Thứ Sáu, 12/04/2013 10:28

Tự doanh chứng khoán: Tự bạch của một người trong cuộc

“Sức ép của trader là rất cao, nhiều lúc không chỉ là đồng lương đồng thưởng, mà còn là cả danh dự. Trong hoạt động trading thì chiến thắng bản thân nhiều hơn là chiến thắng các đối thủ khác. Chiến thắng bản thân là kiềm chế lòng tham, chấp nhận sai lầm, giải tỏa bế tắc, chấp nhận dừng cuộc chơi khi mất phương hướng”.

Quản lý rủi ro luôn là ưu tiên hàng đầu của các tổ chức chứ không phải mục tiêu lợi nhuận.

Người đứng đầu bộ phận tự doanh giao dịch hàng ngày (hay được gọi là head trader) của một công ty chứng khoán lớn trên thị trường chia sẻ như vậy với VnEconomy chuyện bếp núc công việc với những áp lực và nguyên tắc ứng xử trên thị trường. Anh cũng xin được giấu tên và danh tính công ty.

Ứng xử nhanh theo thị trường

Tôi nghe nói làm head trader chịu nhiều áp lực lắm và tính cách của trader thường rất nóng nảy. Anh đã đập vỡ cái bàn phím máy tính nào hay chưa?

Bản thân tôi thì chưa đập cái gì cả, nhưng đúng là áp lực thì rất nhiều. Áp lực không chỉ từ đồng nghiệp, lãnh đạo công ty mà còn là áp lực từ chính bản thân mình. Đâu phải lúc nào mình cũng đúng, cũng chiến thắng được thị trường? Nhiều lúc suy nghĩ về một tình huống, một kế hoạch mà mất ngủ đến 3-4 giờ sáng là bình thường vì quyết định phải đưa ra ngay trong phiên giao dịch ngày mai. Còn chuyện miên man suy nghĩ đi lướt qua đồng nghiệp hay lãnh đạo mà quên chào là thường xuyên!

Vậy anh đã có thời điểm nào bối rối, mất phương hướng hay chưa?

Cái này là thường xuyên. Vấn đề quan trọng là trong trạng thái như vậy, anh hành động thế nào. Không ai có thể nhìn xuyên suốt được thị trường. Với tôi, nếu danh mục đang lãi thì cho phép mình do dự. Nếu danh mục bấp bênh ở ranh giới sắp lỗ mà bản thân vào trạng thái mất phương hướng thì sẽ cắt hết để đứng ngoài. Quan điểm của tôi là kiểm soát tối đa rủi ro, chấp nhận lợi nhuận vừa phải, thậm chí là thấp.

Nôm na thì tự doanh được công ty đưa cho một cục tiền và có nhiệm vụ kinh doanh kiếm lợi. Cục tiền đó được phân bổ như thế nào?

Để vận hành nguồn vốn tự doanh thì phải có quy chế hoạt động tự doanh, trong đó có quy định về phân bổ vốn, biện pháp hạn chế rủi ro, trách nhiệm, quyền hạn của mỗi thành viên trong nghiệp vụ tự doanh.

Hoạt động tự doanh thời kỳ trước thì nhiều công ty coi là mũi nhọn trong nâng cao tài sản. Nhưng về lâu dài thị trường khó khăn thì sẽ cắt giảm dần, để một tỉ lệ phân bổ vốn an toàn chứ không để toàn bộ vốn điều lệ vào tự doanh. Ngưỡng an toàn khoảng 50% so với vốn chủ sở hữu trở lại. Đây là mức phân bổ vốn an toàn giúp doanh nghiệp pháp triển hài hòa, không quá rủi ro với những biến động thị trường.

Quy chế hoạt động tự doanh của công ty cũng có quy định rất rõ trách nhiệm và quyền hạn của từng cá nhân. Head trader thì được quyền quyết định vị thế bao nhiêu, ông Tổng giám đốc quyết bao nhiêu. Dĩ nhiên là phải có một hội đồng đầu tư với những quy định cụ thể, chẳng hạn đến mức đầu tư nào thì phải thông qua Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Bản thân mỗi thành phần đều được phân theo cấp để phê duyệt hạn mức đầu tư thì cũng có những ràng buộc để tránh quyết định một cách chủ quan, duy y chí, tùy tiện.

Ngoài ra hoạt động tự doanh còn phải tuân theo các tiêu chí về lựa chọn doanh nghiệp, có hạn mức phân bổ cụ thể, thời gian nắm giữ rõ ràng. Thẩm quyền quyết về hạn mức vốn cũng phụ thuộc vào tính chất của giao dịch. Chẳng hạn là hoạt động trading hàng ngày thì head trader có quyền quyết một mức nhất định, phụ thuộc vào tính thanh khoản, chỉ số cơ bản của doanh nghiệp đó…

Mức phân bổ vốn của anh với vai trò một head trader trong hoạt động trading hàng ngày là bao nhiêu?

Tôi được quyền quyết đối với các vị thế tối đa là 10 tỷ đồng.

Vậy các trader dưới quyền anh thì được phân bổ nguồn vốn cụ thể bao nhiêu cho hoạt động trading hàng ngày?

Thực ra năm nay công ty tôi phân bổ nguồn vốn không nhiều cho hoạt động trading nên các trader không có quyền ứng xử trực tiếp trên thị trường.

Vậy trong trường hợp nhận thấy cơ hội lớn và an toàn, liệu head trader có quyền vượt hạn mức hay không?

Hạn mức này cũng là một ranh giới mềm vì tính ứng xử nhanh theo thị trường. Trong một vài trường hợp vị thế có thể tăng lên 20-30 tỷ đồng ngay tức khắc nhưng phải thông báo cho hội đồng đầu tư đồng thời tuân theo danh mục và phương án đã có sẵn, và không được vượt quá quy mô tổng nguồn vốn lên kế hoạch từ đầu. Trường hợp phát sinh như vậy chỉ cần gửi e-mail thông báo để “vote” ngay trong phiên là hạn mức của tôi có được nâng lên hay không. Điều này phải có kế hoạch ứng xử từ trước để tất cả các thành viên tập trung xử lý trường hợp phát sinh này bên cạnh những công việc thường ngày.

Các thành viên hội đồng đầu tư có thể san xẻ cho nhau. Chẳng hạn anh Tổng giám đốc được cấp hạn mức cao gấp đôi tôi. Khi hàng ngày đã theo dõi danh mục vận hành, cách ứng xử với thị trường của tôi thì có thể đánh giá tôi có tỉnh táo trong những trường hợp như vậy không.

Ở đây có sự trơn chu trong quá trình vận hành hệ thống, sự tin cậy cũng như tính nhạy bén của người lãnh đạo. Đôi khi người lãnh đạo phải biết được các trader của mình có bối rối, lúng túng và bị sức ép của chính thị trường cũng như đồng nghiệp. Chẳng hạn trạng thái khi thị trường tăng, vị thế không đem lại lợi nhuận, trader giữ vị thế đó sẽ bị sức ép và bị rối, có thể dẫn đến những quyết định mất phương hướng. Sự chia sẻ của lãnh đạo lúc đó là rất quan trọng, có thể chấp nhận dừng cuộc chơi hoặc có phương án xử lý khác tốt hơn với quan điểm là không để mất tiền. Bản thân tôi cũng làm như vậy với các trader dưới quyền.

Kế hoạch luôn phải lên trước từ đầu phiên

Quy trình cụ thể đối với việc lựa chọn danh mục trading của công ty như thế nào?

Hoạt động trading không thể gò bó các quy trình “thưa bẩm” quá dài. Tín hiệu thị trường là rất nhanh và trading là phải theo thị trường. Nếu cứ phải làm kế hoạch, trình các cấp phê duyệt, triệu tập hội đồng đầu tư thì không kịp. Hội đồng đầu tư sẽ xét duyệt danh mục tiềm năng cho hoạt động trading từ đầu quý hoặc đầu năm. Thực ra việc lên danh mục trading cũng tạo khoảng rộng đủ để có các quyết định linh hoạt.

Danh mục này đã được phân tích bài bản, lên các phương án cụ thể, lấy ý kiến các thành phiên hội đồng đầu tư. Bộ phân phân tích sẽ đưa ra ý kiến độc lập đối với các phương án của ban đầu tư.

Các khâu cụ thể để lên một danh mục đầu tư cuối cùng là: đề xuất phương án, thẩm định và cuối cùng là phê duyệt. Tất cả các bộ phận đều có thể đề xuất phương án và mỗi bộ phận tự phân tích phương án của mình. Sau đó chắt lọc ra một phương án tối ưu. Khi đó bộ phận phân tích bắt đầu soi vào và có ý kiến độc lập, phân tích lại để xây dựng danh mục cuối cùng. Danh mục này phải đưa ra bảo vệ trước hội đồng đầu tư.

Vậy có khi nào xuất hiện mâu thuẫn giữa tính cơ bản với tính thị trường của các cổ phiếu trong danh mục không?

Các mâu thuẫn đó phải được xem xét kỹ lưỡng. Một cổ phiếu tốt về mặt cơ bản nhưng có thể không tốt về mặt thị trường như thanh khoản thấp. Bộ phận phân tích và bộ phận tự doanh có thể thảo luận với nhau và ưu tiên hơn thuộc về tự doanh vì họ sẽ là người trực tiếp tham gia thị trường tại những cổ phiếu đó. Có những cách để hài hòa mâu thuẫn. Chẳng hạn cổ phiếu tốt, thanh khoản kém thì có thể giảm tỉ trọng phân bổ vốn xuống.

Trong công ty chỉ có head trader được phân hạn mức, vậy mối quan hệ cụ thể giữa head trader với các trader dưới quyền như thế nào?

Các bạn trader sẽ lên các kế hoạch, phương án, danh mục, làm tổng kết hàng ngày và gửi lên cho tôi. Ví dụ danh mục có 5 mã, các bạn sẽ đóng góp ý kiến, nên chủ đạo ở mã nào, chiến lược trading cụ thể và cùng bàn bạc. Khi đó head trader nhận thấy trader nào có phương án tối ưu thì sẽ được phân công trực tiếp xử lý trong ngày. Vai trò chính của head trader là định hướng, lựa chọn người phù hợp, chiến lược phù hợp và phân giao công việc, kiểm soát hoạt động theo chiến lược đã định.

Việc kiểm soát các vị thế, cân bằng danh mục diễn ra hàng ngày?

Tôi yêu cầu các trader phải cập nhật vị thế ngay trong phiên. Thậm chí khớp lệnh đến đâu phải báo cáo đến đó để tôi cân bằng được giá trị danh mục tổng thể. Khi một trader đã tập trung tối đa vào công việc của mình, họ đâu có hình dung được các mã khác biến động thế nào và tổng thể danh mục trading của bộ phận như thế nào?

Đôi lúc người head trader cũng phải can thiệp vào công việc cụ thể. Nhiều trường hợp các trader cũng lúng túng, mất phương hướng. Chẳng hạn, kế hoạch ban đầu là nếu phiên hôm nay có một cú hồi, chúng ta sẽ bán ra ở khoảng mức bao nhiêu, khối lượng nào. Nhưng đôi khi giá hồi quá mạnh và trader lại có tâm lý chờ thêm nữa, tức là chấp nhận rủi ro cao hơn. Khi đó head trader là người chịu trách nhiệm chính phải ra quyết định, tạo yếu tố tâm lý để các trader quả quyết hơn.

Vậy trong hoạt động trading thực tế, việc kiểm soát phân bổ vốn cho từng cổ phiếu cụ thể như thế nào?

Kế hoạch luôn phải lên trước từ đầu phiên và các giao dịch cơ bản tuân thủ kế hoạch này. Kế hoạch đã dự kiến khoảng giá cụ thể, cách ứng xử mua bán cụ thể. Tuy nhiên vẫn có những lúc phải phản ứng nhanh. Chẳng hạn ban đầu dự kiến thoát danh mục 30 tỷ đồng trong vài phiên, nhưng đột biến thị trường có thể quyết thoát toàn bộ ngay trong một phiên.

Việc phân chia trách nhiệm trong hoạt động trading của bộ phận như thế nào?

Head trader chịu hoàn toàn trách nhiệm cho các giao dịch.

Như thế các giao dịch thua lỗ ở từng cổ phiếu cụ thể do các trader cụ thể phụ trách cũng chỉ người đứng đầu chịu?

Việc phân quyền rất rõ ràng. Các trader không được phân bổ vốn thì cũng không phải chịu tránh nhiệm về rủi ro. Quan hệ quyền lợi/rủi ro phải rõ ràng. Quyền càng cao thì trách nhiệm càng lớn. Chẳng hạn nếu tôi vượt hạn mức thì những người đồng ý cũng phải chịu trách nhiệm cùng.

Công ty có cơ chế nào để tăng hạn mức phân bổ vốn cho hoạt động trading hay không, chẳng hạn tăng theo tỉ lệ lợi nhuận kiếm được?

Kế hoạch phân bổ vốn đã được hoạch định từ đầu năm và do hội đồng đầu tư quyết định, chẳng hạn bao nhiêu phần trăm của vốn chủ sở hữu sẽ được dùng trong năm nay. Kế hoạch này khá dài hơi và con số cũng cố định trong một thời gian. Chẳng hạn năm nay kế hoạch chúng tôi tham gia thị trường 150 tỷ đồng thì thẩm quyền của tôi cũng tương xứng với một tỉ lệ nào đó. Ngoài cái khung chiến lược của hội đồng đầu tư thì bộ phận trading cũng đề xuất chiến lược và tỉ trọng hạn mức đầu tư. Chẳng hạn trong 100 tỷ thì hạn mức cho trading khoảng 30 tỷ, nếu là 150 tỷ thì khoảng 50 tỷ.

Công ty có cơ chế khuyến khích nào cho các trader không?

Đương nhiên là có phần bonus (phần thưởng - PV) tính trên phần lợi nhuận ròng kiếm được. Chúng tôi có phân định rõ ở mức lợi nhuận kiếm được thế này thì thưởng bao nhiêu, phân bổ về từng trader bao nhiêu. Cơ chế như vậy đương nhiên phải có.

Vậy con số cụ thể là bao nhiêu?

Trong khoảng 10-15% phần lợi nhuận ròng kiếm được tính theo năm và trên cơ sở giá trị đã chốt (đã bán) chứ không phải giá trị danh mục. Lợi nhuận trading ở đây là lợi nhuận ròng sau khi đã trừ đi tất cả các chi phí vốn. Ví dụ trading 10 tỷ, lời 5 tỷ thì phải tính cả lãi suất huy động vốn cũng như các chi phí khác liên quan đến hoạt động.

Anh đánh giá thế nào về mức thưởng như vậy?

Tôi nghĩ tỉ lệ như vậy là hài hòa. Cũng có người nghĩ là thấp quá, cũng có người nghĩ là hơi cao. Đối với người nghĩ thấp thì họ chưa nghĩ đến trường hợp nếu rủi ro xảy ra. Bản thân các trader không có ai bỏ tiền ra để bù thua lỗ cả. Nếu anh làm một việc không phải gánh chịu rủi ro thì làm sao anh đòi hỏi một con số lợi nhuận cao được? Tôi nghĩ mức 10-15% là con số hấp dẫn rồi. Nếu trading với một số tiền lớn và hiệu quả tốt thì khoản thưởng cũng không phải là nhỏ.

Quy trình quản lý rủi ro trong bộ phận trading của anh là như thế nào?

Có nhiều tiêu chí để hạn chế rủi ro. Chẳng hạn khi quyết định trading một cổ phiếu thì không được vượt quá khối lượng giao dịch bình quân của cổ phiếu đó trong một khoảng thời gian nhất định. Đó cũng là cơ sở để phân bổ vốn cho hợp lý. Còn về danh mục thì phải bảo vệ được về các yếu tố cơ bản từ đầu năm và được cập nhật theo quý như kết quả kinh doanh, chứ không phải cứ ngẫu hứng nhảy bổ vào mua một cổ phiếu. Khi phân tích cơ bản thì đã có sự đóng góp ý kiến của nhiều bộ phận, thậm chí cả tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp. Ngay cả hoạt động trading đặt lệnh cũng có phần mềm cảnh báo, chẳng hạn vượt quá giá trị nhất định là cảnh báo head trader ngay lập tức.

Đôi khi hoang mang như ở ngã ba đường

Về rủi ro thị trường thì sao?

Kế hoạch trading hàng ngày đã dự kiến các tình huống và có họp bàn trước. Ngưỡng cắt lỗ hiện tại là 8%. Mức này thuộc thẩm quyền của head trader. Mức này là tiêu chuẩn cho từng mã. Những trường hợp mà không thể cắt được như mất thanh khoản thì mức lỗ vượt 15% phải triệu tập hội đồng đầu tư. Thực tế thì mức lỗ 15% là thị trường đã diễn biến rất nhanh và mạnh, đòi hỏi bộ máy phải rất gắn kết và chia sẻ với bộ phận trading.

Vậy đâu là những tín hiệu rủi ro đầu tiên anh nhìn vào khi quản lý một danh mục trading hàng ngày?

Quan sát đầu tiên là xu hướng thị trường. Vận động của thị trường là trọng yếu. Khi xu thế đã mạnh thì rất ít cổ phiếu đi ngược lại. Cảnh báo thứ hai là các thông tin về doanh nghiệp. Tiếp nữa là các thông tin có thể gây sốc, chẳng hạn vụ bắt bớ vừa rồi. Một trader chỉ cảm nhận ảnh hưởng của thông tin từ yếu tố thị trường, như lượng bán lớn, giá sụt mạnh, tức là cảm nhận chỉ về phân tích kỹ thuật và giao dịch. Head trader phải có tầm nhìn bao quát hơn, đánh giá thông tin rộng hơn để quyết định, chẳng hạn thoát toàn bộ danh mục ngay lập tức.

Bộ phận trading có khi nào xung đột quan điểm với nhau hay không và cách xử lý như thế nào?

Đó là điều đương nhiên và tôi rất khuyến khích. Điều này giúp mọi người không tự tin thái quá, phải luôn vận động suy nghĩ thấu đáo vấn đề. Ngược lại, điều này đôi khi cũng khiến các trader rơi vào trạng thái hoang mang như đứng ở ngã ba đường.

Vai trò lúc đó thuộc về head trader. Lúc tranh luận thì các trader có vẻ căng thẳng nhất, nhưng thực ra head trader mới là người căng thẳng vì về nhà là các bạn đó không còn trách nhiệm gì nhưng tôi có thể mất ngủ để chọn một phương án hợp lý.

Trước khi làm head trader cho một tổ chức anh cũng đã từng đầu tư cá nhân. Vậy sự khác biệt lớn nhất là gì?

Đầu tư cá nhân ban đầu đương nhiên là lúc mới vào nghề đều manh mún, chưa có các khái niệm cơ bản như quản lý rủi ro. Thực ra trong đầu tư thì kinh nghiệm là quan trọng nhất. Khi mới vào nghề thì dễ tìm được một phương pháp hay hệ thống trading rất hiệu quả. Nhưng càng lâu sẽ càng nhận thấy hệ thống đó chỉ hiệu quả trong một giai đoạn thời gian nhất định, với một số cổ phiếu nhất định. Khi mở rộng hệ thống ra sẽ gặp rất nhiều sai lầm.

Khó khăn nhất là xử lý những mâu thuẫn trong chính hệ thống trading của mình, đến mức có thể thành “loạn chưởng”, rất ức chế. Thông thường khi đó người thiếu kinh nghiệm sẽ lấy cái sai lớn để sửa cái sai nhỏ, đi đến hết sai lầm này đến sai lầm khác.

Khi làm việc cho tổ chức, điều may mắn là có không gian riêng, không bị áp lực quá lớn. Những lúc tôi cảm thấy khó khăn đưa nhận định về thị trường thì tôi đứng ngoài, không tham gia. Nếu cứ cố gắng đưa ra một quyết định hay gượng ép phải tham gia thị trường vì một áp lực nào đó thì rất dễ dắt tay nhau “xuống núi” luôn.

Anh có nói đến sự khác biệt trong quản lý rủi ro giữa đầu tư cá nhân với làm việc cho tổ chức. Cụ thể là gì?

Đương nhiên là ở tầm tổ chức thì quy trình, quy chế là rõ ràng, khác biệt. Khi đầu tư với nguồn tiền của mình thì tâm lý chấp nhận rủi ro thường cao hơn. Khi sử dụng nguồn vốn của tổ chức thì phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt.

Vậy cảm nhận của anh thế nào khi những nhà đầu tư cá nhân ngoài kia kiếm lời cả 100% trong khi con số báo cáo của anh chỉ 20-25%?

Tôi cũng biết có những người nhân được 3 lần tài khoản còn tôi chỉ kiếm được có 3%. Tôi vẫn cảm thấy bình thường. Đó là cuộc chơi mà họ thắng, họ giỏi hơn mình. Nhưng trong đầu tư chứng khoán không ai nói tài được. Anh có thể giỏi ở chặng này nhưng lại thất bại ở chặng khác. Người kiếm được 300% có thể sẽ mất 300% ở lúc khác. Người chỉ kiếm được 3% lại chỉ mất đi 3% mà thôi.

Có vẻ như vấn đề nằm ở kỷ luật chấp nhận rủi ro/lợi nhuận?

Quá trình đầu tư là một chặng đường rất dài. Giá trị cần so sánh không phải là trong một phi vụ đầu tư nào đó. Mức độ chấp nhận rủi ro và lợi nhuận bao nhiêu là hợp lý là một lựa chọn không dễ dàng. Chẳng hạn với một thị trường đầu cơ, giá sẽ tăng đến một mức mà tôi thấy đủ, quá nữa thì không tốt và tôi thoát ra. Nhưng vì tính đầu cơ nên giá vẫn tăng tiếp, người giỏi có thể kiếm lời nhiều hơn, nhưng tôi chấp nhận đứng ngoài, hài lòng với những gì mình kiếm được và không còn rủi ro.

Với một khoản đầu tư cụ thể, mức lãi bao nhiêu là anh hài lòng?

20%. Trong khoảng 20-25% là tôi xác định “out”! Nói gì thì nói, có một đồng tiền thực đút vào túi mình tức là còn dư địa cho các hoạt động tiếp theo.

Anh suy nghĩ gì giữa việc anh chấp nhận rủi ro 8% để lãi 20% so với việc chấp nhận rủi ro 50% để lãi 100%?

Đây là mức độ chấp nhận rủi ro của từng người. Như tôi nói lúc đầu, nhà đầu tư dùng tiền của mình thường có xu hướng chấp nhận rủi ro cao, trong khi người dùng vốn của tổ chức chọn rủi ro thấp, đề cao tính an toàn. Ngay với nhà đầu tư cá nhân, dùng margin cũng là một hình thức vốn của người khác. Thực tế đã cho thấy margin cao mà vẫn chấp nhận rủi ro cao thì rất dễ cháy tài khoản. Nếu cho tôi lựa chọn, tôi luôn chọn rủi ro 8% để lãi 20%. Tôi quan tâm nhiều hơn đến một sự bền bỉ, vững chắc trong hoạt động trading, an toàn là hàng đầu.

Mạng lưới thông tin riêng

Những kênh tin tức mà anh thường tiếp nhận là gì?

Trader nói chung cũng như head trader luôn phải nghe ngóng thông tin từ mọi nguồn có thể. Phần lớn tôi hay sử dụng kênh chat Skype, thông tin thường rất nhanh nhạy. Đây như thể là một mạng lưới thông tin vô hình mà hầu hết các trader đều có kết nối vào. Dĩ nhiên những thông tin không chính thống luôn phải kiểm tra. Chúng tôi cũng phải ngồi với nhau để đánh giá thông tin này là lộng ngôn hay sai sự thật, hay chính xác.

Kênh thông tin đó là do các trader tự tổ chức?

Không chỉ các trader mà tất cả các nhà đầu tư có mặt trên thị trường đều có thể tham gia. Họ tự thành lập hoặc gia nhập những “room chat”. Ví dụ anh mở ra một “room chat” mà tôi thấy anh nhận định thị trường sắc sảo, có nhiều ý giống tôi thì tôi xin tham gia room đó. Qua room này tôi lại thấy có thành viên khác thường xuyên có những tin rất nhạy và chính xác thì tôi lại phải tìm hiểu và kết nối, chia xẻ cũng như tiếp nhận thông tin.

Mạng lưới thông tin này không chính thống nhưng thậm chí còn nhanh nhạy và sôi động hơn nhiều. Anh có thể tưởng tượng như có hàng ngàn con mắt cùng soi vào biến động giao dịch, cùng giương ăng-ten nghe ngóng thông tin thì độ đa dạng đến mức nào.

Nguyễn Hoàng

tbktvn

Các tin tức khác

>   12/04: Bản tin 20 giờ qua (12/04/2013)

>   MIM: Cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo từ 12/04 (11/04/2013)

>   DZM: Cổ phiếu đưa vào diện bị cảnh báo từ 12/04 (11/04/2013)

>   PPG: Đưa vào diện bị cảnh báo từ ngày 12/04 (11/04/2013)

>   PID: Đưa chứng khoán vào diện bị cảnh báo (11/04/2013)

>   VTO: 16/05 thanh toán cổ tức tỷ lệ 3% (11/04/2013)

>   Cá nhân bị phạt do vi phạm CBTT khi không còn là cổ đông lớn của Đầu tư PV-Inconess (11/04/2013)

>   Hết thời đầu cơ cổ phiếu? (11/04/2013)

>   Nam Long có ảo tưởng về giá cổ phiếu khi lên sàn? (11/04/2013)

>   BHC: Cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát (11/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật