Thứ Tư, 19/06/2013 10:29

Ba khoảng trống “rủi ro” của nông nghiệp Việt Nam

Thời gian gần đây, hiện tượng các loại nông sản được thu mua bởi các thương lái đến từ Trung Quốc đã làm bộc lộ các khoảng trống tiềm ẩn rủi ro cho ngành nông nghiệp.

Mua thứ “không biết làm gì” để làm gì?

Thông tin thực tế và chính thức từ báo chí thời gian qua cho thấy thương lái Trung Quốc đang “bao thầu” rất nhiều sản phẩm trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Từ các sản phẩm gần gũi và “có tên” như lúa gạo, khoai mì, càphê, tiêu, dừa, khóm, thuỷ sản… đến các sản phẩm không biết để làm gì như: rễ sim, rễ trưng, lá điều khô, rễ tiêu, hay thậm chí là đỉa, phân trâu khô.

Mua tất cả, đụng đâu mua đó chính là cách hiệu quả để đánh lạc hướng sự chú ý của người dân về toan tính thực sự của các thương lái Trung Quốc. Ngoài ra, những chiến dịch thu mua những thứ không biết để làm gì đó hầu hết đều diễn ra trong thời gian ngắn. Việc thu mua các sản phẩm không biết có giá trị gì là điều kiện cần để thương lái Trung Quốc có điều kiện tìm hiểu và thâm nhập các sản phẩm có giá trị khác của Việt Nam như nông sản, thuỷ sản… Gần đây nhất, chủ tịch hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Trương Thanh Phong cho biết gạo Việt Nam bị thương nhân Trung Quốc ép giá, huỷ hợp đồng nhập khẩu rất nhiều khiến tình hình xuất khẩu gạo gặp rất nhiều khó khăn. Hậu quả là VFA phải chấp nhận bán giá rẻ để tăng lượng hợp đồng xuất khẩu gạo.

Điều đáng lưu ý khác là việc thu mua những thứ không biết để làm gì ảnh hưởng rất lớn đến nông nghiệp Việt Nam. Không khó để nhận thấy những sản phẩm được thu mua đều có ảnh hưởng đến yếu tố cân bằng của hệ thực vật, hệ sinh thái, như lá điều khô – yếu tố ảnh hưởng độ ẩm của gốc điều và sự màu mỡ của đất; việc thu mua rễ của đủ thứ loại cây, trong đó có tiêu – nông sản xuất khẩu có giá trị cao hay rễ sim – thực vật quý có giá trị thảo dược hoặc cây mì – nông sản làm nguyên liệu công nghiệp quan trọng… Việc thu mua rễ của các loại cây này có thể gây mất năng suất nông sản, “chảy máu” nguồn thảo dược Việt Nam.

Ba khoảng trống “rủi ro”

Nhìn chung, việc thu mua của thương lái Trung Quốc có thể gây nhiều khó khăn cho người dân và chính quyền địa phương tại nhiều khu vực là do sự lỏng lẻo của nhiều yếu tố, trong đó nhấn mạnh vẫn là yếu tố luật pháp, giáo dục và chính sách nông nghiệp.

Xảy ra các vụ kêu gọi mua hàng, thiết lập các hợp đồng lớn nhỏ rồi biến mất tăm, nhưng câu trả lời của các cơ quan quản lý về nguyên nhân của vụ việc đến nay vẫn chưa rõ ràng. Xem ra việc quản lý này vẫn còn là một thách thức với không ít cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, tính chủ quan từ phía các cơ quan quản lý lẫn người dân cũng là cơ hội để thương lái Trung Quốc len lỏi vào. Từ phía Nhà nước, việc xác định Trung Quốc là một đối tác tiềm năng dựa trên các phán đoán lý thuyết về dân số, thị trường, sự phát triển kinh tế… là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, việc am hiểu văn hoá làm ăn của thương lái Trung Quốc cũng như tính chuyên nghiệp, sự chủ động trong thương mại của phía Việt Nam vẫn còn rất ít.

Đặc biệt, chính sách phát triển kinh tế trong ngành nông nghiệp hiện nay còn nhiều bất cập, là khoảng trống rủi ro cho nông nghiệp Việt Nam. Điều này xuất phát từ nhu cầu đầu ra cho sản xuất nông nghiệp – bài toán nan giải cho Việt Nam trong bối cảnh suy thoái kinh tế vẫn đang để lại nhiều hệ luỵ. Gần đây nhất, một số nhà chuyên môn lẫn lãnh đạo VFA thường xuyên nhắc đến việc chuyển đổi trồng lúa vụ 3 sang trồng hoa màu nhằm hạn chế nguồn cung gạo đang thừa, giá rẻ. Tuy nhiên, khi bài toán gạo giá rẻ vẫn chưa được giải, thì hoa màu được sản xuất ra với lượng lớn vẫn không thể thay đổi được câu hỏi ai đảm bảo đầu ra.

Irys Nguyễn

Sài Gòn Tiếp Thị

Các tin tức khác

>   Giá lúa nhích lên nhờ mua tạm trữ (18/06/2013)

>   Khó xác định mức lãi của người trồng lúa (18/06/2013)

>   Giá lúa gạo vẫn giảm bất chấp mua tạm trữ (17/06/2013)

>   Mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo: Giá lúa vẫn thấp và khó tiêu thụ (16/06/2013)

>   Mua tạm trữ lúa gạo: nhiều tỉnh bức xúc chuyện phân bổ (15/06/2013)

>   Đâu chỉ là việc của nhà nông (14/06/2013)

>   Ngành cà phê gặp… hạn (14/06/2013)

>   FAO nhận định thị trường nông sản thế giới khởi sắc (13/06/2013)

>   Hà Nội phát hiện đường dây làm giả lúa giống BC15 (13/06/2013)

>   Nông sản xuất khẩu giảm mạnh (13/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật