Vàng sụt gần 20 USD/oz trước tác động từ làn sóng tháo chạy khỏi ETF
Giá vàng tương lai đánh mất hơn 1% và khép phiên gần mức thấp nhất trong một tuần. Nhà đầu tư vẫn còn lo ngại về sự tháo chạy của dòng vốn khỏi các quỹ ETF vàng, nguyên nhân khiến kim loại quý đánh mất gần 8% trong tháng trước.
* "Siêu chu kỳ" của vàng và dầu đã chấm dứt
* Đến lượt NHTW Australia bất ngờ hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục
* Dow Jones lần đầu tiên vượt ngưỡng 15,000, S&P 500 bước vào thị trường “con bò”
Ngoài ra, giá vàng cũng không thể tận dụng được thông tin tích cực về một đợt nới lỏng tiền tệ khác của các ngân hàng trung ương toàn cầu, lần này là từ Australia. Cụ thể, trong cuộc họp chính sách ngày thứ Ba, NHTW Australia (RBA) hạ lãi suất bớt 0.25% xuống mức thấp kỷ lục 2.75% nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng của nền kinh tế.
Giá vàng giao tháng 6 trên bộ phận Comex của sàn Nymex giảm 19.20 USD/oz (tương ứng 1.3%) xuống 1,448.80 USD/oz, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 01/05.
Giá vàng giao ngay giảm mạnh 1.2% xuống 1,452 USD/oz sau khi sụt tới 1.9% xuống đáy của phiên tại 1,441.11 USD/oz, mức thấp nhất kể từ ngày 01/05. Hôm thứ Sáu, hợp đồng vàng giao ngay tăng lên mức cao nhất trong gần 3 tuần tại 1,487.80 USD/oz.
Theo báo cáo hôm thứ Hai của Citi Research, làn sóng rút vốn khỏi các quỹ ETF hàng hóa vẫn tiếp diễn trong tháng 4 với mức kỷ lục 7.8 tỷ USD, trong đó nhà đầu tư rút ròng 7.3 tỷ USD khỏi các quỹ ETF vàng vật chất lớn nhất là SPDR Gold Trust và iShares Gold Trust.
Bên cạnh đó, lượng vàng nắm giữ của SPDR Gold Trust tiếp tục suy giảm từ mức 1,075 tấn trong ngày 01/05 xuống còn 1,062 tấn trong ngày thứ Hai.
Trong số các kim loại còn lại trên sàn Comex, giá đồng giao tháng 7 giảm 1 xu (tương ứng 0.2%) xuống 3.3 USD/lb. Giá bạc giao tháng 7 mất 15 xu (tương ứng 0.6%) xuống 23.81 USD/oz.
Giá bạch kim giao tháng 7 rớt 26.50 USD/oz (tương ứng 1.8%) xuống 1,481.20 USD/oz. Giá palađi giao tháng 6 sụt 16.50 USD/oz (tương ứng 2.4%) xuống 680.60 USD/oz.
Trong loạt sự kiện được tổ chức cuối tuần trước, Thomson Reuters GFMS cho biết sau 7 năm liên tiếp rơi vào tình trạng dư thừa, nguồn cung trên thị trường bạch kim chuyển sang thiếu hụt 83,000 oz trong năm 2012 do sự gián đoạn của nguồn cung mỏ từ Nam Phi. Trong khi đó, mức thâm hụt hàng năm của thị trường palađi lên tới hơn 1.1 triệu oz.
Thu Ngân (Vietstock)
FFN
|