Bảo hiểm chờ tiếp thêm vây cánh
Ngành bảo hiểm vừa trải qua một năm khó khăn với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 11%, là mức thấp ở một thị trường đang có độ tăng trưởng tự nhiên cao. Đặc biệt đây là mức thấp nhất sau nhiều năm liên tục giữ mức tăng trưởng 18 – 20%/năm.
Mặc dù một số công ty bảo hiểm công bố kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2012, tuy nhiên đó không phải là bức tranh chung cả toàn ngành.
Hoạt động giao thương ngày càng lớn là mảnh đất màu mỡ cho bảo hiểm phi nhân thọ phát triển
|
Thêm nhiều tay chơi lớn
Ngay từ đầu năm 2013, tập đoàn tài chính bảo hiểm Sun Life Financial của Canada đã chính thức tham gia thị trường Việt Nam thông qua liên doanh PVI Sun Life với công ty cổ phần Tài chính dầu khí (PVI). PVI vốn có thế mạnh ở mảng bảo hiểm phi nhân thọ với khoảng 21% thị phần (2011), trong khi tập đoàn Sun Life Financial có gần 150 năm kinh nghiệm ở lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, đang đặt mục tiêu mở rộng thị trường châu Á.
Sự kết hợp với đối tác trong nước là bước đi của nhiều tập đoàn bảo hiểm toàn cầu có đến hàng 100 năm hoạt động. Năm ngoái tập đoàn bảo hiểm Úc AIG cũng đã mua 30% cổ phần AAA với giá trị được công bố gần 20 triệu USD và cho biết nhằm nâng tỷ lệ nắm giữ lên 49% trong mục tiêu nhắm đến khai thác thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam. Vị trí điều hành AAA mới đây đã được giao cho người từ tập đoàn AIG, ông Jonathan Delalande vốn có nhiều kinh nghiệm trong ngành và thị trường châu Á.
Thương vụ đáng kể nhất thuộc về hãng bảo hiểm nhân thọ Sumitomo Life của Nhật, cuối năm ngoái chính thức tham gia thị trường Việt Nam sau khi chi 340 triệu USD mua lại 18% cổ phần từ HSBC để trở thành nhà đầu tư chiến lược tại tập đoàn Bảo Việt. Ông Lê Quang Bình, chủ tịch tập đoàn Bảo Việt, nhấn mạnh việc hợp tác này nhằm tiếp tục triển khai các chiến lược phát triển kinh doanh theo trọng tâm giai đoạn tới là phát triển thị trường bằng việc nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng dịch vụ tài chính kết hợp và sản phẩm bảo hiểm đa dạng hơn.
Ngay từ đầu năm hãng bảo hiểm Generali của Ý đã thông báo tăng vốn điều lệ lên 800 tỉ đồng để mở rộng hoạt động; Bảo Việt cũng vừa được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 1.500 tỉ lên 2.000 tỉ đồng. AIA Việt Nam cho biết mục tiêu năm 2013 tăng thêm vốn điều lệ 30 triệu USD để đạt 100 triệu USD… Toàn thị trường hiện chưa đến 10% số dân có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ; trong khi mảng bảo hiểm phi nhân thọ với doanh thu năm xấp xỉ 1 tỉ USD, là con số còn khá khiêm tốn đối với một nền kinh tế đang phát triển. Theo các chuyên gia, thị trường bảo hiểm sau nhiều năm phát triển vẫn đang ở vào giai đoạn chờ định hình về chiều sâu.
Từ rộng đến sâu
Đánh giá về triển vọng thị trường bảo hiểm 2013, hãng tư vấn Ernst&Young cho rằng, ở những thị trường tầng lớp trung lưu có xu hướng tăng nhanh sẽ tạo nên nguồn khách hàng tiềm năng cho các công ty bảo hiểm. Tuy nhiên sau giai đoạn biến động, mục tiêu quan trọng của các công ty bảo hiểm trong năm 2013 là tập trung quản lý rủi ro, tăng cường dịch vụ khách hàng và gia tăng tính minh bạch của sản phẩm. “Các công ty bảo hiểm cần đầu tư vào hệ thống công nghệ để quản lý tốt thông tin, cải thiện hoạt động kinh doanh và quản lý rủi ro, song song với các sản phẩm và dịch vụ tận dụng được sự phổ biến của công nghệ di động”, Ernst&Young khuyến nghị.
Theo ông Simon Lam, tổng giám đốc Generali Việt Nam, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để khai thác. Generali nhắm tạo được kênh phân phối đa dạng đồng thời với phát triển có chọn lọc những kênh phân phối mới như ngân hàng và các định chế tài chính. “Để phát triển bền vững cần những mô hình hoạt động chú trọng vào chất lượng và hỗ trợ các đại lý kinh doanh hiệu quả cùng với sản phẩm dịch vụ ngày càng tốt hơn cho khách hàng”.
Dự báo về thị trường bảo hiểm Việt Nam trong năm năm tới, ông Simon Lam cho rằng những xu hướng buộc các nhà cung cấp phải chú trọng là: khách hàng ngày càng hiểu biết nhiều hơn tạo ra áp lực gia tăng tính chuyên nghiệp của các đại lý bảo hiểm. Theo đó dịch vụ khách hàng sẽ quan trọng hơn trong việc tạo ra sự khác biệt hoá giữa các công ty bảo hiểm. Sẽ có sự thay đổi rõ ràng từ cách cố gắng tiếp cận để bán được sản phẩm sang cách tiếp cận dựa trên sự tư vấn và nhu cầu để bán được sản phẩm.
Bảo hiểm nhân thọ AIA Vietnam kết thúc năm 2012 với kết quả kinh doanh khả quan: tổng phí bảo hiểm tăng 17% và giá trị hợp đồng khai thác mới tăng 24%. Tổng giám đốc Stephen Clark cho biết: “Nhờ tập trung vào khách hàng với các sản phẩm cạnh tranh và đội ngũ đại lý chuyên nghiệp đã tạo ra được kết quả kinh doanh khả quan trong tình hình nền kinh tế chung khó khăn như vậy”. Ông Back Jong Kook, tổng giám đốc Hanwha Life Việt Nam, cũng cho rằng việc duy trì hợp đồng bảo hiểm đối với khách hàng là mục tiêu quan trọng. “Chất lượng dịch vụ và các yếu tố về quyền lợi là cách nỗ lực để trở thành một công ty được tín nhiệm trong mục tiêu của Hanwha Life đến năm 2016 là đạt 10% thị phần so với mức 3,5% hiện nay”.
Ở toàn cục, theo lộ trình thoái vốn trong ngành bảo hiểm, đến năm 2015 các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối sẽ tiếp tục thoái vốn tại các doanh nghiệp bảo hiểm. Mức nắm giữ của các đơn vị này sẽ không quá 20% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm. Như vậy việc tăng vốn để bảo đảm phạm vi kinh doanh lẫn khả năng thanh toán và an toàn tài sản, giảm thiểu rủi ro sẽ tiếp tục tạo sức ép lên các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước, đặc biệt những nhà cung cấp thiếu năng lực.
Theo các chuyên gia, các áp lực cạnh tranh cũng đồng thời tạo ra cơ hội cho những doanh nghiệp mới muốn tham gia thị trường. Như vậy sân chơi thị trường bảo hiểm sẽ còn tiếp tục diễn ra cuộc cạnh tranh gay gắt và cần những nhà cung cấp có năng lực, chuyên nghiệp tham gia kiến tạo thị trường và cần cả thời gian sàng lọc để đạt đến một thị trường phát triển chuyên nghiệp.
Tuyết Ân
sài gòn tiếp thị
|