Thứ Hai, 06/05/2013 11:55

CTCP Xi măng Hà Giang: Ai đưa doanh nghiệp… “xuống sông”?

Một thời, Nhà máy xi măng Hà Giang (nay gọi là Công ty Cổ phần xi măng Hà Giang) được coi là "cánh chim đầu đàn” của nền công nghiệp tỉnh biên giới phên dậu này. Nhưng chỉ 7 năm sau khi Cổ phần hóa, Công ty Cổ phần xi măng Hà Giang (CTCPXM) đã bên bờ phá sản.

Vì số nợ quá lớn nên những dây chuyền sản xuất đang trơ gan cùng tuế nguyệt!

Gãy cánh… "cánh chim đầu đàn”!

CTCPXM Hà Giang là doanh nghiệp nhà nước, được thành lập năm 1994. Đến tháng 6-2006, thực hiện Luật Doanh nghiệp, Công ty đã chuyển đổi sang cổ phần hóa.

Sau chưa đầy 7 năm CP, năm 2006, doanh thu trước thuế lỗ 1.387.948.387 đồng. Trong những năm tiếp theo, CTCPXM Hà Giang càng ngập ngụa trong nợ nần mà phải kể đến các năm cao điểm nợ như 2009, 2010, 2011 lỗ lũy kế đến hơn 9 tỷ đồng. Nhưng con số nợ này, như báo cáo của Ban giám đốc công ty hiện nay thì số nợ của CTCPXM Hà Giang thực tế phải lên tới 51 tỷ. Vì như theo họ lý giải thì số nợ "chênh” giữa 9 tỷ và 51 tỷ này là do Ban lãnh đạo cũ đã cố tình báo cáo sai tài khoản để… che giấu những khoản lỗ khổng lồ.

Nhà đất bị phong tỏa, nợ lương, nợ bảo hiểm, nợ thuế, nợ ngân hàng và các tổ chức tín dụng… đã đem đến cho "cánh chim đầu đàn” một thời này tình trạng gần như không còn hoạt động. Hiện tại, theo ông Nguyễn Quốc Lập, Chủ tịch HĐQT mới được bầu thì số công nợ phải trả của CTCPXM Hà Giang đã lên đến trên… 90 tỷ đồng. Tất cả những hệ lụy này, trách nhiệm đang được quy kết cho ông Chủ tịch HĐQT (cũ) Vũ Duy Chanh với hàng loạt những sai phạm cần làm sáng tỏ.

Tài sản thất thoát

Tháng 6-2006, Công ty xi măng Hà Giang thực hiện cổ phần. Ông Vũ Duy Chanh đang là Chủ tịch HĐQT của CTCP Đồng Tâm trở thành cổ đông sở hữu 66% vốn điều lệ và đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc CTCPXM Hà Giang.

Khi công ty đứng trước tình trạng nợ nần, các cổ đông đã nghi ngờ và đặt nhiều dấu hỏi với HĐQT và Ban giám đốc. Thể theo nguyện vọng của các cổ đông, ông Chủ tịch HĐQT Vũ Duy Chanh ra Quyết định số 77/QĐ – HĐQT ngày 10-7-2012 về việc thành lập tổ kiểm tra để đánh giá thực trạng tài sản của công ty.

Theo báo cáo kết quả của tổ kiểm tra, công ty đã bị thất thoát một số lượng rất lớn tài sản trong đó có than nguyên liệu. Cụ thể trong 3 năm 2009, 2010, 2011 số than nhập qua sổ sách Phòng tài vụ là 44.500,31 tấn. Nhưng thực nhập do thủ kho cung cấp là 28.002,95 tấn. Tổ kiểm tra đã đối chiếu với số liệu của Phòng Công nghệ, kiểm kê hàng tồn kho và được ông Vũ Duy Quang, giám đốc và ông Phùng Minh Thoại, kế toán trưởng của công ty xác nhận con số này là đúng. Như vậy, số lượng trên sổ sách kế toán nhiều hơn số lượng nhập kho thực tế là 16.497,36 tấn, nếu tính giá bình quân khoảng 2.200.000 đồng/tấn vào thời điểm hiện tại thì số than bị thất thoát giá trị xấp xỉ 40 tỷ đồng (bao gồm cả thuế VAT).

Bất động sản là tài sản chung của CTCPXM Hà Giang cũng dần được ông Chanh "chuyển nhượng” cho người trong gia đình. Cụ thể như nhà căng tin tập thể 3 gian đã… chuyển thành nhà ở của gia đình ông Vũ Duy Quang (con trai ông Chủ tịch HĐQT Vũ Duy Chanh). Nhà và đất tại thị trấn Vị Xuyên đã được… "bán” cho bà Nguyễn Thị Trang (vợ ông giám đốc Vũ Duy Quang, con dâu ông Vũ Duy Chanh) giá 150 triệu đồng nhưng không có hợp đồng chuyển nhượng, không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu. Nhà và đất ông Lưu Đình Lập, cán bộ kinh doanh của công ty, tại phường Quang Trung, thành phố Hà Giang không có hồ sơ thanh lý hay hợp đồng chuyển nhượng. Hiện ông Vũ Duy Quân, Phó giám đốc công ty, thành viên của HĐQT (con trai ông Chủ tịch HĐQT Vũ Duy Chanh) lại xây nhà trên diện tích này nhưng không có văn bản nào bảo đảm tính pháp lý thể hiện việc giao đất cho ông Quân.

Để tạo điều kiện hoạt động cho Công ty, nhất là trong lĩnh vực vận tải, CTCPXM Hà Giang đã bỏ tiền để mua 5 xe ô tô trong đó có 1 xe du lịch nhãn hiệu FORD, 2 chiếc xe ben nhãn hiệu HOWO và 2 chiếc xe tải đầu kéo nhãn hiệu HOWO. Nhưng theo Ban lãnh đạo mới của Công ty và các cổ đông thì từ ngày mua về 5 chiếc xe này đã không xuất hiện và phục vụ cho sản xuất của Công ty. Là tài sản chung nhưng các xe này đã được "bàn giao” cho cá nhân và đơn vị khác quản lý sử dụng. Phương tiện không phục vụ cho công ty nhưng trớ trêu thay CTCPXM Hà Giang vẫn hàng tháng phải è cổ để chịu khấu hao, lãi ngân hàng trong tình cảnh nợ chồng nợ của mình.

Ngay trong việc mua dây chuyền sản xuất gạch Blook của Công ty cổ phần Đồng Tâm cũng có nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ. Dây chuyền này trị giá 2.696.142.000 đồng, nhưng mới chỉ có hợp đồng, hóa đơn, chưa có biên bản bàn giao, nghiệm thu đưa vào sử dụng. Không những thế, ông Chủ tịch HĐQT còn làm thất thoát một số lượng lớn tài sản, cụ thể như hợp đồng tổng thầu số 199/2007, theo báo cáo tài chính thì công ty đã chuyển 18.385.507.297 đồng tiền đặt cọc cho khách hàng, lãi vay khoảng trên 13 tỷ đồng (1,5% x 54 tháng). Việc ký hợp đồng nhưng không thông qua ĐHĐCĐ theo kiểu "vừa đá bóng, vừa thổi còi” này của ông đã vi phạm Khoản 1, Điều 13 Điều lệ Công ty và tiếp tục đem đến cho công ty một khoản thiệt hại lên đến… trên 32 tỷ đồng.

Nợ lương người lao động

Điêu đứng và đau đầu nhất hiện nay với Ban lãnh đạo mới của CTCPXM Hà Giang cũng như lãnh đạo tỉnh nhà là ổn định đời sống cho người lao động. Hiện ngoài các khoản nợ kếch xù khác, nợ lương người lao động của CTCPXM Hà Giang đã lên đến con số 1,2 tỷ, nợ bảo hiểm lên đến 900 triệu. Với con số nợ nần quá mức tưởng tượng đã buộc Công ty phải đóng cửa. 145 lao động trong đó 20% là người dân tộc thiểu số đã không có việc làm. Để có tiền duy trì cuộc sống của mình, công nhân đã nhiều lần tìm đến Công ty để đòi nợ. Ông Vũ Duy Chanh cũng đã hứa với các công nhân là sẽ trả trước 70% số lương còn nợ cho họ và hứa tiếp với họ là sẽ trả hết lương cũng như các chế độ cho công nhân khi Công ty đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường. Nhưng lời hứa của ông Chủ tịch HĐQT Vũ Duy Chanh vẫn cứ là… lời hứa.

Đơn Thương

đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Trọng tòa hơn trọng tài (06/05/2013)

>   Đủ cơ sở triển khai siêu dự án lọc dầu (06/05/2013)

>   Hạn chế tầm nhìn thì dễ bị lòng tham chi phối (06/05/2013)

>   Giá cao su sẽ có biến động mạnh trong tuần này (06/05/2013)

>   Áp thuế suất xuất khẩu 40% với một số loại quặng (06/05/2013)

>   Khi doanh nghiệp phải "chối bỏ" chính mình (06/05/2013)

>   Sẽ thu hồi giấy phép nhiều dự án FDI du lịch (06/05/2013)

>   Đường tồn kho lớn (06/05/2013)

>   DN gắng sức vượt qua 'đáy' khó khăn (05/05/2013)

>   Mía rớt giá, tái diễn điệp khúc trồng rồi chặt (05/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật