Thứ Hai, 06/05/2013 14:04

Đòn "phản tố" của Tây Đô khi VDB Thanh Hóa khởi kiện

Tòa án nhân dân TP. Thanh Hóa vừa mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ tranh chấp kinh tế giữa Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) Chi nhánh Thanh Hóa và Công ty TNHH Tây Đô liên quan tới vi phạm trong hợp đồng tín dụng. Thế nhưng, vụ việc này chưa thể sớm khép lại.

* Cty TNHH Tây Đô đứng trước nguy cơ phá sản

Dự án Trường Tiểu học và Trung học cơ sở dân lập Thanh Hoa, tại xã Đông Hương, TP. Thanh Hóa do Công ty Tây Đô (nay là Công ty TNHH Tây Đô) làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư là 175,62 tỷ đồng, trong đó 102,12 tỷ đồng là vốn tự có của Công ty (chiếm 57%) và 74,5 tỷ đồng là vốn vay của VDB (chiếm 43%).

Do dự án thuộc đối tượng được vay vốn tín dụng đầu tư theo Nghị định số 151/2006/NĐ-CP, ngày 20/12/2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu, nên chủ đầu tư đã làm hồ sơ vay vốn trình lên VDB Chi nhánh Thanh Hoá.

Sau khi thẩm định hồ sơ vay vốn này, VDB Chi nhánh Thanh Hóa đã chấp nhận cho vay vốn tín dụng để đầu tư Dự án theo Hợp đồng số 12/2008/HĐTD-NHPT, ngày 18/7/2008.

Theo Hợp đồng tín dụng này, tổng số tiền cho vay tối đa là 74,5 tỷ đồng, lãi suất 11,4%/năm, thời gian vay vốn 8 năm (2 năm đầu không phải trả nợ gốc - tính đến hết tháng 9/2010).

Năm 2009, Tây Đô đã ra quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án, nâng tổng mức đầu tư dự án từ 175,62 tỷ đồng lên 206,607 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án được điều chỉnh từ năm 2008 đến 2010 (trước đây dự kiến từ năm 2007 đến 2009).

Từ đây, nảy sinh một số vấn đề dẫn đến tranh chấp.

Thứ nhất, VDB Chi nhánh Thanh Hóa đã thẩm định và chấp nhận cho Tây Đô vay bổ sung theo Hợp đồng tín dụng số 130/2009/HĐTD ĐT-NHPT, ngày 26/12/2009; số vốn được vay bổ sung là 69,5 tỷ đồng. Hợp đồng thứ hai này chỉ mang tính chất bổ sung vốn vay thêm, còn các điều khoản đều căn cứ vào hợp đồng trước đó. Riêng phần lãi suất điều chỉnh giảm xuống 6,9%/năm và lãi trả hàng tháng trên số dư nợ vay.

Thứ hai, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh nâng từ 175,62 tỷ đồng lên 206,607 tỷ đồng, song trong khi vốn vay ngân hàng tăng thêm 69,5 tỷ đồng, lên thành 144 tỷ đồng, thì vốn đầu tư (là vốn tự có) của chủ đầu tư lại giảm từ 102,12 tỷ đồng ban đầu xuống mức 62,606 tỷ đồng. Vì thế, cơ cấu tỷ lệ vốn trong Dự án là 70/30 (ngân hàng 70%, chủ đầu tư 30%), thay đổi cơ bản so với ban đầu.

Luật sư Trần Ngọc Ninh, Công ty Luật Hoàng Gia nhận xét, căn cứ theo Nghị định 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ và Quyết định số 41/QĐ-HĐQL ngày 14/9/2007 của Chủ tịch Hội đồng quản lý VDB về quy chế cho vay, VDB có quyền được điều chỉnh tỷ lệ cho vay ở mức tối đa 70%.

Việc ký kết Hợp đồng số 130/2009/HĐTD ĐT-NHPT ngày 26/12/2009 để nâng mức cho vay thêm 69,5 tỷ đồng, hạ lãi suất xuống còn 6,9%/năm và thay đổi cơ cấu nguồn vốn đầu tư là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật, nhằm giúp chủ đầu tư có điều kiện sớm hoàn thành dự án.

