Đánh giá đúng thực trạng mới cứu được doanh nghiệp
Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng, đừng quá tô hồng, mà hãy để bản chất nền kinh tế thể hiện qua con số, từ đó mới có giải pháp đúng hướng, cũng như giúp doanh nghiệp có cái nhìn đúng mức về thực trạng nền kinh tế để đưa ra kế sách phù hợp trong thời điểm hiện nay.
Khó khăn đối với các DN vẫn chưa vơi bớt
|
“Trong lúc tình hình khó khăn như hiện nay, ai cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình và đẩy khó khăn cho người khác, kể cả cơ quan quản lý Nhà nước chứ không chỉ là DN”, TS. Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho hay.
Kết quả là, theo ông Kiêm, việc thực thi các giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ vẫn thiếu sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, chưa thực sự có hiệu quả. Thậm chí, nhiều cơ quan thực thi chức trách luôn lồng ghép quyền lợi của đơn vị mình trong mỗi hành động.
“Trong thời điểm khó khăn thì giải pháp khắc phục đưa ra càng nhiều, nhưng đôi khi lại làm rối thêm. Thậm chí, một số giải pháp được đưa ra nhưng không thực hiện được, đã chứng tỏ chúng ta không thống nhất được với nhau, không nhận định một cách rõ ràng, không nắm chắc thực tiễn một cách đầy đủ”, ông Kiêm nói thêm. Quan ngại của ông Kiêm là có cơ sở. Những quan điểm về việc phải nhìn nhận bức tranh kinh tế chân thực hơn là việc “tô hồng” như hiện nay ngày càng nhiều.
TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng đặt vấn đề, nếu tính số DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động chỉ trong vòng hai năm vừa qua đã chiếm khoảng 1/3 tổng số DN thành lập mới từ trước tới nay, trong khi phần còn lại đa số giảm công suất khoảng 20-30% thì lấy đâu ra tăng trưởng? Một số nguồn tin từ cơ quan thống kê cũng thừa nhận, tăng trưởng quý I/2013 đúng ra không được như công bố, tức ở mức 4,89%.
Cũng vì không nhìn nhận đúng mức về khó khăn của DN, nhiều giải pháp được đưa ra hiện nay chưa nhắm đúng điểm mấu chốt để phá thế khó khăn. Chẳng hạn với lộ trình tái cơ cấu DNNN - một hướng xử lý trong dài hạn, nhiều bản đề án được DN đưa lên cho thấy, thực tế các giải pháp đang đi theo hướng hợp lý hóa các quyết định đầu tư sai lầm trước đây của họ, thay vì đổ vốn vào cải thiện tình hình tài chính của các DNNVV, khu vực được cho là có hiệu quả hơn.
“Những tồn tại trong lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ dẫn đến xiên xẹo về chính sách, cách điều hành, minh bạch, đạo đức… đang xảy ra rất nhiều, đòi hỏi chúng ta phải thống nhất giải pháp cho chính xác để giải quyết một cách hiệu quả thì mới làm cho DN phát triển bền vững”, ông Kiêm cảnh báo.
Điều ông Kiêm nói có thể chứng minh bằng số liệu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong con số điều tra 2.400 DNNVV thì chỉ có 2 DN chuyển lên được thành DN vừa. Điều đó có nghĩa rằng, các DN Việt Nam không lớn được, một hàm ý rất rõ ràng cho chính sách điều tiết vĩ mô.
“Hãy đánh giá đúng sức khoẻ của DN để hỗ trợ, đó chính là tạo nên sự phát triển bền vững”, bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ.
Ở điểm này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói thêm, trong lịch sử kinh tế, nhiều nước đã trải qua “tam đoạn luận”: kỳ diệu - ác mộng - khủng hoảng. Tức là từ kỳ diệu sau đó bị rơi vào ác mộng sau đó là khủng hoảng để rồi mới tiếp tục vòng quay lại từ đầu. Chỉ có một số nước như Hàn Quốc trỗi dậy được để tiến lên kỳ diệu mới, còn có nước lại bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Đối với Việt Nam, trong bối cảnh sức ép từ hội nhập ngày càng “căng như dây đàn”, sức khỏe DN và thực trạng kinh tế cần được nhìn nhận đúng mức. “Chúng ta hãy định vị đúng giai đoạn đang ở kỳ diệu hay ác mộng, và sắp tới sẽ tiến tới cái gì để có giải pháp phù hợp, hơn là chỉ nhìn hiện tại ngày hôm nay”, ông Doanh nói.
Cho nên, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng, đừng quá tô hồng, mà hãy để bản chất nền kinh tế thể hiện qua con số, từ đó mới có giải pháp đúng hướng, cũng như giúp DN có cái nhìn đúng mức về thực trạng nền kinh tế để đưa ra kế sách phù hợp trong thời điểm hiện nay.
Nguyễn Hiền
thời báo ngân hàng
|