Tương lai của gói 30 nghìn tỷ đồng cho địa ốc?
Gần 3 tháng kể từ khi có Nghị quyết 02 của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, để hưởng ứng Nghị quyết này, một Thông tư của Ngân hàng Nhà nước đang được dự thảo, về việc dành một gói tín dụng ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng cho địa ốc.
Ngân hàng Nhà nước cho biết số tiền 30.000 tỷ đồng đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tính toán kỹ, trong đó có tính tới việc ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát trong ngắn và trung dài hạn
|
Theo dự kiến, Thông tư này có hiệu lực từ 15/4 tới. Hiện, Ngân hàng Nhà nước cũng là cơ quan đầu tiên có giải pháp cụ thể nhằm đưa Nghị quyết của Chính phủ đi vào cuộc sống. Nhiều người trong giới chuyên gia đã nhận xét sự vào cuộc của các bộ, ngành, như vậy là quá chậm. Tuy nhiên, nếu nhìn vào gói “giải cứu” 30 nghìn tỷ đồng này, thì có thể thấy, câu chuyện chậm hay nhanh này, đã không còn mấy ý nghĩa.
Bởi vì, đối với giới kinh doanh bất động sản thì 30 nghìn tỷ đồng này chỉ như muối bỏ bể. Còn đối với người dân, thì bên cạnh việc cần phải vượt qua được những điều kiện ngặt nghèo để được hưởng lãi suất ưu đãi, thì kể cả khi đáp ứng được, cũng sẽ không nhiều người dám vay.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Mai Xuân Hùng có dẫn ra một câu chuyện rằng có cả đại biểu Quốc hội hiện cũng đang nằm trong diện bị ngân hàng mang “trát” đến đòi nợ. Theo tiêu chuẩn những người có chức vụ từ Phó chủ nhiệm trở lên như ông, thì được một suất ưu đãi mua nhà còn trong diện xây thô giá khoảng vài trăm triệu đồng. Không ít người phải vay ngân hàng mới có đủ tiền để mua suất ưu đãi này. Nay nếu muốn ở, thì lại phải vay tiền để hoàn thiện nhà, còn không thì phải bán đi. Vay thì không dám nữa, còn bán đi thì không bán được, nên mắc kẹt như vậy.
Ông Hùng có kết luận lại rằng: “Điều đó cho thấy, ngay cả khi rất bí, không có nhà để ở, thì những người dám vay tiền để mua nhà, cũng là rất dè dặt”.
Xét về tổng thể và ở góc độ... lý thuyết, thì gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng với lãi suất thấp 6%/năm là hợp lý và khó mà chê được ở điểm gì, khi nó vừa phù hợp với khả năng hiện nay của Nhà nước, lại vừa hợp lý về đối tượng được thụ hưởng khi quy định đối tượng được vay là cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đối tượng có thu nhập thấp, vay để thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; các doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội...
Tuy nhiên, ngoài ví dụ trên của Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Mai Xuân Hùng, thì thực tế triển khai, cũng còn quá nhiều vướng mắc. Chẳng hạn, về quy định áp lãi suất ưu đãi 6% và chỉ thực hiện trong 3 năm, trong khi thời gian cho vay kéo dài 10 năm, 7 năm còn lại sẽ tùy vào biến động thị trường và người mua phải gánh chịu rủi ro nếu lãi suất lên, thì khó mà tạo được sự “can đảm” cho người trong diện được hưởng ưu đãi dám vay để mua nhà.
Cùng đó, dự án ở khu vực nội đô có giá dưới 15 triệu đồng mỗi m2 không nhiều, hầu hết ở vị trí xa trung tâm quanh các đường vành đai, nên cũng giảm đáng kể niềm khao khát mua nhà.
Đối với việc cho các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; các doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội được hưởng mức lãi suất ưu đãi, thì như khuyến cáo của chuyên gia Vũ Đình Ánh, không thận trọng, có thể lặp lại 2 rủi ro lớn.
Rủi ro thứ nhất là doanh nghiệp vay xong không dùng để xây dựng nhà ở xã hội như cam kết với ngân hàng mà sử dụng vào việc khác, vì một công ty đẻ ra không chỉ làm mỗi nhiệm vụ xây nhà ở xã hội, trong khi món nợ cũ vẫn còn.
Rủi ro thứ hai là nếu doanh nghiệp tôn trọng cam kết, vay sản xuất ra nhà ở xã hội, nhưng lại tiếp tục không bán được thì càng đẩy nợ xấu trong lĩnh vực này gia tăng.
Không phủ nhận, việc đề ra gói hỗ trợ lãi suất 30 nghìn tỷ đồng là một nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước, bởi vì trong bối cảnh nợ xấu của thị trường bất động sản chưa ai biết đích xác là bao nhiêu, cùng đó là gánh nặng của nhiệm vụ kiềm chế lạm phát luôn trên vai, thì việc tung ra hàng chục nghìn tỷ đồng như vậy, cũng nên được xử lý một cách cẩn trọng.
Ngân hàng Nhà nước cho biết số tiền 30.000 tỷ đồng đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tính toán kỹ, trong đó có tính tới việc ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát trong ngắn và trung dài hạn.
Đối với vấn đề lãi suất cho vay, thời hạn hỗ trợ chỉ là 3 năm thì quá ngắn, theo Ngân hàng Nhà nước, việc áp lãi suất 6%/năm và cố định trong 3 năm đã là sự cố gắng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Sau thời gian này, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố mức lãi suất ưu đãi mới để phù hợp hơn với tình hình thực tế. Còn việc không đưa hình thức cho vay để mua nhà ở xã hội là để bảo đảm thực hiện đúng Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ và Luật Nhà ở năm 2005...
Nhưng, như nhận xét của một đại biểu Quốc hội, “gói 30 nghìn tỷ đồng có lẽ mang sứ mạng chỉ giống như một tiếng kẻng được đánh lên để cho mọi người biết là Chính phủ nói và làm đi đôi với nhau, nói tháo gỡ thì cũng có giải pháp để tháo gỡ, còn tháo gỡ có được hay không, lại là một câu chuyện khác”.
Dự cảm tương lai của gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng, vị đại biểu Quốc hội này cho rằng “trong tình huống tốt đẹp nhất, nó có lẽ sẽ không gây ra tác động tiêu cực gì cho nền kinh tế, nhưng cũng không mang lại tác động tích cực là bao nhiêu...”.
Đoàn Trần
tbktvn
|