Chứng khoán sẽ được “tiếp sức” từ dòng vốn rẻ
Các chuyên gia chứng khoán đều cho rằng, việc hạ lãi suất là tin tốt đối với các DN niêm yết và là thông tin tích cực đối với TTCK.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) vừa đi tiên phong trong việc hạ lãi suất huy động xuống còn 6%/năm (áp dụng từ ngày 6/5), cho thấy khả năng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục xu hướng giảm là chắc chắn. Vậy điều này sẽ tác động như thế nào đến TTCK?
TTCK sẽ ấm dần
Trao đổi với ĐTCK, ông Trần Đắc An, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, CTCK Tân Việt (TVSI) cho rằng, chứng khoán là một trong các kênh thu hút vốn đầu tư, do vậy các biến động của TTCK phụ thuộc nhiều vào dòng chảy của nguồn vốn đầu tư toàn nền kinh tế. Việc các ngân hàng công bố giảm lãi suất huy động xuống 6%/năm có thể coi là một tín hiệu cho thấy dòng vốn đầu tư chảy vào kênh tiết kiệm đang dư thừa.
Bên cạnh đó, thông thường, dòng vốn đầu tư luôn có xu hướng tìm đến những kênh đầu tư hiệu quả nhất. Chính vì thế, với tín hiệu giảm lợi suất đầu tư vào tiền gửi tiết kiệm, một phần dòng vốn này sẽ tìm đến các kênh đầu tư khác trong đó có chứng khoán. Theo ông An, việc giảm lãi suất của các ngân hàng lớn là tín hiệu tích cực cho TTCK, không chỉ bởi kênh đầu tư này có thể được đón dòng vốn rẻ hơn mà còn được lợi khi dòng tiền chọn chứng khoán thay vì kênh tiết kiệm.
Lãi suất tiết kiệm giảm mạnh có thể kích thích dòng vốn chảy vào chứng khoán
|
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Môi giới, CTCK MHBS cũng đồng quan điểm khi cho rằng, việc hạ lãi suất là tin tốt đối với các DN niêm yết và là thông tin tích cực đối với TTCK. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, rất nhiều công ty đang phải chịu áp lực chi phí lãi vay lớn, kể cả các công ty đã vốn hóa một phần chi phí này vào nguyên giá tài sản cố định hay vào hàng tồn kho như một số DN ngành công nghiệp và bất động sản. Theo ông Lân, việc hạ lãi suất đầu vào (từ đó có căn cứ để hạ lãi suất đầu ra) của một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất như VCB là dấu hiệu tốt giúp DN “dễ thở” hơn trong việc vay vốn.
Theo CTCK Bản Việt (VCSC), động thái tiên phong giảm lãi suất của VCB khiến nhà đầu tư nhớ lại VCB cũng là ngân hàng đầu tiên hạ lãi suất xuống 7,5%/năm từ mức 8% trước khi NHNN chính thức giảm trần lãi suất huy động 0,5% xuống mức này. Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi động thái này khiến thị trường suy đoán rằng, NHNN có thể cũng sẽ xem xét giảm lãi suất, dự kiến xuống còn 7%/năm, mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Điều này có thể được thực hiện nhờ xu hướng lạm phát hiện đang ổn định ở mức thấp.
Ngành nào sẽ được hưởng lợi nhất?
Việc các ngân hàng có xu hướng giảm lãi suất huy động cũng cho thấy thanh khoản của hệ thống đang dư thừa, do vậy lãi suất cho vay chắc chắn sẽ được tiếp tục điều chỉnh giảm để tăng trưởng dư nợ.
Rõ ràng, lãi suất cho vay sẽ giảm, nhưng từ việc giảm lãi suất huy động đến khi phản ánh vào lãi suất cho vay sẽ còn cần thời gian nhất định với mức giảm được trông đợi là 0,5 - 1%/năm. Đại diện VCSC cho rằng, với việc điều chỉnh không đồng đều giữa các kỳ hạn, đường cong lãi suất giảm mạnh hơn đối với các kỳ hạn ngắn và có thể trở lại trạng thái thông thường, phản ánh việc nới lỏng cả chính sách tài khóa lẫn tiền tệ. Điều này là một tín hiệu tích cực cho thấy, nền kinh tế đang dần dần thoát qua giai đoạn khó khăn và chuyển qua giai đoạn tiền phục hồi. Nó cũng giúp cho dòng vốn chuyển dịch nhiều hơn vào những công ty rủi ro và có tính chu kỳ kinh tế như là bất động sản, ngân hàng. Những DN đang chịu lãi suất cao như công ty xây dựng và bất động sản sẽ là những đơn vị được giảm áp lực nhiều nhất trong việc hạ lãi suất, và cổ phiếu của DN nhóm ngành này thường cũng phản ứng nhanh nhạy hơn trên TTCK so với nhóm cổ phiếu khác.
Có thể thấy, lãi suất vay giảm sẽ giúp các DN giảm chi phí tài chính, tăng hiệu quả hoạt động và có lợi cho toàn bộ nền kinh tế. Về lý thuyết thì các DN nào có dư nợ lớn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Tuy nhiên, theo ông An, cần xem xét bản thân DN đó sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả không? Nếu DN có dư nợ lớn, nhưng doanh thu giảm, không có lợi nhuận thì khoản vay này vẫn là gánh nặng. Nếu DN có doanh thu tăng trưởng đều đặn trong vài năm vừa qua, có dự án mở rộng sản xuất đang triển khai thì khoản vay đó là nguồn đầu tư cho kết quả kinh doanh khả quan sau này. Như vậy, các DN được hưởng lợi nhất từ giảm lãi suất vay chính là các DN có doanh thu tăng trưởng trong các năm vừa qua và có dự án mở rộng sản xuất - kinh doanh hiệu quả.
Hải Vân
đầu tư chứng khoán
|