Thứ Tư, 29/05/2013 11:36

Minh bạch trong điều chỉnh giá mặt hàng thiết yếu

Trả lời kiến nghị cử tri về công tác quản lý giá cả thị trường đặc biệt đối với giá xăng dầu, điện, sữa, vật tư nông nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo điều hành giá các mặt hàng Nhà nước còn kiểm soát giá phù hợp với cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước (điện, xăng dầu, nước sạch, dịch vụ khám chữa bệnh), đáp ứng mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Giá điện, xăng dầu dần đi theo lộ trình

Giá điện, xăng dầu được điều hành từng bước theo lộ trình cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước

Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, nước ta đang thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Theo đó, giá cả của đại bộ phận hàng hoá, dịch vụ lưu thông trên thị trường (trong đó có cả các mặt hàng vật tư nông nghiệp và nhiều mặt hàng thiết yếu khác) đều được hình thành theo cơ chế thị trường.

Nhà nước tác động vào sự hình thành và vận động của giá cả thị trường thông qua các biện pháp kinh tế vĩ mô như các chính sách phát triển sản xuất, điều hoà cung-cầu; chính sách tài khoá, tiền tệ... Đồng thời, Nhà nước cũng thực hiện quản lý và bình ổn giá thị trường theo quy định của pháp luật thông qua việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; áp dụng các biện pháp đăng ký giá, kê khai giá đối với một số mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá (trong đó có mặt hàng sữa, gas, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật); quy định về niêm yết giá hoặc điều tiết cung cầu thông qua chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương đối với một số mặt hàng thiết yếu.

Đối với các mặt hàng thuộc diện Nhà nước đang quản lý hoặc kiểm soát giá như xăng dầu, điện... giá cả được điều hành từng bước theo lộ trình cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

Trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong nước cơ bản bình ổn hoặc giảm; một số mặt hàng (trong đó có xăng dầu, gas, phân bón) có biến động tăng, giảm chủ yếu do tác động của giá thế giới vì nguồn cung trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng hoặc phụ thuộc vào yếu tố mùa vụ.

Để bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát nói chung, Chính phủ đã kịp thời ban hành các Nghị quyết nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, trong đó đề ra nhiều nhóm giải pháp miễn, giảm, gia hạn thuế; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả; giảm mặt bằng lãi suất...

Có thể thấy, công tác quản lý giá cả thị trường luôn được Chính phủ đặc biệt quan tâm và sát sao trong chỉ đạo điều hành. Trong năm 2012, khi diễn biến chỉ số giá tiêu dùng giảm 2 tháng liên tục trong tháng 6 và tháng 7-2012, trên cơ sở phân tích nguyên nhân chủ yếu là do tác động của giá nhóm lương thực, thực phẩm liên tục giảm; để hỗ trợ phát triển sản xuất, định hướng đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, qua đó góp phần nâng cao mức lợi nhuận cho người sản xuất, ngoài các cơ chế chính sách đã ban hành, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có biện pháp quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với người chăn nuôi và nông dân trồng lúa như: chỉ đạo Ngân hàng cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn với lãi suất ưu đãi; chỉ đạo triển khai tích cực thí điểm bảo hiểm nông nghiệp nhằm ổn định sản xuất và đời sống của người dân, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội…

Sang quý III-2012, khi lạm phát có nguy cơ tăng cao trở lại khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng cao đột biến 2,2% so với tháng trước chủ yếu do giá dịch vụ khám chữa bệnh, học phí được điều chỉnh tăng tại một số địa phương. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/TT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm trong đó chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, thuế, phí; tăng cường quản lý chi ngân sách nhà nước bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả; giãn thời gian điều chỉnh giá một số hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá, kiểm soát giá như dịch vụ khám chữa bệnh, học phí, nước sạch sinh hoạt, cước xe buýt được Nhà nước trợ giá...

4 tháng đầu năm 2013, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, lạm phát tiếp tục được kiềm chế. Sau 7 tháng tăng liên tiếp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3-2013 đã giảm 0,19% so với tháng trước, sang tháng 4-2013 CPI tăng 0,02% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm qua. CPI cả nước tháng 5-2013 giảm 0,06% so với tháng 4-2013. Như vậy, 5 tháng đầu năm 2013, chỉ số CPI có mức tăng 6,74% so với cùng kỳ năm 2012.

Kiểm soát chặt chẽ các phương án giá

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2013 và Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước 2013, ngay trong tháng 12, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2013 trong đó có các giải pháp giảm, gia hạn nộp thuế TNDN, thuế giá trị gia tăng; giảm tiền thuê đất cho một số đối tượng…

Riêng đối với nhóm giải pháp điều hành giá, Bộ Tài chính đề xuất: Tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật giá, kiên trì mục tiêu điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, nhất là đối với một số hàng hóa, dịch vụ mà nhà nước còn định giá hoặc kiểm soát giá như điện, than cho sản xuất điện, nước sạch, dịch vụ y tế, giáo dục; Minh bạch trong điều chỉnh giá để tạo chủ động cho doanh nghiệp, đảm bảo kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời có các giải pháp hỗ trợ hợp lý đối với những ngành sản xuất gặp khó khăn, người nghèo, người có thu nhập thấp.

Đối với giá xăng dầu, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15-10-2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu phù hợp với điều kiện thực tế và đảm bảo việc kinh doanh xăng dầu theo cơ chế giá thị trường.

Đối với các mặt hàng khác, Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá thông qua việc kiểm soát chặt chẽ phương án giá, đăng ký giá, kê khai giá của doanh nghiệp; kiên quyết dừng các trường hợp tăng giá bất hợp lý so với biến động tăng của các yếu tố đầu vào.

Đồng thời, đề nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu điều chỉnh hợp lý, nhằm bình ổn giá cả của một số mặt hàng thiết yếu, giảm lãi suất, tạo thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp; tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý, kiểm soát giá cả trên thị trường; đồng thời xử lý nghiêm tình trạng tự ý nâng giá; theo dõi diễn biến thị trường thế giới có ảnh hưởng đến thị trường, giá cả hàng hoá trong nước, kịp thời đề ra giải pháp cụ thể, hữu hiệu nhằm ngăn ngừa thiểu phát.

Trong lĩnh vực tài chính, bên cạnh việc điều hành thu, chi ngân sách theo hướng chặt chẽ, hiệu quả. Kết quả thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp:

Theo thống kê, trong năm 2012, theo Nghị quyết 13 của Chính phủ, đã gia hạn 11.124 tỷ đồng tiền thuế GTGT quí II-2012 cho gần 190.000 doanh nghiệp; Gia hạn 3.327 tỷ đồng nợ thuế thu nhập doanh nghiệp cho 77.295 doanh nghiệp; Gia hạn tiền sử dụng đất cho 346 doanh nghiệp với tổng số tiền 2.778 tỷ đồng; Giảm 50% tiền thuê đất năm 2012 cho 3.609 doanh nghiệp, với số tiền giảm là 445,2 tỷ đồng. Miễn và hoàn thuế môn bài năm 2012 cho 44.897 hộ đánh bắt hải sản và hộ làm muối, với số tiền 12,4 tỷ đồng.

Theo Nghị quyết 29 của Quốc hội, đã giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế GTGT và thuế Thu nhập cá nhân tổng cộng 6.488 tỷ đồng (năm 2012 giảm 4.150 tỷ đồng và năm 2013 giảm 2.338 tỷ đồng).


Minh Anh

hải quan

Các tin tức khác

>   "Cột mốc" chủ quyền mới (29/05/2013)

>   Bỏ trần khống chế chi quảng cáo (29/05/2013)

>   Mexico quan tâm đến nhập khẩu hàng hóa Việt Nam (29/05/2013)

>   Xi măng Fico trước nguy cơ tuột dốc (29/05/2013)

>   Sẽ tăng thuế đối với khoáng sản (29/05/2013)

>   Người Việt 'tiêu' hàng tỷ USD cho hàng xa xỉ (28/05/2013)

>   Đề án tái cơ cấu VNPT sẽ được trình trong tháng 9 (28/05/2013)

>   Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng (Vinashin): Vì sao chây ì, không chấp hành chỉ đạo cấp trên? (28/05/2013)

>   Hiệu quả từ chính sách kích cầu về tiêu thụ ximăng (28/05/2013)

>   Sửa luật để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (28/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật