TS.Vũ Đình Ánh: “Không ai có thể cứu hết được các ông BĐS”
TS.Vũ Đình Ánh - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính) bác bỏ quan điểm nhận định gói hỗ trợ 30.000 tỷ chỉ như “muối bỏ bể” khi rót vào thị trường BĐS hiện nay.
Tạo hướng chuyển đổi thị trường
Sau thời gian “ngóng” nguồn hỗ trợ, thông tin chính thức về gói tín dụng 30.000 tỷ sẽ được tung ra vào ngày 1/6 tới đây đang tạo ra tâm lý. Ông nhận định như thế nào về luồng tâm lý mới này và gói hỗ trợ sẽ tác động ra sao tới sự phát triển của thị trường thời gian tới?
Gói hỗ trợ 30.000 tỷ được thực hiện theo tỷ lệ là 70:30 trong đó 70% là dành hỗ trợ cho người vay vốn, 30% để cho vay đối với doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội. Như vậy gói hỗ trợ chỉ tác động trực tiếp tới một phân khúc BĐS là nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2 giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Nếu triển khai tốt kể cả về vấn đề nguồn tiền, chế độ lãi suất, xét các điều kiện thì sẽ có tác động tốt tới phân khúc này.
Còn đối với thị trường BĐS nói chung nó chỉ có tác động gián tiếp. Ở đó sẽ tạo ra sự kích thích với cả 2 phía đặc biệt là doanh nghiệp BĐS sẽ thấy hướng chuyển đổi BĐS. Nếu trước đây thị trường quá tập trung vào phân khúc cao cấp, giá cao sang thì giờ đây sẽ chuyển sang hướng hấp dẫn hơn là nhà ở thu nhập thấp và nhà ở xã hội.
Trong điều kiện BĐS đóng băng sẽ không có đủ nguồn lực cũng như điều kiện để thúc đẩy cả thị trường BĐS. Việc kích thích một phần hay một phân khúc nào đó của thị trường cũng có tác dụng lan truyền đối với các phân khúc khác. Đó là điều có thể khẳng định chắc chắn bởi trên thực tế các ngành BĐS có liên quan đến nhiều lĩnh vực chứ không phải chỉ đất đai và xây dựng.
Gói hỗ trợ giải cứu bất động sản chính thức được tung ra
|
Đúng như trao đổi của ông, gói hỗ trợ chỉ tác động trực tiếp tới một phân khúc BĐS và như vậy có không ít doanh nghiệp sẽ “dửng dưng” đứng ngoài cuộc?
Chuyện có những doanh nghiệp dửng dưng với gói hỗ trợ này là chuyện bình thường. Hiện nay doanh nghiệp kinh doanh BĐS không phải là ít và mỗi doanh nghiệp lại có những vấn đề riêng khác chưa kể quy mô lần này chỉ là 30.000 tỷ trong đó họ cũng chỉ hưởng 30% trong số đó. Vấn đề cần quan tâm ở đây là doanh nghiệp nào sẵn sàng và có đủ điều kiện thì vẫn được hưởng những điều đó chứ không thể đem trải ra cho rất nhiều người được.
“Không ai có thể cứu hết được các ông BĐS”
Xung quanh gói tín dụng 30.000 tỷ có ý kiến cho rằng nó quá khó để tạo sóng cho thị trường và cũng chỉ như “ muối bỏ bể”. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
Tôi không thích cách nói này. Và tôi không đồng ý với quan điểm nói theo kiểu gói hỗ trợ chỉ như muối bỏ bể.
Đây không phải là để cứu thị trường BĐS, đây cũng không phải là hỗ trợ cho cả thị trường BĐS, không phải là giải quyết khó khăn cho tất cả các doanh nghiệp BĐS.
Không thể tư duy như thế bởi không ai có thể cứu được hết các ông BĐS cả. Gói 30. 000 tỷ là tập trung vào một phân khúc và vấn đề là phải làm sao để triển khai được đến đúng địa chỉ kể cả địa chỉ người mua lẫn địa chỉ người bán tránh trường hợp có thể bị lạm dụng.
Theo thông tư mới ban hành mức lãi suất áp dụng trong năm 2013 là 6%/năm. Định kỳ vào tháng 12 hàng năm, NHNN xác định và công bố lại mức lãi suất áp dụng cho năm tiếp theo, bằng khoảng 50% lãi suất cho vay bình quân các ngân hàng trên thị trường nhưng không vượt quá 6%/năm. Và theo nhiều nhận định thì đây là mức lãi suất hấp dẫn. Ông nghĩ sao về con số 6% này, thưa ông?
Hiện nay với mức lãi suất cho vay là 6%/năm là hấp dẫn và được duy trì trong 3 năm tiếp theo theo như chỉ đạo. Nhưng sau 3 năm tiếp theo ấy mức lãi suất này có còn hấp dẫn hay không thì cũng không thể khẳng định. Điều này còn phụ thuộc vào các yếu tố vĩ mô và sự phục hồi của nền kinh tế. Còn với quan điểm của cá nhân tôi thì mức lãi suất đó cũng cần có sự mềm dẻo để phù hợp với thực tế thị trường. Xét cho cùng thì yếu tố quan trọng ở đây là mình có tiền, mình có thể sẵn sàng cho vay nhưng có người vay hay không và có sử dụng đúng mục đích hay không, do đó nếu có một chế độ lãi suất linh hoạt sẽ đảm bảo những ưu đãi phù hợp với sự biến động của nền kinh tế vĩ mô đặc biệt là với những biến động của mức lãi suất trên thị trường.
Xin cảm ơn ông!
Hồng Khanh
vietnamnet
|