Thứ Hai, 06/05/2013 10:53

Nhà báo phải bảo vệ nguồn tin

Gần 58 năm tuổi nghề, từng trải qua nhiều vị trí khác nhau như phóng viên, biên tập viên, phó tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà báo Mai Thúc Long khẳng định: “Bất kể một biện pháp nào nhằm hạn chế nguồn tin của báo chí sẽ làm hạn chế sự phát triển của xã hội”.

Ông Mai Thúc Long

* Ông đã trải qua nhiều giai đoạn làm báo khác nhau, ông đánh giá thế nào về những thuận lợi và khó khăn của báo chí trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực?

- Thời kỳ tôi làm báo (từ năm 1975-1985), không khí làm báo rất tốt, báo chí được quản lý chặt nhưng không bị o ép. Các nhà báo được tham gia vào việc chống tiêu cực không bị đề nghị cung cấp nguồn tin vụ việc. Trong suốt giai đoạn đó, báo chí đấu tranh rất mạnh mẽ chống cái xấu, tiêu cực. Các nhà báo tham gia chống tiêu cực tự chịu trách nhiệm của mình trước thông tin trên mặt báo. Phóng viên tác nghiệp ở lĩnh vực này đương nhiên phải khách quan và tôn trọng sự thật. Họ có quan hệ rộng rãi với người dân. Do vậy, họ có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ bí mật nguồn tin mà người dân cung cấp.

* Khi người dân cung cấp thông tin cho báo chí, chứng tỏ họ tin cậy cơ quan báo chí hơn một số cơ quan công quyền, theo ông là vì sao?

"Nếu yêu cầu tiết lộ nguồn tin cho các cơ quan nhà nước như đề xuất của Bộ Công an thì sẽ dấy lên sự lo ngại trong dân. Họ sẽ không dám cung cấp thông tin cho báo chí nữa"

Ông Mai Thúc Long

- Người dân có số liệu, tài liệu để cung cấp cho báo chí, có nghĩa là họ mong muốn cơ quan báo chí cùng họ điều tra để đưa được vụ việc tiêu cực ra ánh sáng, họ muốn báo chí cùng họ làm sáng tỏ một số bức xúc trong họ.

Và từ những nguồn tin riêng, báo chí đã triển khai thành những tuyến bài, đóng góp rất lớn trong việc đấu tranh chống tiêu cực nảy sinh trong một số cơ quan công quyền và điều chỉnh một số chính sách bất cập của cơ quan nhà nước. Người dân nhận thức rõ điều đó và họ nhận thấy việc cung cấp thông tin cho báo chí mang lại hiệu quả đấu tranh cao.

Gần đây nhất là vụ việc ở Tiên Lãng, nếu không có sự phát hiện và vào cuộc của các cơ quan báo chí, chưa chắc vụ việc đã được quan tâm đến thế. Đó là tác động của báo chí. Và trong bất kỳ tình huống nào, lẽ phải cũng cần được xác định một cách rõ ràng. Tất nhiên, cũng có người tố cáo sai, đưa thông tin sai lên các trang mạng, lợi dụng sự tự do báo chí và diễn đàn đưa thông tin không đúng sự thật. Nhưng nhà báo bằng nghiệp vụ của mình có thể xác minh việc tố cáo đúng sự thật không, có oan sai không... Cái hay của báo chí là ở chỗ đó, rất tích cực trong tham gia đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng để xã hội tốt đẹp hơn. Bởi vậy, tôi cho rằng bất kể một biện pháp nào nhằm kiểm soát nguồn tin báo chí sẽ hạn chế sự phát triển của xã hội.

* Ông đánh giá thế nào về việc xử lý của cơ quan nhà nước sau những loạt bài điều tra của báo chí?

- Chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những mục tiêu quan trọng của báo chí, tôi nhận thấy trước đây sau mỗi vụ việc báo chí nêu thì cơ quan nhà nước xử lý khá triệt để. Ví dụ như vụ đường dây 500kV Bắc - Nam đã có nhiều người phải chịu trách nhiệm, hoặc vụ Lã Thị Kim Oanh cũng được xử lý rốt ráo. Tuy nhiên trong những năm gần đây, việc xử lý vụ việc sau điều tra của báo chí có phần hạn chế hơn.

