Nghị định 53: VAMC xử lý nợ xấu chủ yếu vẫn bằng cách bơm tiền
Sau nhiều lần trì hoãn cuối cùng quyết định thành lập Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) đã được thông qua. So với dự thảo trước đây, những quy định về hoạt động của VAMC đã có nhiều tiền bộ khi đưa thêm phương án “thị trường” vào việc xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên, xét kỹ chúng ta cũng thấy việc xử lý nợ xấu theo Nghị định 53/2013/NĐ-CP chủ yếu vẫn bơm tiền thông qua “trái phiếu đặc biệt”. Ngoài ra, VAMC cũng thiếu động lực để xử lý nợ và hệ quả của nó là có thể gây áp lực lên lạm phát trong tương lai và làm giảm hiệu quả của nền kinh tế.
Xử lý nợ xấu kiểu Việt Nam
Mục tiêu cuối cùng của xử lý nợ xấu là để thu hồi được vốn vay. Kinh nghiệm ở hầu hết các quốc gia cho thấy AMC thường phải mua lại nợ xấu của ngân hàng bằng “tiền thật” và sau đó tìm cách xử lý khoản nợ này. Việc xử lý nợ xấu thường vô cùng phức tạp và mất một khoảng thời gian tầm 5 năm. Bên cạnh đó, yếu tố không thể thiếu được chính là nguồn lực tài chính dồi dào. Thông thường nguồn lực này là ngân sách chính phủ hoặc vay mượn từ bên ngoài quốc gia.
Nghị định 53 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC mà Chính phủ vừa ban hành khá khác biệt. Việc phát hành trái phiếu đặc biệt để tạo dựng nguồn vốn cho VAMC được một số chuyên gia ca ngợi là sáng tạo vì không cần dùng đến ngân sách. Bên cạnh đó VAMC cũng có chức năng mua bán nợ xấu theo giá thị trường và xử lý như một AMC thông thường của các quốc gia khác.
Trái phiếu mà VAMC phát hành cho doanh nghiệp để “hoán đổi” nợ xấu theo đúng giá trị còn lại của khoản nợ (nợ gốc trừ khoản tiền đã được tổ chức tín dụng trích lập cho khoản nợ đó). Tuy nhiên, đúng như tên gọi của nó, trái phiếu đặc biệt ở chỗ lãi suất 0% và hàng năm ngân hàng vẫn phải trích lập 20% mệnh giá trái phiếu cho dự phòng rủi ro. Ngoài ra, khi hết hạn hoặc đã trích lập dự phòng đủ số nợ xấu và nếu nợ xấu chưa được VAMC xử lý thì TCTD phải mua lại nợ xấu từ VAMC bằng chính trái phiếu mà VAMC phát hành.
Lợi ích mà TCTD nhận được là đem trái phiếu đặc biệt này đến NHNN chiết khấu để mượn tiền. Bên cạnh đó họ còn kỳ vọng VAMC sẽ xử lý nợ xấu tốt hơn khi nhận được nhiều chế độ ưu đãi và có nhiều quyền lực hơn. Tuy nhiên, theo Nghị định 53 mức lãi suất sẽ do Thủ tướng quyết định và tỷ lệ được tái cấp vốn do NHNN quyết định. Như vậy, rõ ràng sự hấp dẫn của trái phiếu đặc biệt vẫn là ẩn số. Trong khi đó, hiệu quả xử lý nợ của VAMC thì cũng chưa có gì chắc chắn.
Đối với chức năng xử lý nợ xấu theo tính thị trường, tức là mua nợ xấu theo giá thị trường và VAMC phải thực hiện quá trình xử lý nợ giống như một AMC thông thường dường như là thứ yếu. Bởi lẽ, để xử lý nợ xấu một cách bài bản theo cách này thì cần phải có một nguồn lực rất lớn, cả nhân lực và nguồn vốn… Trong khi đó, Nghị định 53 vẫn chưa hề đề cập tới việc huy động vốn của VAMC như thế nào để có nguồn vốn mua nợ và những giải pháp về nguồn nhân lực để xử lý nợ xấu theo hướng thị trường.
Mấu chốt vẫn là bơm tiền
Phương án huy động vốn bằng trái phiếu đặc biệt nhiều người cho là sáng tạo thực tế lại là một công cụ hết sức thô sơ. VAMC không phải trích lập dự phòng khi mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt và cũng không chịu áp lực phải xử lý nợ xấu vì nếu không xử lý được thì TCTD phải mua lại đúng bằng mệnh giá. Ngoài ra, VAMC cũng không phải trả lãi cho trái phiếu đặc biệt nên không phát sinh chi phí liên quan đến trái phiếu. VAMC có thể bán nợ xấu, bán tài sản đảm bảo hoặc các hình thức thu hồi nợ vốn khác bằng bất kỳ giá nào cũng không sợ lỗ và lại được hưởng “hoa hồng” khi xử lý được nợ xấu.
Đối với ngân hàng thì họ phải mạo hiểm trao nợ xấu vào tay VAMC xử lý mà không có bất kỳ ràng buộc gì. Tuy nhiên, rất may cho ngân hàng, một lối mở cho việc xử lý nợ xấu đó là việc ủy quyền lại cho chính ngân hàng đã bán nợ xấu để tiếp tục xử lý nợ.
Mấu chốt của việc xử lý nợ xấu này chính là việc trái phiếu đặc biệt được TCTD mang đến NHNN làm vật thế chấp để vay tiền. Như vậy, với những ngân hàng nợ xấu cao thì khi bán nợ cho VAMC họ có thể vay mượn tiền từ NHNN. Những ngân hàng mất khả năng thanh khoản trầm trọng do nợ xấu cao sẽ nhận được nguồn tiền để tiếp tục tồn tại. Mỗi năm họ chỉ phải trích lập dự phòng 20% nợ xấu trong vòng 5 năm thay vì phải trích lập dự phòng ngay lập tức.
Như vậy, việc xử lý nợ này chủ yếu vẫn là NHNN bơm tiền vào TCTD có nợ xấu cao để lấp lỗ hổng khi bị xử lý. Đối với tổ chức có nợ xấu thấp hoặc có thể che dấu nợ xấu thì họ sẽ không bán nợ cho VAMC. Việc VAMC không dùng đến “tiền thật” để xử lý nợ xấu là một đặc thù ở Việt Nam và đó không phải là một sáng tạo khôn ngoan như nhiều người đã lầm tưởng. Dù có giải pháp “thị trường” nhưng quá trình xử lý nợ xấu chỉ tập trung vào vấn đề “kỹ thuật” sẽ khó mang lại kết quả như mong đợi. Ngược lại, nó tạo ra rủi ro lớn cho nền kinh tế khi tiền được NHNN bơm tiền cho các ngân hàng để trám lỗ hổng nợ xấu.
Huỳnh Bá (Vietstock)
Infonet
|