Chủ Nhật, 05/05/2013 09:56

Làng cổ trong cơn lốc đô thị hóa

Hà Nội hiện vẫn còn hàng chục ngôi làng cổ, thật tiếc là với tốc độ đô thị hóa, không gian làng xã đã bị mai một, không khí thanh bình hàng trăm năm hun đúc đã biến mất. Không ít người cho rằng, đó là tất yếu của đời sống hiện đại, một số khác lại nói chính sự “thô bạo” của việc đô thị hóa nửa vời đã làm xáo trộn tất cả.

Nói thế nào thì đô thị hóa cũng có phần thô bạo, không có quy hoạch bảo tồn, gìn giữ nếp cổ xưa đã tạo ra những vết thương cho các ngôi làng. Về làng cổ Hòa Mục, một trong 7 ngôi làng cổ độc đáo của Thủ đô khi Hà Nội chưa sáp nhập với Hà Tây, có thể thấy rất nhiều di tích cổ, nhà cổ vẫn thách thức với thời gian. Tuy nhiên, trước cơn lốc đô thị hóa, người dân Hòa Mục đang “oằn mình” gìn giữ và bảo tồn những gì quý giá nhất mà thế hệ trước để lại.

Đền Dục Anh trong làng Hòa Mục

Cái mới xoá dần cái cổ kính

Ngay từ năm 2004, nhiều dự án xây dựng đã được phê duyệt trên nền đất của làng. Cùng với đó là khoảng 200 hộ dân phải di dời, nhiều ngôi nhà cổ phải phá bỏ để nhường đất cho dự án. Đương nhiên, họ cũng chấp nhận chuyển đổi cơ cấu dân số để trở thành các cư dân thành thị, vì lý do làng lên phố, xã lên phường và xóm trở thành các tổ dân phố hiện đại.

Ít ai có thể ngờ, chỉ cách vài chục mét tính từ hai bên đường Lê Văn Lương, đi vào các ngõ nhỏ của khu phố được coi là hiện đại nhất của Thủ đô lại vẫn còn những ngôi nhà thấp, nhiều công trình xuống cấp nghiêm trọng. Hỏi chuyện bất cứ người già nào, cũng thấy trong giọng nói của họ có cái gì đó tiếc nuối. Hiện nay, nguyện vọng lớn nhất của đa số người dân Hòa Mục là bảo tồn nguyên vẹn nhà thờ của dòng họ, bảo tồn các di tích lịch sử trong làng.

Được mệnh là “làng Holywood” của Việt Nam, làng Tây Mỗ, Từ Liêm cũng sắp mất chữ làng bởi đô thị hóa. Cách đây 5 năm, Tây Mỗ đã được “nhòm ngó” để biến thành một khu đô thị. Đất nhanh chóng tăng giá, nhiều dự án ào ạt ùa về, những nét cổ kính xưa của một ngôi làng thu hút nhiều đoàn làm phim lúc này co rúm lại. Những cánh đồng xanh, những không gian thanh bình, các hàng cây đã bị các dự án nguốm mất.

Phải khẳng định, cơn bão đô thị hóa đang làm thay đổi từng ngày mảnh đất vốn bình yên này, nhưng trong sự ồn ào tấp nập của cảnh nhà nhà lên phố thì vẫn còn những người dân kiên trì gìn giữ nếp làng.

Đơn cử như ông Nguyễn Văn Ninh, 64 tuổi, vẫn cố gắng bảo ban cháu con gìn giữ ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi, trong khi ngay cạnh đã có những ngôi nhà cao ngất ngưởng. Tính đến đời ông Ninh, là đời thứ 5 sống tại căn nhà này và đến đời cháu ông là đời thứ 7. Nhiều ông chủ lắm của nhiều tiền đến gạ ông bán, nhưng ông một mực chối từ. Trước món tiền, ông chỉ thấy ngộp thở bởi nhiều người đã nhẫn tâm bán nhà, chứ không phải vì số tiền lớn.

Mất nếp làng cổ, thu được những gì?

Xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa, cũng đang điêu đứng trước sự khắc nghiệt của đô thị hóa xâm lấn. Vẻ đẹp của ngôi làng bình yên soi mình bên dòng sông Nhuệ đã không còn. Ngay cả hình ảnh cây đa, bến nước, mái đình và cánh đồng thẳng cánh cò bay cũng bị các căn nhà cao tầng che khuất.

Ngay từ đầu xã, không khí đậm đặc đã bao trùm, cư dân ngoại tỉnh về mua nhà, ở trọ đông đúc chẳng khác gì những con phố ở trung tâm của Thủ đô. Cũng cảnh tắc đường, khói bụi mù mịt. Đi sâu vào trong, con sông Nhuệ êm đềm thuở nào chỉ còn trong ký ức, nay dường như thoi thóp trong mùi xú uế và ô nhiễm. Con đường chính ven sông dẫn vào trung tâm xã khá dài, một bên, những ngôi nhà cũ kỹ xen lẫn với các khóm tre.

Bên kia là nhà cao tầng, biệt thự lấp lánh ánh sơn, cũng chen chúc cạnh những bức tường còn rêu phong cũ kỹ. Khách đến làng dễ bị ngộp thở bởi nhiều con ngõ hình xương cá, sâu hun hút lô xô các quán cà phê, bi da, các salon chăm sóc sắc đẹp giăng mắc. Đầu ngõ thường được đánh số, chen chân với những tấm biển quảng cáo rực rỡ. Người dân cho biết, tốc độ đô thị hóa đã đổ về mảnh đất này từ sáu, bảy năm nay.

Mấy năm trước, từ đầu làng đến cuối làng nơi đâu cũng thấy xây dựng, tập kết nguyên vật liệu. Dân số tăng nhanh, nhiều hộ chia nhỏ đất cho các con, số hộ thì bán đất đầu tư làm ăn hoặc xây nhà. Việc xây dựng cứ mạnh ai nấy làm, rất đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng nhưng cũng rất tùy tiện, không theo quy hoạch nào tạo nên diện mạo xô bồ, tạo nên sự ngột ngạt.

Ông Nguyễn Xuân Mai, cán bộ văn hóa xã Tả Thanh Oai cho biết: “Theo xu thế chung của thời đại mới, dân số tăng nên địa phương cũng phát triển nhà cao tầng, nhiều hộ đất không rộng nhưng có đến năm con nên phải chia ra vài khoảnh, mỗi con lại dựng lên ở đó một cái nhà hộp. Dẫu sao điều đó cũng ảnh hưởng đến khung cảnh chung của thôn quê.

Tả Thanh Oai có bốn thôn và một xóm, thì vườn và ao chỉ còn ở thôn Thượng Phúc và Nhân Hòa, là hai thôn ở sâu vào bên trong. Trước đây mỗi làng đều có cổng, các xóm thường có cổng riêng nhưng nay chỉ còn Thượng Phúc còn giữ được cổng làng, cổng xóm ở địa phương thì còn quá ít”.

Qua tìm hiểu, xóm Cầu Bươu ở đầu xã đã trở thành “xóm dịch vụ” với nhiều hàng quán la liệt, các dịch vụ ăn uống, nhà hàng, nhà nghỉ... chẳng còn dấu tích của một làng quê. Thêm nữa, trước đây xã có một ngôi chợ truyền thống hạn hẹp về diện tích, nhưng đã bị dùng để xây dựng một trường cao đẳng, giờ bà con dân làng phải tìm cách họp ở các chợ cóc, chợ tạm, gây ra nhiều hệ lụy khác.

Khó giữ lại nếp làng, nếp sống

Về tình trạng đua nhau xây dựng nhà cao tầng, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Trưởng công an xã Tả Thanh Oai cho biết: “Xưa thuộc vùng sâu vùng xa, những năm gần đây tốc đô thị hóa nhanh, bà con chuyển sang buôn bán, kinh doanh nhiều. Đời sống nhìn chung phát triển hơn, lại có trường cao đẳng trên địa bàn, có sinh viên thuê trọ. Tuy nhiên cũng kéo theo đời sống có nhiều phức tạp, công an xã phải cố gắng để ổn định tình hình, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không để xảy ra trọng án.

Công an xã còn phải thành lập các đội tự quản, xây dựng kế hoạch giải quyết ùn tắc giao thông, tính toán lệch giờ ở các trường học trên địa bàn. Vài năm trước, các trường hợp kinh doanh buôn bán nguyên vật liệu trên địa bàn vi phạm đã bị xử phạt, nay đã sắp xếp cho ổn định hơn, giảm bức xúc đối với giao thông và nhân dân”.

Đâu chỉ có nhà mới thay nhà cổ, bê tông cốt thép thay cho những nếp mái ngói, mà lối sống, sinh hoạt và nếp nghĩ cũng thay đổi. Khi làng đã lên phố, có nghĩa là con người phải leo lên sống ở trên nhà cao, tường rào, cổng sắt vây kín, Điều đó kéo theo giao tiếp xã hội, tình làng nghĩa xóm cũng bị ảnh hưởng.

Trước đây, người dân tự do sang nhà nhau chơi thì nay ngại gọi cổng, nhà có cỗ bàn cứ ới một câu là có người đến giúp, nay nhiều gia đình cưới con kéo nhau ra nhà hàng, hoặc thuê người nấu cỗ nên mất đi sự nhộn nhịp, gắn kết của tình làng nghĩa xóm.

Hay như một số thanh niên từng tổ chức chơi bi-da đánh bạc, các quán karaoke cũng gây ra những bức xúc trong dân cư, buộc công an xã phải vào cuộc xử lý. Hàng tuần lực lượng công an xã vẫn đi nhắc nhở, xử lý các trường hợp buôn bán, đặt biển quảng cáo lấn chiếm buôn bán ở lề đường, kiểm tra chặt chẽ số lượng bẩy nhà nghỉ trên địa bàn.

Từ Tả Thanh Oai, qua cây cầu nhỏ đến xã Cự Khê, vào làng cổ Cự Đà, nhiều người không khỏi ngậm ngùi tiếc cho một ngôi làng cổ đã bị cơn lốc đô thị hóa làm cho tan tành. Cả làng như biến thành một đại công trường tấp nập. Mọi ngõ ngách trong làng, chỗ nào cũng thấy nhà mới đang mọc lên, gạch cát tập kết mọi chỗ có thể, vương vãi đầy đường. Hàng trăm ngôi nhà cổ giờ chỉ còn chừng hai chục, nhưng cũng có nguy cơ bị “bức tử” chẳng mấy chốc cũng mất trong hoài niệm.

Chứng kiến cảnh đó, một nhà văn hóa thốt lên: “Bằng sự thô bạo của một bộ phận dân cư và những nhu cầu của cuộc sống, người ta sẵn sàng phá bỏ cái cũ để xây cái mới tiện ích hơn. Trong khi đó, một số cá nhân ở thành phố người ta lại thích đưa cái hồn cốt nhà quê ra phố để gìn giữ”.

Sự thay đổi của làng Cự Đà quá khốc liệt, đến nỗi nhiều người sinh sống tại đây cũng thấy lạ lẫm không nghĩ đó là quê hương mình. Có tiền bán đất, tiền đền bù nhiều người có cảm giác “một phút lên tiên” nên chao đảo. Những tấm biển ghi tương, miến gia truyền bị gỡ xuống, thay vào đó là biển quảng cáo dịch vụ môi giới nhà đất, cung cấp vật liệu xây dựng, khoan cắt bê tông. Một số cụ già tiếc nhà cổ nhưng lực bất tòng tâm, có người nói do nhu cầu bức thiết về đất đai. Có người nói do phong trào phá nhà cổ làm nhà cao tầng, dù muốn giữ nhưng lại sợ biến thành cái ao chứa nước.

Giữ gìn được cảnh quan, nếp sống xưa là điều mà chính quyền và người dân nhiều địa phương trăn trở. Nhưng làm thế nào để gìn giữ không gian xưa, giữ được nếp làng thì đâu phải người dân cứ muốn là được. Nó đòi hỏi sự kết hợp của nhiều cấp, nhiều đơn vị liên quan và phụ thuộc vào “cái tâm” của nhiều người.

Thực sự, đô thị hóa là xu hướng tất yếu của một xã hội phát triển. Nhưng làm sao để các ngôi làng trụ vững, rất cần sự đồng thuận của cả chính quyền và nhân dân. Để nông thôn phát triển, nhưng những giá trị đã được khẳng định sẽ còn lại mãi.

Dung Nhi

vneconomy

Các tin tức khác

>   Phá sản, giám đốc đi làm thuê, làm vườn (04/05/2013)

>   “Không nhất thiết Chủ tịch VFF phải là lãnh đạo Bộ” (04/05/2013)

>   Chưa kịp lớn đã đối diện với cái chết? (03/05/2013)

>   Xả lũ ẩu, thủy điện bồi thường dân 4,5 tỷ (03/05/2013)

>   Công an sẽ có quyền yêu cầu báo chí tiết lộ nguồn tin? (03/05/2013)

>   9 thủy thủ Vinalines đang sống trong 'trại tâm thần' (03/05/2013)

>   Thua kiện, Ngân hàng phải bồi thường hơn 26 tỷ đồng (02/05/2013)

>   Người Việt duy nhất vào top 500 người quyền lực (02/05/2013)

>   1.000 cuộc thanh tra mỗi năm trong ngành kế hoạch và đầu tư (02/05/2013)

>   Hội nghị Trung ương 7: Tập trung vào 6 vấn đề lớn (02/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật