Các dự án đường sắt đô thị đang gặp khó
Các dự án đường sắt đô thị tại TPHCM triển khai chậm là do thiếu vốn, khó giải phóng mặt bằng và thủ tục hành chính rườm rà do pháp luật chưa hoàn thiện, theo ông Hoàng Như Cương, Phó ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM.
uyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên Đồ họa: Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM
|
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, TPHCM đang và sẽ đầu tư xây dựng 7 tuyến metro (số 1, số 2, số 3a, số 3b, số 4, số 5, số 6) và 3 tuyến xe điện mặt đất (tramway Sài Gòn - Chợ Lớn, monorail Nguyễn Văn Linh, monorail Gò Vấp – Công viên phần mềm Quang Trung – Tân Thới Hiệp).
Sau hơn 10 năm triển khai (kế hoạch tổng thể được tuyên bố hồi tháng 2-2001), đến nay tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) mới cơ bản giải phóng xong mặt bằng, đang mở thầu sơ tuyển gói thầu xây dựng đoạn ngầm từ Bến Thành đến Ba Son.
Đối với đối gói thầu xây dựng tuyến đường trên cao từ Ba Son đến Suối Tiên với 11 nhà ga, depot bảo dưỡng kỹ thuật đầu máy, toa xe, nhà thầu cũng mới cơ bản hoàn thành phần khảo sát địa chất, địa hình nhà ga, cầu bộ hành, depot.
Tuy nhiên, theo Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM, trong tháng 6-2013 gói thầu tuyến đường trên cao, nhà ga, depot của tuyến metro số 1 sẽ được triển khai thi công đại trà.
Với tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương), được khởi công từ tháng 8-2010, nhưng theo ông Hoàng Như Cương, hiện các gói thầu xây dựng tuyến metro này đang trong giai đoạn đấu thầu, chọn thầu nên dự kiến đến đầu năm 2014 mới bắt đầu triển khai.
Còn đối với các dự án đường sắt đô thị còn lại, ngoài tuyến metro số 5 (chính phủ Tây Ban Nha tài trợ 200 triệu euro), các dự án còn lại đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn vốn.
“Nếu mọi chuyện trơn tru thì đến năm 2017 tuyến metro số 1 và số 2 sẽ hoàn thành và năm 2018 mới bắt đầu phục vụ người dân”, ông Cương dự đoán.
Ông Hoàng Như Cương cho rằng, mạng lưới đường sắt đô thị TPHCM chậm so với dự định ban đầu là do chúng ta không có tiền, phải kêu gọi tài trợ từ các quốc gia khác.
Cũng theo ông Hoàng Như Cương, quá trình triển khai các dự án xây dựng metro hiện nay chậm còn do thủ tục. Cụ thể, do quy định của các nhà tài trợ và quy định của Việt Nam không khớp nhau nên quá trình làm việc bị vướn, phải xin ý kiến các cơ quan chức năng, Chính phủ mới có thể triển khai, nhất là trong quy định về đấu thầu đến nay vẫn còn vướng.
Việc dự án metro triển khai chậm, theo ông Hoàng Như Cương, còn do vấn đề tính toán tổng mức đầu tư ban đầu thiếu chính xác nên trong quá trình triển khai phải điều chỉnh – tăng vốn. “Việc tăng vốn dự án metro mất rất nhiều thời gian, vài ba năm, vì phải có ý kiến của nhiều bộ, ban ngành, Quốc hội”, ông Cương nói.
Ngoài ra, ông Cương còn kiến nghị nên tách công việc đền bù giải tỏa ra khỏi dự án đường sắt đô thị. Thực tế đã cho thấy, giá đền bù giải tỏa luôn biến động khiến giá dự án đường sắt thay đổi, phải trình Quốc hội, rất mất thời gian. Hơn nữa, cách hiểu về giải tỏa đền bù của nhà tài trợ nước ngoài và Việt Nam cũng không giống nhau.
“Chúng ta phân biệt nhà đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng và không có để tính tiền đền bù; còn nhà tài trợ họ không quan tâm đến đều đó, họ căn cứ vào diện tích đền bù mà tính tiền, một giá, không phân biệt”, ông Cương nói.
Vì vậy, ông Cương kiến nghị: “Nên tách giải tỏa đền bù riêng ra khỏi dự án đường sắt đô thị; đồng thời việc giải tỏa phải đi trước một bước”. Có như vậy việc triển khai các dự án đường sắt đô thị sau này mới trơn tru được.
Đá Bàn
tbktsg
|