Thứ Ba, 07/05/2013 14:51

Sẽ lập tòa án hiến pháp?

Mô hình nào cho một thiết chế trông coi một cách có hiệu quả sự tuân thủ hiến pháp trong hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, tránh sự lạm quyền của các nhánh quyền lực này?

Mặc dù Quốc hội có thể thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, nhưng thực tế vẫn không thể giám sát hết hoạt động của đối tượng và chính mình.

Đó là nội dung được nhiều đại biểu tập trung thảo luận tại Hội thảo “Cơ chế bảo hiến - Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam, được tổ chức ngày 6/5, tại Hà Nội.

Khoảng trống

Theo PGS.TS Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, vi phạm hiến pháp thường diễn ra chủ yếu ở hai dạng: Văn bản pháp luật trái với hiến pháp; các hành vi của công chức, công dân trái với hiến pháp... Trải qua các bản hiến pháp (từ 1946 đến nay), chúng ta vẫn chưa thành lập một cơ quan chuyên trách về bảo vệ hiến pháp, vẫn áp dụng cơ chế bảo hiến trên cơ sở các hoạt động giám sát, kiểm tra, tự kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể, Quốc hội (QH) kiểm soát hoạt động của Chính phủ, Chính phủ kiểm soát hoạt động của chính quyền địa phương; QH, Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH thực hiện các hoạt động giám sát...

PGS.TS Lê Minh Thông cho rằng, việc kiểm soát quyền lực bên trong bộ máy nhà nước đang thiếu một cơ chế rõ ràng và hiệu quả, không khắc phục được các nguy cơ vi phạm quy định hiến pháp. Việc loại bỏ thẩm quyền của hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các bộ, các cơ quan ngang bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương cũng đang tạo ra một khoảng trống trong việc kiểm soát tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản pháp luật do các cơ quan này ban hành. Hiện chức năng kiểm tra văn bản pháp quy được giao cho Bộ Tư pháp, nhưng thực hiện vẫn chưa hiệu quả.

PGS.TS Vũ Thư (Viện Nhà nước và Pháp luật) cho rằng, trong cơ chế quyền lực nhà nước, quyền hành pháp luôn thể hiện là khâu, hoạt động quan trọng nhất trong toàn bộ quá trình tác động của pháp luật vào đời sống xã hội. Bởi vậy, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật nói chung của hoạt động hành pháp luôn chiếm vị trí tâm điểm trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước. “Trong thực tế thực thi quyền hành pháp, có một sự thực là quyền lực hành pháp luôn có xu hướng lạm quyền, xâm lấn quyền lập pháp”, ông Thư nói.

Ủng hộ mô hình Tòa án Hiến pháp

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần đầu tiên quy định mô hình Hội đồng Hiến pháp với tính chất và vai trò của một cơ quan hiến định độc lập. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quy định về cơ quan này cũng chỉ dừng lại ở dạng tổng quát và trong phạm vi một điều của hiến pháp. Nhiều vấn đề liên quan thiết chế hiến định này vẫn còn bỏ ngỏ.

“Thẩm quyền của Hội đồng Hiến pháp trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là rất hạn chế. Nó không tương xứng với đòi hỏi, đặc trưng của nhà nước pháp quyền cũng như đặc trưng chung của thiết chế bảo hiến các nước. Mô hình bảo hiến như vậy chưa thoả mãn được mong đợi của xã hội. Hội đồng không phải là cơ quan tài phán và không góp phần giải quyết vấn đề phổ biến, bức xúc và là trọng tâm hoạt động của mọi thiết chế bảo hiến là bảo vệ quyền cơ bản của công dân”, PGS.TS. Vũ Thư nhận xét.

“Điều cần bàn hiện nay là mô hình nào hay phương án nào sẽ phù hợp cho chúng ta? Nói đúng hơn, mô hình nào hay phương án nào cho một thiết chế trông coi một cách có hiệu quả sự tuân thủ hiến pháp trong hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp?”, GS.TSKH. Đào Trí Úc (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu vấn đề. GS. Úc cho rằng, để trả lời được câu hỏi trên thì phải trả lời được câu hỏi: Mục đích nào của việc giám sát tính hợp hiến? Sự kiểm tra tính hợp hiến sẽ tác động đến lĩnh vực hoạt động nào của quyền lực nhà nước là chủ yếu? Hiệu lực của sự kiểm tra sẽ đến đâu và mang lại kết quả cho hoạt động của nhà nước và sự mong đợi của nhân dân?

Góp ý về cơ chế phán quyết những vi phạm hiến pháp trong hoạt động lập pháp, GS.TS. Thái Vĩnh Thắng (Đại học Luật Hà Nội) nêu ra 4 mô hình: Toà án Tư pháp, Toà án hiến pháp; Hội đồng hiến pháp, hoặc như Quốc hội hiện nay. GS. Thắng phân tích những thuận lợi, khó khăn của từng mô hình.

“Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, chúng tôi nhận thấy mô hình Toà án Hiến pháp là phù hợp hơn cả. Điều kiện cần thiết để Toà án Hiến pháp hoạt động có hiệu quả là nó phải được hoàn toàn độc lập với các thiết chế khác. Nó phải là cơ quan được Hiến pháp xác lập và trao cho thẩm quyền phán xét các luật và hành vi vi hiến”, GS. Thắng đề xuất.

Hoàng Long

tiền phong

Các tin tức khác

>   Cung cấp thông tin cho báo chí: Không nhất thiết phải là người phát ngôn (07/05/2013)

>   Quá lệ thuộc Trung Quốc: Tìm đường vào “công xưởng thế giới” (07/05/2013)

>   "Mờ mắt" với 1,5 triệu USD giả, mất 67.000 USD thật (07/05/2013)

>   Máy bay Vietnam Airlines hạ cánh khẩn cấp vì sự cố (06/05/2013)

>   Ca cúm A/H1N1 đầu tiên tại TP.HCM tử vong (06/05/2013)

>   Ngân hàng “canh chừng” tài sản thế chấp (06/05/2013)

>   Tửu lượng cũng là 'tiêu chuẩn' thăng chức? (06/05/2013)

>   Nhà báo phải bảo vệ nguồn tin (06/05/2013)

>   Lập Ban nội chính ở tất cả tỉnh, thành (05/05/2013)

>   Bộ trưởng khai hỏa và những lon Coca Cola có hương vị... xấu hổ (05/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật