Thứ Tư, 08/05/2013 15:29

Công nghiệp hỗ trợ còn đó những bất cập

Việc không có những ưu tiên hỗ trợ rõ ràng cũng đang làm nhụt chí các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, trong đó có cả doanh nghiệp Việt Nam. Bản thân nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, những chính sách khuyến khích phát triển lĩnh vực này vẫn chưa thực sự thúc đẩy họ.

Sau nhiều năm phát triển, đến nay công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nước ta vẫn chưa có “sự thay da đổi thịt” nào đáng kể. Có lẽ, ngoại trừ ngành xe máy được cho là có một số thành công nhất định khi tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 85 – 90%, còn lại ở hầu hết các ngành quan trọng khác thì tỷ lệ nội địa hóa vẫn còn rất thấp. Ví như ngành ô tô là 20 – 30%, dệt may và da giày chỉ trên 10%...

Việc thu hút đầu tư vào CNHT, đang cho thấy những bất cập, gây cản trở đến sự phát triển của lĩnh vực được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp này.

Mới đây, ông Ichikawa - Trưởng nhóm nghiên cứu CNHT Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng, nhiều DN Nhật Bản có ý định đầu tư vào Việt Nam ở lĩnh vực CNHT với công nghệ tối tân, nhưng lại đang gặp khó khăn do chính sách thay đổi đột ngột từ phía cơ quan quản lý, hay thủ tục hành chính rườm rà của Việt Nam.

“Đã có những trường hợp các công ty Nhật Bản phải chờ đợi thủ tục hành chính quá lâu và đã phải có ý kiến lên cấp cao hơn để nhờ can thiệp”, ông Ichikawa nhấn mạnh.

Việc không có những ưu tiên hỗ trợ rõ ràng cũng đang làm nhụt chí các DN đầu tư vào CNHT, trong đó có cả DN Việt Nam. Bản thân nhiều DN Việt Nam cũng cho rằng, những chính sách khuyến khích phát triển lĩnh vực này vẫn chưa thực sự thúc đẩy họ.

Một điều đáng nói nữa là ưu đãi thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp trong thời gian qua hầu như chỉ tập trung vào các tập đoàn lớn. Trong khi các DN CNHT thường có quy mô nhỏ và vừa, có nhu cầu thuê diện tích sản xuất nhỏ, lại gần như chưa được quan tâm khi thu hút đầu tư nước ngoài, ở cả tầm Trung ương lẫn địa phương.

Trong khi đó, các DN FDI bao gồm cả các tập đoàn lớn sản xuất linh kiện chuyên dụng như Intel (Mỹ), Nidec (Nhật Bản), Foxconn (Đài Loan), Samsung (Hàn Quốc), Nokia (Phần Lan)… và các nhà sản xuất phụ trợ nhỏ và vừa khi sản xuất tại Việt Nam thường chỉ thực hiện tích hợp các thành phần tạo thành sản phẩm cụm linh kiện trên cơ sở nhập khẩu các sản phẩm điện tử cơ bản như bảng mạch, các linh kiện bán dẫn…

Nguyên nhân là do năng lực sản xuất các loại sản phẩm này trong nước không đáp ứng được yêu cầu, các nhà sản xuất phụ trợ lớp 2, 3 cho công nghiệp điện tử hầu như không có. Chính vì vậy mà CNHT tại Việt Nam chưa thể đáp ứng được nhu cầu của các DN FDI.

Trước những bất cập hiện nay, để phát triển CNHT, theo ông Yonemura Noriyuki - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn quản lý DNNVV Nhật Bản, Việt Nam cần một lộ trình và cần phát triển 4 yếu tố quan trọng là nguồn nhân lực, công nghệ, tài chính và hệ thống phân phối. Chỉ có như thế mới có được những phân ngành CNHT tiên tiến, chứ không phải là ở các mức giản đơn như hiện tại.

Về hệ thống pháp luật, Việt Nam cũng cần phải xây dựng các bộ luật cụ thể, rõ ràng cho việc phát triển từng ngành công nghiệp trọng tâm đã lựa chọn như Luật Phát triển công nghiệp cơ khí, công nghiệp điện tử… Việc minh bạch trong pháp luật và đơn giản trong thủ tục là tiêu chí hàng đầu để khuyến khích được các nguồn lực đầu tư.

Nguyễn Minh

Thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   5 doanh nghiệp lớn tiếp tục được ADB xem xét tài trợ tái cơ cấu (08/05/2013)

>   Xuất khẩu thủy sản tháng 4 tăng 11% (08/05/2013)

>   Xuất khẩu rau quả có thể đạt 1 tỷ USD năm nay (08/05/2013)

>   Xuất khẩu nông sản, thủy sản giảm (07/05/2013)

>   Vụ siêu dự án lọc dầu: Đi thống nhất giải trình, mời thêm 1 dự án (07/05/2013)

>   Sẽ kiểm tra hợp tác chiến lược của PVN - EVN và TKV (07/05/2013)

>   Đòn "phản tố" của Tây Đô khi VDB Thanh Hóa khởi kiện (06/05/2013)

>   Ngành tôm dễ rơi vào kịch bản kém khả quan (07/05/2013)

>   3,18 tỷ USD cho dự án lọc dầu Vũng Rô (07/05/2013)

>   Quá lệ thuộc Trung Quốc: Tìm đường vào “công xưởng thế giới” (07/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật