Quá lệ thuộc Trung Quốc: Tìm đường vào “công xưởng thế giới”
Theo các chuyên gia kinh tế, để trụ lại được ở “công xưởng thế giới”, doanh nghiệp Việt Nam phải biết “chơi” với thị trường này một cách khôn khéo, hiểu luật…
Một trong những giải pháp hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc (TQ) là tăng cường xuất khẩu vào thị trường này. Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - TQ cắt giảm thuế hầu hết các mặt hàng về 0% đang là cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam đưa hàng qua TQ. Thị trường này rộng lớn, chính sách của TQ tập trung nhiều vào xuất khẩu nên có nhiều khoảng trống cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập.
Hàng hóa Việt Nam vào thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
|
Phải hiểu cách “chơi”
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đánh giá DN không bao giờ được bỏ quên thị trường TQ bởi đây là thị trường lớn, cơ hội nhiều. Ngay cả Úc, Mỹ, Anh… đều xem TQ là thị trường hấp dẫn nhất thế giới. Với dân số khoảng 1,3 tỉ, mỗi người dân TQ chỉ cần mua 1 USD sản phẩm hàng hóa là doanh số 1 năm đã có 1,3 tỉ USD.
Theo nhiều DN, vào được thị trường TQ là một chuyện nhưng tồn tại được ở thị trường này lại là chuyện khác. Thị trường TQ rất lớn, có quá nhiều đối thủ, nếu DN thâm nhập được nhưng không tạo dựng được thương hiệu thì sớm hay muộn cũng phải rút lui. Gần 20 năm có mặt ở thị trường TQ, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, cho biết đây là thị trường lớn nên cơ hội của DN Việt Nam rất nhiều.
Ông chủ Vinamit nhớ lại: Thời điểm năm 1997, một nhà ngoại giao TQ tại Việt Nam đã đề nghị đưa sản phẩm của Vinamit lên xe lửa nội địa TQ để bán. Việc đưa hàng Việt lên xe lửa chạy khắp TQ đã giúp sản phẩm của Vinamit được nhiều người “ngắm nghía” và ăn thử.
Cùng lúc, Vinamit thuê nhân viên TQ đem hàng đến siêu thị cho mọi người ăn thử, khảo sát và lấy ý kiến chi tiết. “Mít là sản phẩm người TQ rất thích nhưng lại không trồng được nhiều. Sản phẩm “không đụng hàng” đã giúp Vinamit trụ vững trên thị trường này” - ông Viên tiết lộ.
Tổng Giám đốc Công ty Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân (Bita’s) Đỗ Long cho hay dù là thương hiệu có tiếng tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất giày dép nhưng bán hàng ngay tại “công xưởng giày dép của thế giới” như TQ là điều không dễ.
Vì vậy, từ những ngày đầu, Bita’s đã nghiên cứu tìm lối đi riêng và giày dép được sản xuất từ vật liệu cao su có độ bền cao là sự lựa chọn của Bita’s vào thị trường này. “Với cách đi này, đến nay Bita’s đã có mặt ở 12 tỉnh, thành với hơn 30 đại lý tại TQ” - ông Long cho biết.
“Sống chung với lũ”
Theo ông Đỗ Long, dù được mệnh danh là “công xưởng thế giới” nhưng TQ cũng nổi tiếng thế giới về nạn hàng giả, hàng nhái. Do đó, một trong những việc quan trọng nhất khi xuất hàng sang TQ là đăng ký bảo hộ thương hiệu. Bita’s phải mất gần 10 năm để tạo dựng thương hiệu ở thị trường TQ.
Chuyên gia kinh tế - TS Alan Phan, người có nhiều năm làm ăn ở thị trường TQ, cũng cho rằng khó khăn nhất và dễ thất bại nhất tại thị trường này là vấn đề hàng giả, hàng nhái. “Nếu sản phẩm của một DN thành công lập tức sẽ bị nhái, bị giả. Ngay cả chiếc Mercedes-Benz còn bị làm giả” - TS Alan Phan lưu ý.
Nhiều DN tâm sự làm ăn tại thị trường TQ phải chấp nhận giải pháp “sống chung với lũ” bởi tình trạng hàng nhái, hàng giả rất khó xử lý triệt để. Theo ông Nguyễn Công Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cân Nhơn Hòa, do là thị trường lớn nên ngay cả cơ quan chức năng TQ cũng rất khó giải quyết vấn nạn này.
Bất cứ sản phẩm nào bán chạy, chỉ cần 3-5 ngày hoặc sau 1 tuần là có sản phẩm nhái giống gần… 100% xuất hiện. Với cân Nhơn Hòa, hàng nhái kém chất lượng chỉ sử dụng vài tháng là hỏng và giá thấp hơn 2-3 lần so với hàng thật. “Trong khi DN phải luôn cung cấp hàng cho thị trường để tránh bị “chiếm chỗ”, cơ quan chức năng cần có thời gian kiểm tra, xử phạt hàng nhái nên DN đành chấp nhận “sống chung với lũ” - ông Việt nói.
Trong việc làm ăn với DN TQ, theo ông Lê Trúc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) TPHCM, DN cần tạo thói quen thẩm định đối tác kỹ lưỡng. Nhiều DN Việt Nam làm ăn với đối tác nước ngoài nhưng rất thiếu thông tin, đôi lúc cảm tính và chụp giựt vì lợi nhuận. DN Việt Nam muốn vào thị trường TQ cần thời gian thẩm định, khảo sát kỹ về sản phẩm, mặt hàng nào được vào siêu thị, bán được ở đâu... bởi mỗi tỉnh, thành của TQ có chính sách khác nhau.
Tránh “đụng hàng”
Theo TS Alan Phan, thị trường TQ rất lớn, đa dạng và có nhiều phân khúc cho DN thâm nhập. Tiêu chuẩn số 1 khi làm ăn ở TQ là đừng “đụng hàng” với sản phẩm của họ. Sản phẩm nào DN TQ đang sản xuất được thì không nên nhảy vào bởi họ được chính quyền địa phương bảo hộ rất mạnh. Các mặt hàng cà phê, gạo, hải sản… Việt Nam có thế mạnh và thị trường TQ còn thiếu sẽ là cơ hội cho DN Việt Nam. Đồng thời, DN cần xây dựng thương hiệu, có hệ thống phân phối... Dù xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sẽ thuận lợi trước mắt cho DN nhưng cần chuyển sang xuất chính ngạch để xây dựng uy tín, thương hiệu cho sản phẩm và đem lại lợi ích lâu dài.
|
Thái Phương
người lao động
|