* Khi cơ quan điều tra yêu cầu nhà báo phải cung cấp nguồn tin, theo ông, liệu người dân còn tin tưởng cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí nữa không?

- Nếu yêu cầu tiết lộ nguồn tin cho các cơ quan nhà nước như đề xuất của Bộ Công an thì sẽ dấy lên sự lo ngại trong dân. Họ sẽ không dám cung cấp thông tin cho báo chí nữa. Điều này làm hạn chế không nhỏ đến kết quả tác nghiệp của báo chí trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Cần xem thông tin về phòng chống tham nhũng trên báo chí là nguồn tin từ dư luận xã hội. Nếu có gì chưa thỏa đáng, gây bất bình trong cộng đồng thì cơ quan nhà nước có quyền điều tra, xác minh và nếu có thiếu sót, đương nhiên cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm.

* Việc cung cấp nguồn tin cho cơ quan điều tra có làm ảnh hưởng đến quá trình đấu tranh chống tiêu cực của báo chí không, thưa ông?

- Theo tôi, việc cung cấp nguồn tin ít hay nhiều cũng có lợi cho cơ quan điều tra. Nhưng về phía cơ quan báo chí thì điều đó sẽ hạn chế việc điều tra của báo chí.

Người dân xem báo chí như một diễn đàn rộng mở và họ dễ dàng tiếp cận để trình bày nỗi bức xúc, oan khiên của mình hay cung cấp những điều khuất tất mà họ biết được. Vì vậy, nếu có một động thái nào đó tác động đến mối quan hệ “dân và báo” thì điều này không có lợi cho công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đề xuất của Bộ Công an buộc báo chí cung cấp nguồn tin là có phần khiên cưỡng. Trừ phi có một vụ việc nào đó, đặc biệt nghiêm trọng, nếu không xử lý sẽ ảnh hưởng xấu tới đại cục thì báo chí có thể hỗ trợ cung cấp thêm thông tin cho cơ quan điều tra.

Luật sư Trần Đình Triển

Không thể làm ngược lại Luật tố cáo

Căn cứ vào Luật tố cáo, theo khoản 2 điều 9 về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo quy định: “Người tố cáo được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của mình”. Như vậy, người tố cáo với cơ quan báo chí, người cung cấp thông tin, bằng chứng đấu tranh phòng chống tiêu cực có quyền được giấu tên tuổi, nguồn tin của họ. Bởi vậy, khi họ cung cấp cho báo chí, báo chí cũng phải thực hiện đúng Luật tố cáo, không được phép tiết lộ nguồn tin đó.

Các cơ quan điều tra và các cơ quan chức năng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan báo chí để làm rõ sự việc, chứ không có nghĩa là bắt buộc cơ quan báo chí phải cung cấp nguồn tin. Hoạt động của báo chí phải tuân thủ những nguyên tắc pháp luật nói chung đó là quyền của người cung cấp thông tin, họ có quyền cung cấp cho người này và có quyền từ chối cung cấp cho người khác để đảm bảo sự an toàn cho người cung cấp tin. Điều đó đã được ghi nhận trong Luật tố cáo.

Luật báo chí cũng không thể vượt quá quy định pháp luật chung, không thể làm ngược lại Luật tố cáo.

H.Điệp ghi


Hoàng Điệp thực hiện

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Lập Ban nội chính ở tất cả tỉnh, thành (05/05/2013)

>   Bộ trưởng khai hỏa và những lon Coca Cola có hương vị... xấu hổ (05/05/2013)

>   Kẻ giết PGĐ Agribank Mai Châu là bạn thân (05/05/2013)

>   Làng cổ trong cơn lốc đô thị hóa (05/05/2013)

>   Phá sản, giám đốc đi làm thuê, làm vườn (04/05/2013)

>   “Không nhất thiết Chủ tịch VFF phải là lãnh đạo Bộ” (04/05/2013)

>   Chưa kịp lớn đã đối diện với cái chết? (03/05/2013)

>   Xả lũ ẩu, thủy điện bồi thường dân 4,5 tỷ (03/05/2013)

>   Công an sẽ có quyền yêu cầu báo chí tiết lộ nguồn tin? (03/05/2013)

>   9 thủy thủ Vinalines đang sống trong 'trại tâm thần' (03/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật