Thu hút vốn FDI và đẩy mạnh xuất khẩu để giải quyết khó khăn cho ngành Xi măng
Hiện tại, ngành Xi măng cả nước đã dư thừa năng lực sản xuất từ 20 triệu đến 25 triệu tấn, tương ứng với công suất của 10 nhà máy xi măng cỡ lớn với lượng vốn đầu tư vài tỷ USD.
Với công suất hiện có, ngành Xi măng trong nước đã xếp ở vị trí số 1 trong khối ASEAN về năng lực sản xuất các sản phẩm xi măng; trong khi nền kinh tế còn theo sau với khoảng cách khá lớn so với các nước phát triển trong khu vực. Khủng hoảng thừa công suất, gặp thời điểm kinh tế khó khăn kéo dài, sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm khiến đa số nhà máy xi măng lâm vào cảnh nợ nần.
Theo Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), tổng vay nợ của DN xi măng cao gấp từ 4 - 6 lần vốn chủ sở hữu, đa số kinh doanh thua lỗ, kể cả với Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam cũng thua lỗ nếu thực hiện hạch toán đúng. Nợ xấu tiềm ẩn hàng ngàn tỷ đồng trong các DN sản xuất xi măng.
Sản xuất cầm chừng ở một nhà máy xi măng.
|
Cũng theo VAFI, dù dấu hiệu dư thừa công suất xi măng đã bộc lộ cách đây 10 năm, lẽ ra khi đó Bộ Xây dựng đã phải có chính sách điều chỉnh quy hoạch ngành theo hướng đầu tư có chọn lọc và hạn chế đầu tư.
Song từ trước tới nay, đầu tư cho ngành Xi măng vẫn luôn được coi là ngành khuyến khích, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng. Thậm chí có đến 17 dự án xi măng được Bộ Tài chính đứng ra bảo lãnh vay vốn.
Vì vậy, để nhanh chóng đưa ngành Xi măng thoát khỏi tình trạng khủng hoảng thừa hiện nay, giải pháp sử dụng xi măng để làm đường mà Bộ Xây dựng và Bộ GTVT đã cho áp dụng là chưa đủ.
Mà theo VAFI cần có thêm giải pháp là khuyến khích đầu tư nước ngoài (FDI) vào các nhà máy xi măng nhằm nhanh chóng thu hút được nguồn vốn lớn để tái cấu trúc tài chính cho chính các DN ngành Xi măng. Đồng thời mở ra thị trường xuất khẩu cho ngành Xi măng để giải quyết tình trạng tồn kho, dư thừa công suất
Đ.Thắng
Công an nhân dân
|