Quá nhiều quy định “trên trời”
Quốc hội bước sang tuần làm việc thứ ba với nội dung chủ yếu là công tác lập pháp. Báo Người Lao động đã trao đổi với bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, về những quy định khó đi vào cuộc sống
* Phóng viên: Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và người dân cho rằng các quy định pháp luật hiện hành dường như đẩy khó cho người dân và dễ cho cơ quan quản lý, thưa bà?
- Bà Lê Thị Nga: Phải nói rằng hiện tượng này tuy không phổ biến nhưng có. Cục Kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp đã chỉ ra đến mấy trăm văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành có những quy định không bảo đảm chất lượng, cá biệt còn trái luật.
Giữa hai kỳ họp Quốc hội vừa qua, báo chí đề cập nhiều đến vấn đề xây dựng văn bản, thu hút đông đảo cử tri thảo luận. Trong đó, nhiều luật, nghị định, thông tư đang trong quá trình soạn thảo có một số quy định trái luật, bất hợp lý, thiếu khả thi.
* Theo bà, đâu là nguyên nhân của tình trạng xây dựng luật xa rời cuộc sống?
- Theo tôi, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã khá hoàn thiện. Nếu thực hiện đúng luật này, chất lượng văn bản sẽ rất tốt. Luật đã quy định rõ trình tự, thủ tục, quyền và nghĩa vụ chặt chẽ của các chủ thể trong tất cả các khâu của quá trình xây dựng văn bản quy phạm. Một yêu cầu tối quan trọng và xuyên suốt của các quá trình này là phải bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất của hệ thống pháp luật và phải khả thi.
Tuy nhiên, vẫn còn những quy định chồng chéo, mâu thuẫn với luật khác, không khả thi, khó đi vào cuộc sống, quy định khung còn nhiều, thiếu tính dự báo nên phải nhanh chóng sửa đổi. Những hạn chế này trước hết là do các chủ thể của từng khâu đã không chấp hành đầy đủ luật.
* Nhiều quy định pháp luật vừa không khả thi vừa gây phản ứng trong xã hội cho thấy cơ quan soạn thảo không chỉ không tuân thủ luật mà còn đề xuất hoặc đưa ra những quy định viển vông, lạ lẫm với cuộc sống. Ví dụ, thông tư của Bộ NN-PTNT về kinh doanh thịt sống, trứng hay kiểm soát bệnh dại chó mèo...
- Có lẽ không chỉ một ngành có những quy định thiếu khả thi như thế. Mục đích kiểm soát bệnh dại là rất đúng. Tuy nhiên, khác với các nước, ở Việt Nam, chó mèo không chỉ là vật nuôi mà còn là thực phẩm. Ở nông thôn, người dân nuôi cả đàn chó, mèo và có thể làm thịt bất cứ lúc nào. Do vậy, nếu cứ phải đăng ký hoặc hủy đăng ký nuôi chó, mèo là điều không tưởng. Nếu người dân không chấp hành thì chẳng lấy đâu ra đủ căn cứ, công chức để xử phạt.
Mũ bảo hiểm dỏm hiện chiếm 70% trên thị trường nên quy định xử phạt người đội mũ bảo hiểm kém chất lượng là khó thực thi.
|
Với đề xuất phạt người đội mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng, khi thực tế có tới 70% kém chất lượng, vậy lấy đâu ra công chức để xử phạt người vi phạm? Rồi thế nào là mũ dỏm, mũ thật cũng phải tranh cãi. Lực lượng quản lý thị trường “xung phong” ra đứng đường cùng CSGT để xử lý mũ dỏm trong khi họ chưa quản lý nổi hàng trăm mặt hàng khác cũng là chuyện phi thực tế. Những đề xuất như vậy là hoàn toàn xa rời cuộc sống nên lâu nay bị người dân phản ứng đến mức họ chuyển thành những câu chuyện “cười ra nước mắt”.
* Trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có quy định phải lấy ý kiến người dân nhưng xem ra việc làm này còn hình thức?
- Việc hình thức trong lấy ý kiến người dân là có.
