm nào đó cho đủ “chỉ tiêu” để tránh bị ép giá.
Ngược lại, một số NHTM với tiềm lực tài chính tốt có thể thực hiện chiến lược “găm hàng chờ giá lên”. Nền kinh tế hồi phục sẽ đẩy giá tài sản tăng giúp họ nâng cao giá trị thu hồi từ nợ xấu. Tuy nhiên, "nợ xấu càng để càng xấu" là một sự thừa nhận từ kinh nghiệm quốc tế nên đây là điều cần lưu ý khi mỗi TCTD tùy vào tình thế nội tại và bản chất nợ xấu của mình để xác lập chiến lược xử lý phù hợp.
Luật sư Trương Thanh Đức: Cũng như kinh doanh, tôi chỉ sợ không lôi kéo được NĐT nước ngoài vào cuộc. Bởi họ có lợi nhuận nhưng đồng thời cũng mang lại lợi ích cho Việt Nam, đặc biệt là nguồn vốn để mua nợ. Nếu các NĐT trong nước làm được và làm tốt hơn, thì họ cũng không dễ gì bỏ lỡ cơ hội. Vậy thì chẳng có lý do gì phải e ngại NĐT nước ngoài bỏ vốn và công sức mua lại nợ xấu, ôm vào rủi ro để kiếm lời.
Nhà cửa, đất đai hay nhà máy, công ty vẫn hoạt động ở Việt Nam, tiếp tục sản xuất, kinh doanh, tạo ra sản phẩm, việc làm và thu nhập cho xã hội. Hoạt động này cũng không khác nhiều so với việc kêu gọi NĐT nước ngoài đầu tư vào sản xuất, kinh doanh từ trước đến nay.
Ngọc Khanh
Thời báo ngân hàng
|