Xuất khẩu dệt may: Tiếp tục đà tăng trưởng cao
Dệt may là một trong những mặt hàng nổi bật trong xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu dệt may 4 tháng đầu năm chiếm 12,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, chiếm trên 15% tổng mức tăng tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tăng trưởng xuất khẩu cao nhưng giá trị gia tăng ngành dệt may vẫn thấp
|
Kim ngạch xuất khẩu dệt may 4 tháng đầu năm nay đạt 5,087 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng chung của tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (16,9%).
Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng này trong các tháng còn lại, xuất khẩu dệt may cả năm 2013 sẽ vượt mốc 18 tỷ USD.
Trong xuất khẩu dệt may, khu vực kinh tế trong nước chiếm 40,9% kim ngạch và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 59,1% kim ngạch. Hiện cả nước có khoảng 6.000 doanh nghiệp dệt may, chưa kể hàng trăm nghìn cơ sở cá thể, với trên 1 triệu lao động.
Năm 2009, xuất khẩu dệt may vượt qua dầu thô lên vị trí thứ nhất. Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may đã xuống thứ hai, dưới mặt hàng điện thoại và linh kiện.
Hàng dệt may của Việt Nam đã có mặt ở nhiều nước và vùng lãnh thổ. Trong đó, Mỹ là thị trường lớn nhất, chiếm 49,9% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may và chiếm 38,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ.
Nhật Bản đứng thứ hai, chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may và chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản.
Hàn Quốc đứng thứ ba, chiếm 8,7% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may và chiếm 19,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hàn Quốc. Ngoài ra, dệt may chiếm tỷ trọng tương đối trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Anh (11,2%), Tây Ban Nha (17,6%), Canada (25,3%), Braxin (31,8%).
Xuất khẩu dệt may qua các năm. Nguồn: Tổng cục Thống kê
|
Tuy nhiên, sản xuất và xuất khẩu dệt may hiện có những thách thức không nhỏ.
Đầu tiên là hiệu quả và sức cạnh tranh, năng suất lao động thấp, chất lượng, mẫu mã chưa được cải thiện nhiều. Nguyên nhân là tính gia công còn lớn, công nghiệp phụ trợ chậm phát triển. Kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may trong 4 tháng khá cao với kim ngạch 4,286 tỷ USD, bằng 84,3% kim ngạch xuất khẩu dệt may. Cụ thể, vải (2,34 tỷ USD), sợi dệt (471 triệu USD), bông (393 triệu USD).
Dệt may Việt Nam hiện đang chịu áp lực cạnh tranh mạnh mẽ của một số nước, khiến xuất khẩu vào một số thị trường sụt giảm.
Minh Ngọc
chính phủ
|