Vì sao giá gạo xuất khẩu quá thấp?
“Tại sao doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải lo vùng nguyên liệu? Doanh nghiệp xuất khẩu gạo lo đủ tiền để mua lúa gạo cho nông dân đã khó khăn lắm rồi… nên lo vùng nguyên liệu không phải là trách nhiệm của VFA”.
Ông Trương Thanh Phong
|
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), đã nói như vậy khi trả lời báo chí bên lề buổi họp báo công bố kết quả tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân 2012-2013 diễn ra ngày 14-5 tại Hà Nội.
Trong báo cáo tổng kết có nói chênh lệch giữa giá thu mua và giá thành sản xuất lúa gạo 38- 46% nhưng nông dân không được hưởng lợi hoàn toàn từ mức chênh lêch này. Vậy theo ông ai được hưởng lợi?
- Ông Trương Thanh Phong: Cũng giống như những mặt hàng khác, sản xuất lúa gạo được chia thành nhiều công đoạn khác nhau. Ví dụ người nông dân thu hoạch lúa bán tại ruộng, vận chuyển lúa từ ruộng đến nhà máy sấy, sấy xong chở đến bán cho doanh nghiệp… Cho nên mức chênh lệch từ 38 đến 46% để nhiều đối tượng trong phân khúc đó được hưởng lợi.
Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng giá thành sản xuất lúa không tính đến tất cả các nhân tố cấu thành như lao động của gia đình, phí thuê đất và lãi suất tiền vay… Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
- Khi tính toán giá định hướng, Bộ Tài chính tính giá thành bình quân là 3.616 đồng/kg, căn cứ vào giá của các sở tài chính, các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn của 13 tỉnh đưa lên. Bộ Tài chính tổng hợp lại và đưa ra giá bình quân của cả khu vực ĐBSCL. Ngoài ra, khi tính toán đến giá thu mua lúa, tổ điều hành đã tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở nông dân có lợi, doanh nghiệp cũng phải bán hàng.
Theo tôi không thể tính giá thuê đất để cấu thành nên giá mua được, điều này là vô lý. Thuê đất là để kinh doanh còn chúng tôi hướng tới những hộ nông dân sống chết trên mảnh đất của họ. Còn chi phí lao động đã được tính đầy đủ trong barem tính giá thành sản xuất của Bộ Tài chính.
Tại sao các doanh nghiệp trong VFA không đầu tư vào vùng nguyên liệu mà chỉ chờ tới khi có chương trình tạm trữ mới tiến hành thu mua?
- Tại sao doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải lo vùng nguyên liệu? Vùng nguyên liệu đâu phải của doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Có thể bảo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đi đặt hàng và ký hợp đồng mua gạo ở các hợp tác xã hoặc các tổ chức nào đó. Và khi doanh nghiệp đặt hàng mà không mua thì cần phải xử lý theo đúng hợp đồng.
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo lo kiếm tiền để mua lúa gạo xuất khẩu đã khốn khổ rồi, lấy tiền đâu mua giống, thuê đất, kỹ sư,… đến chăm sóc lúa.
Các doanh nghiệp đi bán thuốc, bán phân bón khi có vùng nguyên liệu thì người ta có lợi quá vì họ bán thuốc, bán phân còn doanh nghiệp xuất khẩu lấy gì mà bán. Tôi cho rằng đây không phải trách nhiệm của doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Vậy trong đợt tạm trữ vừa rồi, doanh nghiệp trong VFA được hưởng lợi như thế nào?
- Các doanh nghiệp thu mua tạm trữ được hỗ trợ lãi suất 3 tháng nhưng từ năm 2012 đến nay doanh nghiệp luôn gặp khó vì mua giá cao nhưng bán ra thấp. Riêng vụ đông xuân này chênh lệch giữa giá thu mua tạm trữ và giá tồn kho tới thời điểm này là 30 đô la Mỹ/tấn, có doanh nghiệp lỗ tới 35 đô la Mỹ/tấn.
Có ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp thu mua gạo không tạm trữ mà đẩy ra xuất khẩu luôn. Điều này tạo nguồn cung lớn khiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam xuống mức thấp nhất thế giới. Ông có ý kiến gì về nhận định này?
- Tôi xin đính chính, giá gạo thấp nhất thế giới hiện nay là của Myanmar, với khoảng 310-315 đô la Mỹ/tấn. Hiện giá gạo của chúng ta khoảng 365 đô la Mỹ/tấn. Tuy nhiên, giá gạo của chúng ta vẫn thấp hơn của Ấn Độ và Pakistan. Có ba nguyên nhân chính.
Thứ nhất do Ấn độ trợ giá như Thái Lan. Tức chính phủ nước này bỏ tiền ra mua hết gạo hàng hóa để dự trữ. Ấn Độ hiện tồn kho khoảng 35,5 triệu tấn gạo và lượng tồn kho sẽ tiếp tục tăng lên nếu Ấn Độ thực hiện mua hết gạo sản xuất ra. Ngoài ra, tồn kho hạt nói chung của Ấn Độ là trên 96 triệu tấn trong khi Ấn Độ chỉ cần 12,5 đến 14 triệu tấn là đủ cho an ninh lương thực quốc gia. Trong 4 tháng đầu năm, Ấn Độ chỉ xuất khẩu được gạo đồ còn gạo trắng xuất khẩu không được nhiều. Điều này chứng tỏ họ đưa ra giá cao nhưng không bán được.
Thứ hai, Pakistan không bị áp lực xuất khẩu gạo trắng như chúng ta mà họ chỉ xuất khẩu gạo đồ.
Đối với Thái Lan, 4 tháng đầu năm họ chỉ bán hai thương hiệu gạo thơm và gạo đồ. Nhưng gạo đồ năm nay Thái Lan xuất cũng bị giảm do thị trường gạo đồ lớn nhất là Nigeria không nhập nữa do thuế nhập khẩu của họ tăng lên. Còn xuất khẩu gạo trắng, do trợ giá nên 4 tháng đầu năm xuất khẩu gạo này của Thái Lan giảm 72%.
Theo tôi, mức giá gạo xuất khẩu của Việt Nam là hợp lý trong bối cảnh sản xuất trên thế giới năm nay được mùa với tất cả các mặt hàng như bắp, lúa mì… và tồn kho về các loại hạt ở mức kỷ lục trong nhiều năm qua.
Vừa rồi VFA đề xuất đưa tạm trữ lúa gạo về cho UBND các tỉnh, vậy đến nay đã triển khai như thế nào?
- Vụ đông xuân vừa rồi, các tỉnh thấy rằng việc phân bổ vừa qua chưa thỏa đáng, triển khai chậm, chưa mang lại nhiều lợi nhuận cho nông dân. Một số tỉnh ĐBSCL đề nghị đưa tạm trữ về cho tỉnh điều hành. Thể theo nguyện vọng của tỉnh, VFA đã kiến nghị với Chính phủ và các bộ chuyển giao tạm trữ về các tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn vướng Nghị định 109 của Chính phủ.
Thùy Dung
tbktsg
|