Chết khô với biệt thự nghỉ dưỡng ven đô
Phát triển thiếu đồng bộ, nhỏ lẻ, manh mún và đói vốn khiến không ít dự án bất động sản nghỉ dưỡng một thời rùm beng giờ dở dang, thậm chí có khả năng dẫn đến phá sản. Lý do khác là các dự án này quá bí đầu ra.
Âm thầm rời bỏ thị trường
Từ năm 2011, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã chững lại và đến năm 2012, tình hình trở nên tồi tệ hơn. Không có nhiều giao dịch thành công trên các thị trường sơ cấp và thứ cấp. Không ít doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng đang lao đao phải thu hẹp phạm vi hoạt động, đứng trước nguy cơ phá sản.
Sự phát triển của bất động sản nghỉ dưỡng vùng ven Hà Nội thời những năm gần đây khá rầm rộ, tuy vậy, có dự án phát triển đồng bộ, có dự án thì mới chỉ dừng lại ở việc đầu tư dở dang, thiếu chiến lược lâu dài.
Thực tế cho thấy, hai năm trở lại đây, nhiều chủ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng đã phải “bỏ của chạy lấy người”. Không đủ sức để tồn tại, nhiều doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng đã âm thầm rời bỏ thị trường.
Trong khi đó những đơn vị còn trụ lại đang tìm mọi cách xoay sở. Để tồn tại, họ chỉ còn cách thay đổi mình hoặc cơ cấu lại sản phẩm. Theo đó, một số chủ đầu tư điều chỉnh cơ cấu sản phẩm theo hướng tập trung phát triển các sản phẩm có diện tích vừa và nhỏ, giá bán vừa phải để dễ bán và thu tiền nhanh.
Từ năm 2011 trở về trước, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng được thống trị bởi các dự án biệt thự có giá hàng chục tỷ đồng mỗi căn. Nhưng nay để tồn tại có khách hàng, các chủ đầu tư đã đưa ra những biệt thự có diện tích vừa phải, giá mềm.
Nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng tung hàng ra bán gần đây cũng chỉ rao 2-3 tỷ đồng/căn, thay vì loại sản phẩm trên 5 tỷ đồng/căn như trước. Thậm chí, có những căn biệt thự được cho là nghỉ dưỡng trên núi giá chỉ vài trăm triệu đồng.
Một dự án biệt thự ở Ba Vì đã đại hạ giá từ 30 tỷ đồng/căn xuống chỉ 2-3 tỷ đồng/căn bằng cách thay đổi lại thiết kế và chia nhỏ diện tích. Tuy nhiên, sau thời gian rầm rộ truyền thông, dự án đang dần đi vào im lặng bởi chưa có động thái nào từ chủ đầu tư trong việc khởi động dự án. Ngay cả dự án đình đám biệt thự nghỉ dưỡng 5 sao một thời hiện cũng rơi vào tình trạng bỏ hoang, chủ đầu tư còn phải hầu kiện vì phá sản.
Anh Nguyễn Hoài Nam, một nhà đầu tư bất động sản lâu năm, cho biết: “Người đầu cơ phải bán tháo cắt lỗ đã khiến giá giảm sâu. Thậm chí, không ít chủ đất sẵn sàng bán đất nền với mức giá chỉ vài trăm triệu đồng/lô để thu tiền về. Nhưng khi thị trường trầm lắng, nguồn cung ngày một nhiều, thị trường ít giao dịch là điều dễ hiểu”.
Khó sống
Đại diện một chủ đầu tư dự án thừa nhận, do tình hình thị trường bất động sản ngày càng xấu đi, nếu cứ giữ nguyên thiết kế ban đầu thì việc bán biệt thự sẽ càng khó. Bản thân vị này cũng thừa nhận đang phải xoay sở đủ kiểu để bán được hàng hòng mong có tiền tiếp tục triển khai dự án.
Đối với những dự án nghỉ dưỡng vùng ven, lợi thế được khách hàng quan tâm là giá rẻ và tiềm năng lâu dài. Mặc dù vậy, không ít khách hàng đã ngậm đắng khi chi hàng tỷ đồng vào các dự án bỏ hoang.
Thực tế, nếu xét về tổng thể các dự án bất động sản nghỉ dưỡng khu vực ven đô, số dự án được phê duyệt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các dự án phát triển ồ ạt trước đây chỉ núp bóng dưới hình thức gom đất chia lô xây biệt thự. Chính vì thế, mức độ rủi ro tương đối cao, không ít khách hàng rơi vào thế mắc kẹt. Việc giảm giá chia nhỏ biệt thự sẽ khiến cho dự án phát triển manh mún, thiếu đồng bộ. Hầu hết các dự án hiện chưa có hạ tầng, nên không hấp dẫn khách mua.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, một chuyên gia BĐS, cho rằng, các sản phẩm 2,3 triệu đồng/m2 không phải là sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp và đích thực, đó chỉ là nhà vườn hoặc bán đất. Các biệt thự nghỉ dưỡng quanh Hà Nội chưa đủ tiêu chuẩn và chưa đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp và khẳng định phong cách sống, đẳng cấp của một số khách hàng nên họ phải tìm tới biệt thự 5 sao tại miền Trung, Nam và nước ngoài.
Tác hại của cách đầu tư này cũng không nhỏ khi các dự án đã biến hàng ngàn héc-ta đất nông - lâm nghiệp thành những vùng đất bị băm vằm nham nhở rồi bỏ hoang. Kèm theo đó là hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư bị “chôn” vào đất, mà không tạo nên bất cứ giá trị gia tăng nào cho xã hội.
Duy Anh
diễn đàn kinh tế việt nam
|