Lý do khởi kiện của VDB Chi nhánh Thanh Hóa

Theo các thông báo bằng văn bản do VDB Chi nhánh Thanh Hoá và Tây Đô phối hợp đưa ra, từ tháng 1/2009 đến tháng 9/2009, đã có 3 lần Tây Đô vi phạm cam kết chậm giải ngân theo kế hoạch của các quý I, II và III/2009. Cụ thể, trong quý I/2009, Tây Đô đã đăng ký để giải ngân số vốn 15 tỷ đồng cho Dự án, nhưng chỉ thực hiện được 5 tỷ đồng; trong quý II/2009, đăng ký 24,858 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ thực hiện được 5 tỷ đồng và trong quý III/2009, đăng ký giải ngân 21,858 tỷ đồng, nhưng chỉ thực hiện được 2,2 tỷ đồng. Tây Đô chịu phạt hơn 24 triệu đồng do 3 lần chậm thực hiện giải ngân này. Đây chính là nguyên nhân mà VDB Chi nhánh Thanh Hóa cho rằng, Tây Đô đã không có đủ năng lực tài chính trong việc thu xếp vốn triển khai dự án.

Một nguyên nhân nữa là, căn cứ vào hợp đồng tín dụng, Tây Đô phải trả nợ gốc và lãi hàng tháng bắt đầu từ tháng 10/2010. Theo VDB Chi nhánh Thanh Hóa, tính đến ngày 10/4/2013, phần dư nợ phát sinh được tính từ thời điểm không phải trả vốn gốc của Tây Đô đã lên tới hơn 31,7 tỷ đồng.

Các biên bản làm việc giữa Ban chỉ đạo thu hồi nợ vay VDB phối hợp với VDB Chi nhánh Thanh Hóa làm việc với Công ty Tây Đô, từ tháng 4/2011 đến tháng 2/2012 đều thể hiện việc Tây Đô đã vi phạm việc trả số tiền gốc và lãi cho VDB. Phía Tây Đô cũng đưa ra một số cam kết về thời gian để thu xếp nguồn tiền trả nợ gốc và lãi cho VDB, nhưng đều không thực hiện.

Đặc biệt, trong Biên bản thỏa thuận ngày 15/2/2012, Tây Đô còn cam kết lần cuối cùng về việc thu xếp vốn để trả nợ vay gốc và lãi vay của dự án cho VDB, với điều khoản “Thỏa thuận về xử lý tài sản đảm bảo”. Theo đó, chậm nhất là đến ngày 29/2/2012, nếu không thực hiện theo cam kết, Tây Đô đồng ý ủy quyền cho VDB Chi nhánh Thanh Hóa ký các hợp đồng liên quan đến việc xử lý tài sản đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Căn cứ vào Nghị định số 163/2006/NĐ-CP, ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch đảm bảo, ngày 1/3/2013, VDB Chi nhánh Thanh Hóa đã ra quyết định thu giữ, niêm phong tài sản bảo đảm tiền vay cho dự án do Tây Đô làm chủ đầu tư để xử lý, thu nợ. Ngày 13/4/2012, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có Công văn số 2217/UBND-NC chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với VDB Chi nhánh Thanh Hoá thực hiện theo Khoản 5, Điều 63, Nghị định 163/2006/NĐ-CP. Tuy nhiên, việc này không thể thực hiện do phía Tây Đô bất hợp tác.

Vì thế, ngày 5/10/2012, VDB Chi nhánh Thanh Hóa đã làm đơn khởi kiện Tây Đô lên Tòa án nhân dân TP. Thanh Hóa.

Đòn “phản tố” của Tây Đô

Sau những phiên hòa giải không thành, ngày 5/12/2012, Tây Đô bất ngờ có đơn phản tố với nguyên đơn là VDB Chi nhánh Thanh Hoá, với nội dung cụ thể là đơn vị này đã không thực hiện nghĩa vụ giải ngân theo đúng cam kết trong các hợp đồng tín dụng đã ký kết, gây thiệt hại cho Công ty.

Theo đơn phản tố, Công ty Tây Đô dựa vào cơ cấu tỷ lệ vốn trong dự án sau khi ký Hợp đồng số 130/2009/HĐTD (ngân hàng 70%, chủ đầu tư 30%).

Ông Bùi Quốc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Tây Đô cho rằng, tổng số tiền VDB phải giải ngân theo hai hợp đồng ký kết giữa Tây Đô với VDB là 144 tỷ đồng, song VDB mới giải ngân được 77,4 tỷ đồng (tỷ lệ đạt 53%), trong khi đó công trình đã hoàn thành được 80%. Việc thực hiện hợp đồng thứ hai mới được hơn 1 tháng đã bị “dừng giải ngân” (từ ngày 9/2/2010).

Cũng theo ông Hùng, tính đến thời điểm “dừng giải ngân”, tổng tài sản của Dự án được hai bên thống nhất là 139,997 tỷ đồng, nếu trừ đi khoản 77,4 tỷ đồng do VDB đã giải ngân, thì chủ đầu tư đã đầu tư 62,597 tỷ đồng vào Dự án. Tính ra, số tiền này đã bằng 30% theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Tây Đô khẳng định, VDB Chi nhánh Thanh Hoá đã không thực hiện giải ngân theo Hợp đồng số 130/2009/HĐTD ĐT-NHPT. Điều này đã ảnh hưởng tới kế hoạch bố trí vốn cho Dự án, dẫn đến Dự án bị đình trệ, không thể hoàn thành đúng tiến độ và gây thiệt hại lớn về kinh tế và uy tín cho Tây Đô... Vì thế, Tây Đô đã đề nghị VDB Chi nhánh Thanh Hóa phải bồi thường số tiền thiệt hại là hơn 24,7 tỷ đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm vụ án kinh tế ngày 22/4/2013, Tòa án Nhân dân TP. Thanh Hóa đã chính thức tuyên án. Theo đó, VDB Chi nhánh Thanh Hóa đã vi phạm hợp đồng cho vay tín dụng là không giải ngân cho Công ty Tây Đô theo đúng tỷ lệ hợp đồng đã ký trước đó, dẫn đến công trình bị đình trệ, cho đến nay, chưa đi vào hoạt động.

Tây Đô chỉ có trách nhiệm hoàn trả 82 tỷ đồng (là số tiền gốc và lãi suất mà Công ty này đã vay của VDB). Đây là số tiền sau khi trừ đi khoảng 26 tỷ đồng do VDB Chi nhánh Thanh Hóa bị phạt do vi phạm hợp đồng.

Sự việc vẫn sẽ còn tiếp tục được tranh tụng tại những phiên tòa tiếp theo.

Sĩ Chức

đầu tư

Các tin tức khác

>   Ngành tôm dễ rơi vào kịch bản kém khả quan (07/05/2013)

>   3,18 tỷ USD cho dự án lọc dầu Vũng Rô (07/05/2013)

>   Quá lệ thuộc Trung Quốc: Tìm đường vào “công xưởng thế giới” (07/05/2013)

>   Mừng hụt với những dự án tỷ đôla (07/05/2013)

>   Xuất khẩu 2013: Thách thức tăng trưởng khi giá giảm mạnh (07/05/2013)

>   Kế toán trưởng thất nghiệp hàng loạt (07/05/2013)

>   Vinacomin: Sẽ xem xét xuất khẩu ở mức phù hợp (07/05/2013)

>   Tăng mạnh kim ngạch xuất hàng hóa sang Singapore (07/05/2013)

>   'Bộ Công Thương ủng hộ dự án lọc dầu 27 tỷ đôla' (06/05/2013)

>   Bộ Công Thương: Chưa có phương án tăng giá điện (06/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật