Thứ Hai, 06/05/2013 10:18

Khi doanh nghiệp phải "chối bỏ" chính mình

Không phải ngẫu nhiên, Tổng công ty Xây dựng Đường thủy Việt Nam (Vinawaco) phải sử dụng pháp nhân và năng lực của công ty mẹ để đấu thầu kiếm việc cho tổng công ty.

Đến thời điểm này, có thể khẳng định, tố cáo nặc danh liên quan đến việc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), chủ đầu tư Dự án Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vi phạm Luật Đấu thầu khi chấp nhận liên danh Vinawaco - Công ty cổ phần Phương Thành trúng thầu Gói thầu số 7 trong điều kiện Vinawaco thua lỗ, âm cả vốn chủ sở hữu, là không có cơ sở.

Cần phải nói thêm rằng, vào cuối tháng 12/2012, sau khi được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) chấp thuận, Gói thầu số 7 (có giá trị gần 1.000 tỷ đồng bao gồm việc xây dựng 2 km đường cao tốc thuộc phạm vi quận 9, TP.HCM) được VEC trao cho Vinawaco - Phương Thành, sau khi liên danh này vượt qua cuộc đấu thầu cạnh tranh quốc tế hai bước, với giá thầu cạnh tranh nhất.

Bác bỏ cáo buộc nặc danh, ông Lưu Đình Tiến, Tổng giám đốc Vinawaco khẳng định với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn rằng, pháp nhân mà đơn vị này sử dụng khi liên danh với Công ty cổ phần Phương Thành dự thầu Gói thầu số 7 là của công ty mẹ - đơn vị có năng lực thi công và tài chính đáp ứng đủ điều kiện được đề ra trong hồ sơ mời thầu.

Cụ thể, Công ty mẹ - Vinawaco là công ty TNHH nhà nước một thành viên, với vốn điều lệ 123,9 tỷ đồng. Theo báo cáo quyết toán tài chính được kiểm toán bởi Công ty Hợp danh kiểm toán Việt Nam, trong vòng 3 năm (2009 - 2011), Công ty mẹ - Vinawaco - một pháp nhân độc lập, có tình hình tài chính tương đối vững, với giá trị ròng 113 - 163 tỷ đồng.

“Số liệu trên hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí đánh giá của Gói thầu số 7, nên việc VEC trao thầu cho liên danh, trong đó có pháp nhân công ty mẹ Vinawaco là phù hợp với Luật Đấu thầu”, ông Trần Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VEC khẳng định.

Được biết, đây không phải đầu tiên, Vinawaco sử dụng pháp nhân và năng lực của công ty mẹ để đấu thầu kiếm việc cho toàn tổng công ty. Trước đó, nhà thầu này thắng thầu một loạt gói thầu lớn với pháp nhân công ty mẹ, như gói thầu nạo vét công trình biển Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Dự án xây dựng cầu Hiền Lương…

“Việc phải tạm không dùng pháp nhân tổng công ty là việc vạn bất đắc dĩ do tình hình tài chính của tổng công ty khá bê bết”, ông Tiến nói.

Được biết, tính đến hết ngày 31/12/2012, vốn chủ sở hữu của toàn tổng công ty âm 480 tỷ đồng. Với tình hình tài chính bi đát như vậy, Vinawaco sẽ không đủ điều kiện dự thầu các gói thầu xây lắp, nếu sử dụng pháp nhân Tổng công ty.

Theo một chuyên gia đấu thầu trong ngành giao thông, tình trạng “lách” các quy định đấu thầu liên quan đến năng lực tài chính, như Vinawaco, không phải là hiếm, nhất là trong bối cảnh không ít tổng công ty xây lắp nếu hạch toán đúng và đủ sẽ phải đối mặt với những khoản lỗ lớn.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Huy Hiền, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinawaco cho rằng, hiện pháp nhân cấp tập đoàn, tổng công ty tại các doanh nghiệp nhà nước là pháp nhân chưa hoàn chỉnh, nên sử dụng năng lực và pháp nhân công ty mẹ mới thể hiện đúng quy định Luật Đấu thầu.

Cũng cần phải nói thêm rằng, do pháp nhân công ty mẹ - Vinawaco có số vốn khá mỏng, nên chỉ cần quản lý điều hành một công trình như Gói thầu số 7 không chặt chẽ, xuất hiện lỗ lớn sẽ gây nguy cơ phá sản toàn tổng công ty.

Tuy nhiên, theo ông Tiến, không phải không có lối thoát cho doanh nghiệp này, bởi trên thực tế, đến cuối tháng 4/2013, Vinawaco đã cơ cấu xong tài chính và hoàn tất việc chuyển đổi 7 đơn vị thua lỗ lớn thành công ty cổ phần.

Đối với công ty mẹ, quá trình tái cơ cấu đang được thực hiện rốt ráo để chuyển thành công ty cổ phần vào cuối năm 2013. Theo đó, Công ty mẹ sẽ chuyển thành công ty cổ phần, với vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước là 660 tỷ đồng (chiếm 44%).

“Với phương án xử lý tài chính như vậy, Vinawaco sẽ cơ bản xử lý xong các gánh nặng nợ đeo đẳng suốt 10 năm qua”, ông Tiến đánh giá.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, mặc dù đang gặp nhiều khó khăn về tài chính, song với tiềm lực công nghệ, thiết bị tương đối hiện đại tích lũy qua nhiều năm, cùng với hơn 5.400 lao động có tay nghề, kinh nghiệm, Vinawaco vẫn là một trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực thi công công trình đường thủy. Đó là chưa kể, sau giai đoạn trầm lắng, tốc độ xây dựng các cảng biển có quy mô lớn đang phát triển rất nhanh.

“Đây cũng là yếu tố khiến Bộ GTVT sẽ cố gắng trục vớt con tàu Vinawaco, thay vì áp dụng biện pháp phá sản, để rồi mất nhiều thời gian, tiền của để xây dựng một doanh nghiệp có năng lực tương đương”, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết.

Anh Minh

đầu tư

Các tin tức khác

>   Sẽ thu hồi giấy phép nhiều dự án FDI du lịch (06/05/2013)

>   Đường tồn kho lớn (06/05/2013)

>   DN gắng sức vượt qua 'đáy' khó khăn (05/05/2013)

>   Mía rớt giá, tái diễn điệp khúc trồng rồi chặt (05/05/2013)

>   Nhiều doanh nghiệp phá sản vì thích...hoành tráng (05/05/2013)

>   Giải pháp để xuất khẩu thành công và bền vững? (05/05/2013)

>   Có dấu hiệu “lách luật“ nhập ôtô theo đường quà tặng (05/05/2013)

>   DN thủy sản gặp vướng về kiểm dịch hàng nhập khẩu (04/05/2013)

>   Nhập siêu ngày càng cao từ Trung Quốc (04/05/2013)

>   Điện thoại dẫn đầu danh mục hàng xuất khẩu (03/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật