Thứ Sáu, 03/05/2013 21:58

Điện thoại dẫn đầu danh mục hàng xuất khẩu

Ngành dệt may vốn luôn dẫn đầu danh mục hàng xuất khẩu của Việt Nam trong nhiều năm qua nay bị đẩy lùi xuống phía sau do kim ngạch xuất khẩu mặt hàng hàng điện thoại và linh kiện điện thoại (gọi chung là điện thoại) tăng cao.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong bốn tháng đầu năm nay mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, đạt 5,8 tỉ đô la Mỹ, tăng đến 92,3% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu điện thoại tăng liên tục

Trong khi đó, cùng thời gian này hàng dệt may vẫn có mức tăng trưởng ổn định ở mức trên 20%, nhưng chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 5,1 tỉ đô la Mỹ, xếp vị trí thứ hai.

Mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện mặc dù có mức tăng khá cao, lên đến 46,1% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng cũng chỉ đạt 3,2 tỉ đô la Mỹ, hay dầu thô đạt 2,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 6,5%; giày dép đạt 2,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 9%...

Điện thoại xuất khẩu tăng trưởng mạnh là nhờ đầu tư của các tập đoàn điện thoại, linh kiện thế giới vào Việt Nam bắt đầu đơm hoa kết trái mà đóng góp đáng kể nhất phải kể đến nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc Samsung với dự án tổ hợp điện thoại di động ở Bắc Ninh.

Theo các chuyên gia, hiếm có mặt hàng nào chỉ mới xuất hiện khoảng 3 năm nay mà đã đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong các mặt xuất khẩu của Việt Nam như điện thoại. Xuất khẩu mặt hàng điện thoại bắt đầu từ năm 2010 với giá trị đạt gần 2,4 tỉ đô la Mỹ, và sang năm kế tiếp đã nhanh chóng vượt lên hơn 6,88 tỉ đô la Mỹ, cao gấp 3 lần năm 2010.

Và năm ngoái, điện thoại vượt qua dầu thô, lên vị trí thứ 2, với kim ngạch xuất khẩu đạt 12.717 tỉ đô la Mỹ, cao gấp gần 2 lần so với năm 2011. Giới phân tích đánh giá điện thoại có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các mặt hàng xuất khẩu trong thời gian qua và cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (tương ứng là 1,6 lần và 26,5%).

Theo giới phân tích, nếu thị trường điện thoại di động thế giới vẫn giữ tốc độ tăng trưởng hiện nay thì xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sẽ có thể chạm đến mốc 20 tỉ đô la Mỹ.

Nhưng chủ yếu vẫn chỉ là gia công lắp ráp

Điện thoại xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu do khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất (chiếm tới 98,2%). Ngoài chi nhánh tổ hợp sản xuất ở Bắc Ninh của tập đoàn Samsung, còn có Foxconn của Đài Loan cùng một số nhà sản xuất linh kiện điện thoại khác góp phần thúc đẩy ngành xuất khẩu điện thoại tại Việt Nam. Khách hàng của các sản phẩm lắp ráp tại Việt Nam không chỉ ở khu vực mà có cả thị trường khó tính như châu Âu, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất UAE và Nga.

Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện tử ở Việt Nam được dự báo sẽ gia tăng trong những năm tới khi hàng loạt dự án điện thoại di động của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đến Việt Nam cũng như các dự án đang hoạt động mở rộng sản xuất như Samsung xây nhà máy thứ 2 ở Thái Nguyên, Nokia đang xây nhà máy ở phía Bắc...

Tuy nhiên, tương tự như hàng dệt may trước đây, vấn đề đặt ra vẫn là Việt Nam chỉ gia công lắp ráp các linh kiện sản xuất ở nơi khác, chứ vẫn chưa có nhiều kinh kiện chế tạo tại Việt Nam.

Và do vậy, nhập khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam cũng tăng nhanh: năm 2010 nhập khẩu gần 1,5 tỉ đô la Mỹ; năm 2011 là 2,593 tỉ đô la Mỹ; năm 2012 là hơn 5 tỉ đô la Mỹ. Riêng 4 tháng đầu năm nay nước ta đã nhập khẩu 2,277 tỉ đô la Mỹ điện thoại và linh kiện, tăng tới 89,2% so với cùng kỳ năm trước. Những thị trường nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc 1,148 tỉ đô la Mỹ, chiếm tới trên 67,3% tổng số nhập khẩu điện thoại của cả nước; Hàn Quốc gần 525 triệu đô la Mỹ, chiếm 30,8%. Khu vực FDI nhập khẩu chiếm 86,3% tổng số.

Việc nhập khẩu này chủ yếu để phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu và có một phần để tiêu dùng trong nước. Song cân đối chung thì trong quan hệ buôn bán với nước ngoài Việt Nam ở vị thế xuất siêu. Việt Nam xuất siêu với hầu hết các nước và vùng lãnh thổ, chỉ nhập siêu lớn với hai thị trường là Trung Quốc (nhập siêu tới 1.073 tỉ đô la Mỹ, gấp gần 14,4 lần so với xuất khẩu) và Hàn Quốc (nhập siêu tới 484 triệu đô la Mỹ, cao gấp gần 12 lần so với xuất khẩu).

Quốc Hùng

tbktsg

Các tin tức khác

>   Viettel chính thức “nhảy” vào làm truyền hình trả tiền (03/05/2013)

>   Tồn kho vật liệu xây dựng tiếp tục tăng (03/05/2013)

>   Sức mua vẫn giảm (03/05/2013)

>   Đánh giá đúng thực trạng mới cứu được doanh nghiệp (03/05/2013)

>   Bốn tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản giảm 4,6% (03/05/2013)

>   Xuất khẩu cá tra sang Tây Ban Nha khó tăng trưởng trong năm 2013 (03/05/2013)

>   Hà Nội muốn có 'siêu' công ty riêng (03/05/2013)

>   Cái khó bó cái khôn (03/05/2013)

>   Dự báo kém nên giá xuất khẩu rớt (03/05/2013)

>   Cả nước xuất khẩu hàng hóa đạt 9,7 tỷ USD trong tháng 4 (02/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật