Người nghèo chưa được cứu
Có công bằng không khi cũng trong thương trường, người nông dân – người nghèo – thì phải chịu cảnh lời ăn, lỗ chịu, còn các doanh nghiệp bất động sản - người giàu, lãi khủng thì được hưởng thụ, lỗ là lại trông chờ sự cứu giúp từ Nhà nước?
Muối chát đời diêm dân
|
Suốt thời gian qua, người ta chứng kiến cảnh Chính phủ, các Bộ, ngành ra sức vào cuộc tìm giải pháp cứu thị trường bất động sản. Liên tiếp các gói hỗ trợ lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng được đề xuất vực dậy thị trường này. Trong khi đó, người nông dân đang chịu cảnh thua lỗ vì giá thức ăn tăng cao, nhiều nông dân thua thiệt hàng tỷ đồng… lâm cảnh trắng tay, thì dài cổ đợi gói hỗ trợ.
Cứu nhà giàu
Gần đây, dư luận dấy lên thông tin về gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng với lãi suất thấp (6%), mà Ngân hàng Nhà nước đề xuất để tung ra cứu thị trường bất động sản (BĐS). Xung quanh gói hỗ trợ này, rất nhiều ý kiến trái chiều, trong đó đã có vị chuyên gia cho rằng, không nên tìm mọi giải pháp để cứu thị trường BĐS nữa, hãy để thị trường "rơi tự do”, bởi kể cả bơm 30.000 tỷ đồng vào thị trường này đi chăng nữa, cũng chỉ như "muối bỏ bể”… bởi ngân hàng có cho vay với lãi suất 6% cũng không ai dám vay vì khó có khả năng thanh toán. Và trên thực tế, theo vị chuyên gia này, giá BĐS đã bị đẩy lên quá cao, nếu để thị trường tự điều chỉnh, có thể nó sẽ còn giảm tới 50%...
Ngay lập tức, ý kiến của vị chuyên gia này đã nhận được luồng ý kiến phản đối từ các nhà đầu tư, các DN BĐS vì họ cho rằng, nếu để BĐS "rơi tự do” cũng đồng nghĩa với việc một loạt các dự án phá sản, và như vậy, người mất tiền ở đây không chỉ là DN mà cả người dân cũng trắng tay. Bởi hàng loạt dự án BĐS đang tồn kho, tiền của dân đóng vào đó là không ít. Hơn thế, theo các DN ngành BĐS, vốn mà họ đầu tư vào BĐS hiện nay chủ yếu là vay ngân hàng, mà tiền ngân hàng thì cũng là từ người dân gửi tiết kiệm. Như vậy, nếu BĐS chết, thì tiền của dân cũng chết theo…
Tất nhiên, những lập luận nói trên của các DN BĐS không phải không hợp lý, và việc cứu thị trường BĐS trong thời điểm thị trường này đã lâm vào tình thế rất nguy cấp là điều cần làm. Song, cứu như thế nào, và ở mức độ nào, cũng là điều cần phải xem xét.
Nhưng có một điều lạ là, khi BĐS lâm nguy lập tức các Bộ, ngành, và cả Chính phủ cùng ráo riết vào cuộc nhằm tìm ra hàng loạt các giải pháp để giải cứu, đưa ra hàng loạt các gói hỗ trợ để giải cứu, còn người nông dân lâm nguy, thì lại có quá ít gói hỗ trợ .
Nông dân là đối tượng rất cần được hỗ trợ
Chưa cứu nhà nghèo
Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến người chăn nuôi lâm vào cảnh lỗ nặng. Nhiều chủ trang trại chăn nuôi đã phải thốt lên hai chữ "bất công” vì bao nhiêu công sức họ bỏ ra để chăm được con gà, con lợn, bán được quả trứng… thì tất cả đang phải chịu giá thấp hơn giá thành sản xuất.
Một chủ trang trại gà ở Bắc Giang cho biết, hàng ngàn quả trứng gà đang tồn kho không bán được, hoặc nếu bán cũng chịu lỗ nặng nề. Ông này cho hay, suốt cả năm 2012, chăn nuôi liên tiếp thua lỗ, có thời điểm giá trứng còn 900 đồng/quả, nhưng đến cuối năm 2012, giá trứng nhích lên một chút, là thời điểm gỡ lại tiền lỗ, thì lại có mệnh lệnh hành chính từ nhà quản lý yêu cầu hạ giá xuống, làm cho giá trứng của hộ chăn nuôi cũng phải hạ theo. Và kết cục là, bán trứng với giá thấp thì lỗ mà không bán, lại càng lỗ.
Người chủ trang trại này còn bày tỏ bức bối rằng, suốt hơn chục năm theo cái nghiệp chăn nuôi, ông chưa nhận được bất kỳ một sự hỗ trợ nào từ nhà nước. Cũng có nghĩa, được mùa thì người chăn nuôi hưởng, mất mùa thì phải chịu. Vậy mà, giá thức ăn chăn nuôi lên cao, người nông dân vẫn phải gồng gánh để rồi, khi sản phẩm xuất ra, thị trường không tiêu thụ được, giá thấp, lỗ nặng người nông dân vẫn phải cắn răng, không biết kêu ai.
Thông tin từ Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai mới đây cũng cho hay, các hộ chăn nuôi heo ở địa phương cũng đang lâm cảnh bán thịt heo hơi dưới giá thành sản xuất. Theo đó, giá heo hơi đang ở mức bình quân khoảng 35.000-36.000 đồng/kg, nếu so với thời điểm trước tết Nguyên đán giá heo đã giảm 7.000-8.000 đồng/kg. "Giá heo xuất bán tại chuồng phải đạt 40.000-42.000 đồng/kg thì người nuôi mới có lãi chứ với mức giá như hiện giờ người nuôi đang lỗ nặng 300.000-400.000 đồng/con” – đại diện Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết.
Có công bằng không khi người nông dân đang phải chắt chiu, kiếm từng đồng từ nuôi con lợn, nuôi con gà, bán quả trứng, mớ rau… Vậy mà, khi có thành quả, lại phải ngậm đắng vì giá lợn, gà, trứng… không đủ để bù lại số vốn họ bỏ ra để mua thức ăn chăn nuôi? Đây là một thực trạng đang diễn ra hiện nay, và Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã chính thức vào cuộc để thanh tra về giá với mục đích xác định sự bất hợp lý trong giá thành sản xuất và giá bán của các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng như các đợt tăng giá bán lẻ trên thị trường thời gian qua. Vậy nhưng, tìm ra rồi thì sao nữa? Phạt hay xử lý DN đã làm giá? Còn số tiền người nông dân đã bị thua lỗ thì sao? Có sự hỗ trợ nào tương tự như đối với ngành BĐS hay không?
Nghĩ lại câu của người chủ trang trại gà ở Bắc Giang, hơn chục năm theo nghiệp chăn nuôi, chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ nhà nước và "năm 2012 tôi lỗ gần 2 tỷ đồng, có ai quan tâm không?”, liệu các nhà làm quản lý có nghĩ rằng, họ đang ra sức tìm cách cứu DN BĐS, cứu nhà giàu, còn những người nông dân nghèo khó, những người đáng phải được hỗ trợ hơn cả thì vẫn tuyệt nhiên không có một động tĩnh gì…
Có công bằng không khi cũng trong "cuộc chơi thương trường”, người nông dân – người nghèo – thì phải chịu cảnh lời ăn, lỗ chịu, còn các DN BĐS - người giàu, lãi khủng thì được hưởng thụ, lỗ là lại trông chờ sự cứu giúp từ Nhà nước?
Minh Phương
đại đoàn kết
|