Loại 40% dự án thủy điện nhỏ trong quy hoạch
Tổng công suất lắp máy của các dự án thủy điện nhỏ trong quy hoạch chiếm khoảng 30% tổng công suất lắp máy của toàn hệ thống, song 40% số dự án trong số này phải loại bỏ hoặc chưa có nhà đầu tư quan tâm.
Ngăn dòng thủy điện Lai Châu.
|
Báo cáo kết quả giám sát bước đầu tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển thủy điện do Ủy ban khoa học-công nghệ và môi trường (KH-CN và MT) của Quốc hội thực hiện, công bố hôm 28-5 cho thấy 113 dự án thủy điện bậc thang trên các dòng sông lớn có tổng công suất lắp máy chiếm hơn 70% tổng công suất lắp máy trong quy hoạch.
30% tổng công suất còn lại là các dự án thủy điện nhỏ nhưng số lượng các dự án thủy điện nhỏ lại rất lớn (1.108 dự án). Và 40% trong số này bị loại bỏ hoặc chưa có chủ đầu tư quan tâm. Số phải loại bỏ là 338/1.237 dự án.
Theo đánh giá của Ủy ban KH-CN và MT, đáng chú ý là phần lớn các dự án bị loại khỏi quy hoạch đều có hiệu quả kinh tế thấp, nhà đầu tư chủ động trả lại hoặc không quan tâm.
Bộ Công Thương đã tiến hành đợt rà soát quy hoạch phát triển thủy điện theo yêu cầu của Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 11/2012), nhằm xác định rõ các dự án phải dừng, các dự án phải điều chỉnh, các dự án được tiếp tục triển khai.
Ngoài việc loại khỏi quy hoạch số dự án nói trên, bộ này đã thống nhất với các tỉnh, thành phố giữ lại 899 dự án. Trong số đó 260 dự án đã vận hành, khai thác, 211 dự án đang thi công, 266 dự án đang nghiên cứu đầu tư, 162 dự án chưa có chủ trương đầu tư...
Đánh giá về an toàn công trình thủy điện, báo cáo cho biết, việc giám sát thiết kế, thi công xây dựng ở một số dự án thủy điện vừa và nhỏ chưa tuân thủ đúng quy định. Một vài công trình chất lượng thiết kế, giám sát, quản lý hạn chế, chưa tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về giám sát thi công và thi công chưa đạt yêu cầu.
Nguyên nhân chủ yếu là do quyền chủ động của các chủ đầu tư khá lớn trong khi năng lực hạn chế, thiếu kinh nghiệm, đa số mới thành lập. Các dự án nhỏ còn thiếu cán bộ chuyên môn có kinh nghiệm. Một số dự án chưa tuân thủ các quy định về đảm vảo chất lượng công trình và an toàn đập.
Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, ngoài các dự án lớn do Tập đoàn điện lực (EVN) xây dựng, vận hành được kiểm định an toàn đập theo chu kỳ, khoảng 50% số lượng các đập chưa được kiểm định. 78,4% đơn vị chưa thực hiện việc lập báo cáo an toàn đập, 74% đơn vị chưa có phương án bảo vệ đập được phê duyệt và 71% đơn vị chưa lập xong phương án phòng chống lũ, lụt vùng hạ du cho đập.
Với số lượng lớn đập thiếu an toàn như thế, một phần nguyên nhân do ý thức của chủ đầu tư và phần còn lại do bất cập của các văn bản, quy định. Ví dụ như năm 2007 mới có quy định về vấn đề kiểm định đập nên số đơn vị đủ năng lực kiểm định không nhiều. Thời gian kiểm định đập yêu cầu tương đối dài, trung bình từ 5 đến 6 tháng. Do đó đặt ra các chế tài đối với chủ đầu tư là rất khó.
Ủy ban KH-CN và MT kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện thống nhất và đồng bộ các quy hoạch phân ngành năng lượng (điện, than và khí), trong đó có quy hoạch phát triển thủy điện trên cơ sở rà soát tổng thể việc phát triển thủy điện trên cả nước, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay.
Báo cáo này phải đánh giá về mô hình tổ chức và quản lý nhà nước, phân cấp quản lý về thủy điện và việc xây dựng các văn bản thống nhất, đồng bộ về quản lý. Ủy ban này yêu cầu phải có quy định rõ cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm về quy trình vận hành liên hồ chứa, về an toàn đập, tránh tình trạng các sự cố không an toàn gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân và vùng hạ du các dự án mà không có đầu mối chịu trách nhiệm.
Ngọc Lan
TBKTSG
|