* Còn nhiều quy định không khả thi, ngoài trách nhiệm của các cơ quan thuộc Chính phủ còn có phần của QH, thưa bà?
- Đương nhiên là có trách nhiệm vì QH là cơ quan xây dựng luật, là khâu cuối cùng. QH cũng phải tự đánh giá đối với những luật, pháp lệnh chất lượng chưa tốt, phải sửa đổi thì lỗi là ở khâu nào, ai chịu trách nhiệm?
Nhiều lúc cơ quan thẩm tra của QH có ý kiến phản đối nhưng ĐB vẫn biểu quyết thông qua. Trong khi đó, cơ chế quy trách nhiệm đối với 500 ĐBQH đến nay chưa được đặt ra. Ở một số nước, cử tri có quyền biết đối với từng vấn đề, ĐB do mình bầu ra đã bỏ phiếu như thế nào? Có theo nguyện vọng của họ hay không? Ở ta thì chưa có cơ chế này.
* Vậy theo bà, để hạn chế những quy định không khả thi, thời gian tới cần phải làm gì?
- Phải rà soát lại quy trình rồi xử lý, chấn chỉnh từng khâu, chủ yếu là khâu tổ chức thực hiện. Đối với luật thì hiện nay, quy định thẩm quyền thẩm định thông tư của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định là chưa hợp lý, không bảo đảm khách quan. Theo luật này, thông tư do bộ soạn thảo nhưng việc thẩm định cũng do bộ phận pháp chế của bộ đó thực hiện. Vì thế, ít khi có quan điểm trái chiều vì họ có cùng điểm chung là tạo thuận lợi cho bộ của mình, đặc biệt nếu quan điểm soạn thảo lại là ý tưởng của chính bộ trưởng.
Theo tôi, để bảo đảm khách quan và nâng cao chất lượng của văn bản thì cơ quan thẩm định, thẩm tra phải độc lập, đứng ngoài sự chi phối, ảnh hưởng của cơ quan soạn thảo.
* Như vậy, cần có một cơ quan độc lập thẩm định và kiểm tra việc này. Khi đó, Bộ Tư pháp hay Văn phòng Chính phủ sẽ quá tải bởi dày đặc thông tư như hiện nay?
- Thẩm định là việc làm trước khi ban hành, kiểm tra là việc làm sau khi ban hành. Với cả 2 việc này, Chính phủ cần tổ chức tốt hơn để khắc phục những hạn chế như vừa qua. Giao cho cơ quan nào là thẩm quyền của Chính phủ. Theo tôi, Chính phủ có thể giao việc thẩm định cho Bộ Tư pháp, trừ những văn bản do bộ này soạn thảo, nếu vướng luật thì đề xuất QH sửa.
Quốc hội thảo luận dự thảo Hiến pháp
Theo Văn phòng QH, trong tuần làm việc thứ ba, QH sẽ dành 2 ngày liên tiếp để thảo luận tại hội trường về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các phiên thảo luận đều được truyền hình, phát thanh trực tiếp.
Cũng trong tuần này, QH sẽ nghe và thảo luận về kết quả giám sát việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012. Liên quan tới công tác lập pháp, tuần này, Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số dự án luật như Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng; Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai; Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung điều 170 của Luật Doanh nghiệp...
Chậm sửa nghị định về kinh doanh xăng dầu
Bà Lê Thị Nga cho rằng trong việc chậm sửa đổi các quy định bất hợp lý, Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu là một minh chứng. Do đây là mặt hàng thiết yếu nên người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi những bất hợp lý của Nghị định 84. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng quyết tâm sửa đổi nghị định này. Tuy nhiên, đã gần nửa nhiệm kỳ QH khóa XIII nhưng nghị định này vẫn chưa được sửa đổi.
Theo bà Nga, có vẻ như thành quy luật, trước mỗi kỳ họp QH, giá xăng dầu lại “nằm im” hoặc giảm đôi chút để làm yên lòng ĐB và cử tri rồi sau đó lại tăng trong sự hoài nghi của xã hội về tính minh bạch của nó. Chính phủ cũng cần cho QH biết lý do của việc trì hoãn sửa đổi Nghị định 84.
|
Thế Dũng thực hiện
người lao động
|