Thị trường bảo hiểm: Phạt nặng để dẹp “nhốn nháo”
Tình trạng vi phạm về chi hoa hồng hay bồi thường không đủ điều kiện cho khách hàng trên thị trường bảo hiểm đang phổ biến tới mức chính Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) Trịnh Thanh Hoan phải thừa nhận, nếu kiểm tra hết các doanh nghiệp thì có lẽ 100% đơn vị sẽ có sai phạm.
Không ít các chuyên gia trong “Hội nghị ngành bảo hiểm năm 2013” vừa tổ chức sáng nay (2/4) cho rằng, nếu ngành bảo hiểm không nhanh chóng có những động thái siết việc xử phạt thì nguy cơ “nhốn nháo” hay thậm chí hỏng cả hệ thống là khó tránh khỏi.
Tràn lan phí hoa hồng
Theo báo cáo của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng thị trường bảo hiểm trong năm 2012 vẫn đạt đà tăng trưởng khoảng 12% so với năm trước; trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng gần 10,7% và phi nhân thọ là trên 13,7%.
Con số này theo thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà “là điều đáng ghi nhận” nhưng ông cũng không quên cảnh báo, đi sâu vào phân tích mới thấy ngành bảo hiểm còn nhiều vấn đề.
“Doanh thu tăng nhưng lợi nhuận trước thuế của thị trường lại giảm. Ví dụ như khối phi nhân thọ thu tăng gần 10,7% nhưng lợi nhuận trước thuế lại giảm 12% so với năm 2011,” Thứ trưởng Trần Xuân Hà nói.
Điều này, theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, bắt nguồn từ chính sự cạnh tranh không lành mạnh của cách doanh nghiệp. Qua thanh kiểm tra, tình trạng nhiều doanh nghiệp sử dụng đại lý chưa đủ điều kiện hay việc chi hoa hồng tràn lan, không đảm bảo điều kiện cam kết với khách hàng đang diễn ra khá phổ biến.
Thẳng thắn hơn, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm Trịnh Thanh Hoan không ngần ngại đánh giá, nếu kiểm tra hết các doanh nghiệp thì có lẽ 100% đơn vị sẽ có sai phạm mà lãnh đạo Bộ Tài chính đã nhắc tới.
Chưa đưa ra con số chính thức trong những tháng đầu năm nhưng theo ông Hoan, tình hình “tăng trưởng ngược” như thế vẫn diễn ra trong những tháng đầu năm 2013.
Đồng tình quan điểm này, ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cho rằng, sự hợp tác trong cộng đồng doanh nghiệp bảo hiểm vẫn chưa cao. Điều này đã gây ra tình trạng các đơn vị đều “mạnh ai nấy làm” để rồi tranh giành lôi kéo khách hàng bằng mọi giá, nhất là trong điều kiện kinh tế đang khó khăn.
“Tuy nhiên, doanh nghiệp nếu không thay đổi mà tiếp tục làm như vậy thì sẽ còn lỗ tiếp trong năm nay,” ông Tuyến khuyến cáo.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Đức Vĩnh, Chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Bảo Minh thừa nhận, “ở nhiều đơn vị, chi phí giao dịch, tiếp khách có khi còn cao hơn quỹ lương.”
Theo Luật Bảo hiểm, hoa hồng bảo hiểm được chi trả cho đại lý bảo hiểm và môi giới bảo hiểm. Tuy nhiên, để tăng doanh thu, các doanh nghiệp đã tự trích một phần hoa hồng của mình cho khách hàng hoặc người giới thiệu để khuyến khích mua bảo hiểm.
Thậm chí, đại diện của bảo hiểm Bảo Minh còn cho rằng, chính việc quản lý bồi thường ở nhiều doanh nghiệp thiếu hiệu quả đã dẫn tới nhiều hợp đồng hay giấy chứng nhận bảo hiểm “khống.”
“Nhiều trường hợp, cùng một dạng tổn thất nhưng xử lý bồi thường lại khác nhau. Điều này làm tăng tỷ lệ bồi thường và ảnh hưởng tới lợi nhuận doanh nghiệp,” ông Vĩnh cho hay.
Thiếu chế tài xử phạt nặng
Chính ông Trần Đức Vĩnh, đại diện Tổng công ty cổ phần Bảo Minh cho rằng, để thị trường bảo hiểm trong năm nay khá lên, chế tài xử phạt hành chính phải “làm mạnh.” Ngoài ra, với những trường hợp doanh nghiệp bị xử phạt, theo ông Vĩnh, cơ quan quản lý phải công bố công khai những thông tin cụ thể để người dân và các doanh nghiệp khác cùng biết.
Ngoài ra, lãnh đạo Bảo Minh cũng cho rằng, theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã thành lập bộ phận kiểm tra, kiểm toán nội bộ nhưng việc hoạt động thì vẫn khá lơ là. Điều này cho thấy trách nhiệm của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vẫn chưa tốt.
Đồng tình về vấn đề này, ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho biết, cơ quan chức năng đang tiến hành xây dựng dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; trong đó, các khung xử phạt sẽ được quy định theo hướng rộng và mạnh tay hơn.
Thậm chí, ông Hoan cũng đưa ra ý kiến về việc xử phạt cả những cá nhân trong những trường hợp vi phạm quy định về kinh doanh bảo hiểm. Theo ông Hoan, việc xử phạt doanh nghiệp cả tỷ đồng có thể không nhiều ý nghĩa nhưng “chỉ chục triệu đồng với cá nhân là có vấn đề ngay.”
Góp ý thêm, ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cho rằng, việc dự thảo về xử phạt hành chính sẽ cần làm rõ thế nào là tiêu cực, là trực lợi bảo hiểm,… Điều này mới giúp nghị định thực sự có ý nghĩa khi áp dụng vào thực tế bởi có rất nhiều chiêu tinh vi ở các doanh nghiệp.
Thay mặt Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Phó Cục trưởng Phùng Ngọc Khánh cũng cho biết, một trong những giải pháp của cơ quan quản lý trong năm 2013 là tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra với các doanh nghiệp bảo hiểm.
Theo kế hoạch, sẽ có 4 doanh nghiệp bảo hiểm trong tầm ngắm thanh tra và 5 doanh nghiệp khác sẽ bị kiểm tra toàn diện. Ngoài ra, phía cơ quan chức năng sẽ lập thêm các chuyên đề kiểm tra về tài chính kế toán và quản lý đại lý với 5 doanh nghiệp trong đó có những ông lớn như Tổng công ty Bảo Việt nhân thọ, Prudential Việt Nam, AIA.
Ngoài ra, một trong biện pháp được nhiều đại biểu đồng tình là việc mở rộng đào tào, phối hợp giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp để đào tạo, nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ doanh nghiệp.
Xuân Dũng
Vietnam+
|