Lãi suất cho vay: Mục tiêu 8-9%/năm!
So với thời điểm cuối năm 2011 - đầu năm 2012, lãi suất hiện đã giảm khá mạnh. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh chung, mặt bằng lãi suất vẫn đang ở mức khá cao là một trong những nguyên nhân cơ bản làm triệt tiêu động lực và tinh thần kinh doanh. Tiếp tục kéo giảm mặt bằng lãi suất vẫn đang là một yêu cầu cấp thiết từ thực tế nền kinh tế. Và đợt kéo giảm lãi suất, đặc biệt lãi suất cho vay, được kỳ vọng sẽ tập trung vào cuối quý II đến đầu quý IV năm nay.
* Xu hướng lãi suất năm 2013
Lãi suất đã giảm nhưng chưa đủ?
Mặt bằng lãi suất vay được cho là đang ở mức từ 10-13%/năm. Theo NHNN, hiện còn khoảng 14% dư nợ vay ngân hàng đang phải chịu mức lãi suất trên 15%/năm, chủ yếu rơi vào nhóm các món vay trung và dài hạn. Tuy nhiên, sau đề nghị từ NHNN về việc các NHTM điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ bằng VND, bốn “ông lớn” là các ngân hàng Vietcombank (VCB), BIDV (BID), Vietinbank (CTG) và Agribank đã đồng thuận điều chỉnh giảm lãi suất cho vay về mức tối đa 13%/năm áp dụng từ ngày 13/5/2013.
Như vậy mặt bằng lãi suất cho vay đã hạ từ 6-9%/năm so với thời điểm cuối năm 2011 – đầu năm 2012. Cũng theo NHNN, tốc độ tăng dư nợ tín dụng ngân hàng, dù đã có chút cải thiện so với cùng kỳ năm trước, tính tới cuối tháng 4 cũng chỉ đạt 1.4%. Giảm mạnh lãi suất cho vay không phải là một nhân tố đáng kể để cải thiện tăng trưởng tín dụng ngân hàng?
Vẫn biết có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng dư nợ tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, người viết cho rằng, xét trong bối cảnh chung hiện nay, mặt bằng lãi suất vẫn khá cao là nguyên nhân cơ bản của tốc độ tăng thấp dư nợ tín dụng ngân hàng nói riêng và sự sụt giảm khá mạnh so với các năm trước của tổng vốn đầu tư toàn xã hội nói chung.
Một câu hỏi nên được đặt ra: liệu mặt bằng lãi suất cho vay đã “rơi” về mức đủ để các dự án vay vốn có được hiệu quả kinh doanh tối thiểu chấp nhận được, tạo động lực kinh doanh; khôi phục và vực dậy tinh thần kinh doanh đang ở mức quá thấp hiện nay? Đó là chưa kể, với chi phí vốn cao như thế, sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước đang mất đi tính cạnh tranh so với sản phẩm của doanh nghiệp các nước trong khu vực do giá thành sản xuất bị đẩy lên cao.
Với mặt bằng lãi suất vẫn khá cao hiện nay, người viết có một cảm nhận rằng, không chỉ tín dụng ngân hàng, hầu hết các kênh dẫn vốn trong nền kinh tế cũng đang bế tắc. Vốn dường như đang không “chảy” mà “đứng im”! Mặt bằng lãi suất hiện nay của Việt Nam chưa đủ tạo động lực kinh tế kích thích dòng vốn chảy vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Có thể có quan ngại về việc giảm mạnh lãi suất sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động huy động của các ngân hàng. Người viết cho rằng, dù các NHTM có giảm mạnh lãi suất huy động như đầu tháng 5 này, vốn huy động vài tháng tới sẽ vẫn tiếp tục tăng khá.
Kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay 8-9%/ năm
Tái cơ cấu nền kinh tế nói chung, thị trường tài chính – tiền tệ nói riêng cần kiên định theo hướng giảm tỷ trọng tín dụng ngân hàng, tăng tỷ trọng vốn từ các kênh phi ngân hàng cũng như trả lại thị trường tiền tệ vai trò và chức năng cơ bản cung cấp vốn lưu động (ngắn hạn). Thiết nghĩ, NHNN một mặt vẫn sử dụng công cụ hạn mức tín dụng, mặt khác nên tiếp tục điều hành giảm mặt bằng lãi suất tạo điều kiện cho tiến trình tái cơ cấu theo định hướng nêu trên.
Hơn nữa, tiếp tục kéo giảm mặt bằng lãi suất nói chung, lãi suất cho vay nói riêng đang là một yêu cầu rất thiết thực từ nền kinh tế, giúp cải thiện đáng kể hiệu quả kinh tế của các dự án kinh doanh bao gồm các dự án vay vốn ngân hàng, đem lại động lực và tác động tích cực đến tinh thần kinh doanh. Nguồn vốn đang nằm im bị “đánh thức” chảy vào hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ đóng vai trò là những khoản đầu tư mới bổ sung đáng kể cho tổng cầu không chỉ giúp giải quyết hàng tồn kho hiện nay mà có thể còn kích hoạt một chu kỳ kinh tế mới.
Người viết cho rằng, NHNN nên điều hành chính sách tiền tệ theo hướng tiếp tục kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay về 8-9%/năm vào thời điểm cuối 2013 - đầu 2014. So với mặt bằng hiện nay, mức điều chỉnh như thế cũng là chấp nhận được. Thậm chí sau giai đoạn này, mặt bằng lãi suất có thể tiếp tục được điều hành theo hướng giảm thêm nữa với tốc độ chậm hơn trên cơ sở tính đến động thái chính sách lãi suất nói riêng, chính sách tiền tệ nói chung của các NHTW cũng như diễn biến thị trường tài chính – tiền tệ thế giới; tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính – tiền tệ nói riêng của Việt Nam; diễn biến giá cả và lạm phát trong nước và thế giới...
Thực tế, đầu tháng 5 này, một số ngân hàng lớn đã giảm khá mạnh lãi suất huy động. Thậm chí Agribank đã hạ lãi suất tiết kiệm khách hàng cá nhân kỳ hạn 1 tháng về 5%/năm. Sau động thái đó, các NHTM khác có thể sẽ bắt đầu bước vào một đợt giảm lãi suất, đặc biệt lãi suất cho vay mà cuối quý II đến đầu quý IV này được cho là thời điểm thuận lợi.
Và mặt bằng lãi suất cho vay 8-9%/năm được kỳ vọng trở thành hiện thực vào thời điểm cuối năm 2013 – đầu năm 2014.
Phạm Tường Phán (Vietstock)
Infonet
|