Phát ngôn 'sốc' về bất động sản: Chuyên gia lên tiếng
Phát ngôn “gây sốc” của ông Alan Phan: “Hãy để thị trường địa ốc Việt Nam rơi tự do” đã dấy lên dư luận trái chiều xung quanh việc “cứu” hay không “cứu” thị trường địa ốc.
Dưới đây là ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm trong lĩnh vực bất động sản xung quanh vấn đề này.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành: Không cứu sẽ thành “thảm kịch”
Ông Nguyễn Văn Đực
|
Thực tế thị trường bất động sản hiện nay như thế nào ai cũng đều rõ. Từ hơn 2 năm nay, thị trường đóng băng, hàng tồn kho, nợ xấu ngân hàng, người dân vẫn thiếu nhà, doanh nghiệp sắp phá sản hàng loạt...
Doanh nghiệp bất động sản phá sản không những mất mát tài sản của doanh nghiệp, mà còn mất tài sản của các ngành nghề khác, các ngân hàng, đặc biệt nghiêm trọng là người dân đã đóng tiền, nhưng không nhận được nhà thì xem như mất tiền đã đóng. Như thế không phải là “bi kịch” mà là “thảm kịch”.
Tôi cho rằng, chỉ có thể giảm giá thêm 30-50% ở phân khúc cao cấp hơn 20 triệu đồng/m2, nhưng không thể hạ hơn ở phân khúc 12 - 15 triệu/m2 vì đã đến đáy rồi.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp dám liều lĩnh hạ giá thêm để có tiền mặt ngay, nhưng đến khi hoàn thiện lại không đủ tiền thì nguy cơ vỡ trận rất lớn, càng gây tổn thất lớn hơn cho doanh nghiệp và người dân, người dân coi chừng bị quả lừa, “tiền mất, nhà không”.
Ngân hàng Nhà nước sẽ rót 30.000 tỷ đồng qua ngân hàng thương mại để tháo gỡ khó khăn cho địa ốc là hoàn toàn phù hợp với khả năng của Nhà nước và cân đối tài chính với các ngành nghề khác.
Việc hỗ trợ nên tập trung vào người dân mua nhà hơn là doanh nghiệp, giúp họ có cơ hội sở hữu nhà cũng là giúp doanh nghiệp tồn tại và các ngành nghề khác ổn định.
Tuy nhiên, tôi cho rằng “không cần và không thể cứu bất động sản bằng tiền” mà là phải bằng thủ tục. Đó là “cởi trói” giảm thiểu thủ tục, nhanh chóng giải quyết các “đơn xin” và cho doanh nghiệp thực hiện căn hộ nhỏ, vừa với khả năng mua của người dân, để không có hàng tồn kho như hiện nay.
Tiến sỹ Trần Du Lịch: Nên thông vốn cho doanh nghiệp đi đúng hướng
Tiến sỹ Trần Du Lịch
|
Trách nhiệm của Nhà nước là cần phải rã băng từ từ, bởi dù ở quy mô nào thị trường bất động sản luôn là tín hiệu lạc quan hay bi quan của bức tranh kinh tế vĩ mô. Mối quan hệ giữa thị trường chứng khoán, bất động sản với hệ thống ngân hàng thương mại như “môi với răng”, nên cần sớm có giải pháp “làm ấm” 2 thị trường.
Một khi bất động sản phục hồi, các khoản nợ xấu tại ngân hàng cũng được thanh toán, như thế thanh khoản được cải thiện, việc giảm lãi suất cho vay là chuyện đương nhiên.
Doanh nghiệp bất động sản chết không phải một mình doanh nghiệp đó chết, mà kéo theo một loạt doanh nghiệp khác. Nhưng cũng không thể bung tiền cứu toàn bộ trong khi có những loại hàng hóa trên thị trường bất động sản đang bị dội chợ.
Thực tế có hàng trăm căn biệt thự xây cực kỳ đẹp tại khu đô thị cách trung tâm TPHCM 200 km nhưng hiện nay chỉ có 2 người ở mà người ta mua với giá 70.000-200.000 USD/căn cách đây 5 năm. Như vậy, với những phân khúc thị trường này dù khó cỡ nào cũng không thể gỡ ngay được.
Nếu bơm thêm tiền càng có nguy cơ chôn vốn. Tôi không tin những doanh nghiệp đang xây cao ốc hiện nay ở TPHCM có thể bán được sản phẩm với các mức giá hiện tại. Nhưng với khu nhà ở ngoại ô thành phố, xây căn hộ chừng 500-700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/căn là phù hợp với túi tiền đại bộ phận người dân và đang có sức mua thì Nhà nước nên bơm tiền để hoàn thiện.
Như vậy, trong bối cảnh hiện nay những doanh nghiệp bất động sản không có tầm nhìn chiến lược tốt về vị trí cũng như phân khúc đành chịu. Còn những doanh nghiệp đang đi đúng hướng phát triển ở phân khúc trung bình, Chính phủ chắc chắn sẽ thông vốn để dự án hoàn thành.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành: Bơm tiền một cách có kiểm soát
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Lê Thành
|
Giải pháp hữu hiệu để cứu bất động sản hiện nay là bơm tiền ra thị trường một cách có kiểm soát.
Ngân hàng Nhà nước có thể cho người mua nhà giá rẻ, diện tích nhỏ vay với lãi suất 6 – 8% trong vòng 10 - 15 năm, đồng thời miễn thuế giá trị gia tăng (VAT).
Điều kiện ràng buộc là chỉ được vay tối đa 50% giá trị hợp đồng. Thời gian áp dụng có thể trong vòng 6 tháng từ đầu năm 2013. Nếu bơm thành công 20.000 tỷ đồng (10% nợ xấu) theo cách này sẽ kéo thêm 20.000 tỷ đồng tiền mặt chảy vào thị trường, nền kinh tế được luân chuyển 40.000 tỷ đồng.
Theo đó, những người có nhu cầu và đủ khả năng tài chính nhưng còn do dự sẽ thay đổi quan điểm trong 6 tháng áp dụng chính sách kích cầu này. Như vậy, thị trường có thể vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh: Không cứu, thị trường sẽ lún sâu vào “vũng lầy”
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh
|
Giá nhà đất năm 2010 đã tăng gấp 10 lần so với năm 2000, đồng thời tăng gấp bốn lần so với việc tăng thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam. Thực tế này cho thấy, giá bất động sản hiện nay dù đã giảm 30%, thậm chí 50% thì vẫn còn quá cao so với thu nhập của người dân.
Vì vậy, nếu dùng biện pháp giảm giá để kích cầu, liệu doanh nghiệp bất động sản có thể giảm giá nhà đất về mức ở năm 2000? Điều này là không thể. Như vậy thì chúng ta phải có giải pháp đồng bộ và lâu dài để giải cứu cả cung lẫn cầu.
Chúng ta đã có kịch bản giải cứu thị trường bất động sản. Tuy nhiên, từ kịch bản đến giải pháp và triển khai thực hiện là cả một vấn đề. Hiện, số vốn nằm kẹt trong bất động sản quá lớn, trong khi người có nhu cầu về nhà ở và có khả năng tài chính thực ra chẳng thấm vào đâu.
Do đó, các bộ, ngành cần thống nhất giải pháp giải cứu của mình và trình Chính phủ nhằm tập hợp thành một “phương thuốc” hữu hiệu nhất. Nếu không, thị trường càng ngày càng lún sâu vào “vũng lầy”.
Bởi hiện nay hàng loạt doanh nghiệp nợ ngập đầu mà dự án thì ngưng trệ. Vấn đề hỗ trợ lãi suất cũng cần được thực hiện một cách đồng bộ và sàng lọc. Nếu không, tình trạng người có nhu cầu thì không được hỗ trợ mà người giàu lại được hưởng.
Châu Anh
VTC News
|