"Nhà mạng mất 30% doanh thu vì tin nhắn miễn phí"
Mạng 3G đã được thương mại hóa trong vòng ba năm qua với tốc độ thuê bao phát triển nhanh, vùng phủ sóng rộng khắp và đem lại doanh thu lớn các nhà mạng. Song, hiện doanh thu của họ đang sụt giảm mạnh do cạnh tranh từ các ứng dụng nhắn tin miễn phí như Viber, Zalo, Kakao, LINE…
Bên lền cuộc họp báo "Nhân tài đất Việt" hôm 8-5 tại TPHCM, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã trao đổi với ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm thông tin và quan hệ công chúng Tập đoàn VNPT, về vấn đề này.
TBKTSG Online: Ông đánh giá sự phát triển của mạng 3G sau ba năm thương mại hóa ra sao?
- Ông Bùi Quốc Việt: Hiện nay, lĩnh vực di động ở Việt Nam phát triển rất nhanh và các dịch vụ 3G đã được phát triển một cách rộng rãi. Trong khi đó, các dịch vụ 2G đang giảm dần. Hiện các nhà mạng như MobiFone, VinaPhone, Viettel và một số nhà mạng khác đã hoàn thiện hạ tầng và phủ sóng 3G toàn quốc với các tiện ích như giải trí đa phương tiện, tra cứu thông tin rất đa dạng.
Việt Nam có lợi thế về thiết bị đầu cuối phong phú, sự tham gia của nhiều thương hiệu khác nhau đã giúp cho giá thiết bị hợp lý hơn với người tiêu dùng. Điều đó đã thúc đẩy 3G phát triển mạnh hơn. Do đó, tôi cho rằng tiềm năng để phát triển 3G ở việt Nam sẽ còn rất lớn.
Giá thành của dịch vụ 3G đang hạ dần so với trước đây và Việt Nam đang là nước có giá 3G rẻ. So với châu Âu mức cước 3G của Việt Nam rẻ hơn 40 lần và rẻ hơn 10 lần nếu so với Trung Quốc.
Sắp tới, các chiến lược của các nhà mạng là ngoài hoàn thiện hơn về hạ tầng kỹ thuật và phát triển sâu hơn các nội dung, tiện ích trên mạng phục vụ lĩnh vực thanh toán điện tử, y tế và giáo dục.
Ông nói giá thành 3G đang rẻ đi nhưng vì sao thời gian gần đây các nhà mạng, cụ thể là MobiFone và VinaPhone, lại tăng giá dịch vụ này?
- Thực ra, giá 3G không thay đổi mà nhà mạng chỉ tái cơ cấu lại gói giá cước. Theo con số thống kê của các mạng di động, hiện thuê bao 3G tăng rất mạnh kèm với đó là lưu lượng sử dụng trung bình trên mỗi thuê bao cũng tăng nhanh khiến cho các gói cước đã được thiết kết trước đó không còn phù hợp với nhu cầu của người dùng.
Lượng khách hàng sử dụng mạng 3G của các nhà mạng, trong đó có MobiFone và VinaPhone đang tăng rất mạnh với mức cấp số nhân và lưu lượng sử dụng dữ liệu (data) rất lớn. Chính vì vậy, gói cước cũ như cái áo đã chật và buộc nhà mạng phải điều chỉnh giá cước kèm theo với việc tăng lưu lượng data. Nếu nhìn kỹ chi tiết từng gói cước thì thực sự giá không tăng quá nhiều.
Giá cước phải cấu thành làm sao phải nuôi sống được dịch vụ, phát triển dịch vụ và thu hút người dùng hơn. Nếu giá thành quá thấp thì sẽ gây thiệt hại cho nhà mạng. Do đó, sự điều chỉnh này nhằm hài hòa lợi ích cho người tiêu dùng cũng như lợi ích của nhà khai thác mạng.
Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông gần như không quản lý giá cước mà khuyến khích nhà mạng điều chỉnh giá cước theo hướng có lợi cho cả người dùng và nhà cung cấp dịch vụ, đưa lại nhiều lựa chọn giá cước đa dạng cho người tiêu dùng.
Ngày xưa khi khách hàng dùng 3G ít thì giá dịch vụ phải rẻ để khuyến khích người dùng. Còn hiện tại, dịch vụ này đã phổ biến, người dùng đã nhiều hơn thì nhà mạng điều chỉnh giá cước tăng thêm một cách hợp lý để có vốn tái đầu tư vào hạ tầng cũng như dịch vụ mạng.
Phải chăng là 3G tăng giá là do bị cạnh tranh gay gắt từ các dịch vụ nhắn tin và thoại miễn phí (OTT) của các nhà phát triển nội dung?
- Đây là bài toán rất đau đầu của các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà mạng. Đến một lúc nào đó, các dịch vụ thoại truyền thống sẽ trở thành một tiện ích đơn giản, gần như là miễn phí.
Ở Việt Nam, dịch vụ nhắn tin và gọi điện miễn phí (OTT) đã phát triển với sự tham gia của các nhà cung cấp nội dung nước ngoài và trong nước. Mục tiêu của OTT không phải là giá trị thu lại từ dịch vụ thoại và nhắn tin mà đích ngắm xa hơn là quảng cáo trên thiết bị di động, các ứng dụng đa phương tiện khác.
Hiện, các dịch vụ OTT đang cạnh tranh trực tiếp với các nhà mạng. Đã có thời điểm, doanh thu của các nhà mạng lớn như MobiFone, VinaPhone và Viettel sụt giảm từ 30% đến 40% do các dịch vụ OTT như Viber, WhatsApps.
Các nhà khai thác mạng đang kiến nghị với các nhà hoạch định chính sách để làm sao phát triển và quản lí dịch vụ OTT bởi Việt Nam chưa có mô hình quản lí dịch vụ mới này.
Vậy các nhà mạng sẽ phải làm gì để doanh thu không tiếp tục sụt giảm vì OTT?
- Tôi ghĩ về lâu dài, các nhà mạng sẽ phải bắt tay với các nhà phát triển nội dung OTT để làm sao phát triển dịch vụ của đôi bên như đưa ra gói cước mới, ăn chia doanh thu với những doanh nghiệp nội dung. Sự hợp tác sẽ dựa trên cơ sở cởi mở, bảo đảm lợi ích cho các bên tham gia và phục vụ tốt nhất cho người sử dụng.
Tuy nhiên, chiến lược lâu dài của các nhà mạng là phải phát triển các dịch vụ tiện ích và dịch vụ giá trị gia tăng để thu hút người dùng nhiều hơn nữa.
Xin cảm ơn ông!
Thu Hiền
tbktsg
|