Nên dành 30 nghìn tỷ cho người mua nhà
Nhiều ý kiến cho rằng, trong gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng sắp được ngân hàng rót cho bất động sản nên nên tập trung vào người dân mua nhà hơn là doanh nghiệp.
Ngân hàng nhà nước dự kiến sẽ rót 30 nghìn tỷ đồng sẽ được đổ vào thị trường bất động sản với lãi suất ưu đãi 6%/năm, được giữ ổn định trong vòng 3 năm. Đối tượng được thụ hưởng chính sách này là những cá nhân vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội; thuê, mua nhà ở thương mại có diện dưới 70m2 và giá bán 15 triệu đồng/m2. Ngoài ra, nhóm đối tượng thứ hai được tiếp cận là chủ dự án đầu tư các dự án xây dựng nhà ở xã hội, thương mại.
Theo quan điểm của ông Nguyễn Văn Đực – Phó tổng giám đốc công ty địa ốc Đất Lành, Ngân hàng Nhà nước sẽ rót 30.000 tỷ đồng qua ngân hàng thương mại để tháo gỡ khó khăn cho bất động sản là hoàn toàn phù hợp với khả năng của Nhà nước và cân đối tài chính với các ngành nghề khác. Việc hỗ trợ nên tập trung vào người dân mua nhà hơn là doanh nghiệp, giúp họ có cơ hội sở hữu nhà cũng là giúp doanh nghiệp tồn tại và các ngành nghề khác ổn định.
TS Vũ Đình Ánh cũng đồng thuận khi cho rằng Ngân hàng không nên cho vay doanh nghiệp vì theo kinh nghiệm từ năm 2009 khi hỗ trợ lãi suất 4%, cho vay doanh nghiệp rất dễ sai mục đích. Doanh nghiệp vay xong không làm, hoặc giả vờ làm ít hơn quy định để lấy vốn đầu tư làm việc khác. Do vậy, chỉ nên dành vốn cho người mua nhà vay. Với doanh nghiệp nên dành cho một chương trình khác.
Ngoài ra, TS Vũ Đình Ánh lo ngại, nếu dự thảo giao việc thực hiện cho vay vốn về các ngân hàng thương mại nhà nước là dở. Dễ có khả năng sẽ xảy ra hiện tượng đảo nợ, các ngân hàng cho vay hiện đang rất nhiều nợ xấu, không đòi được. Giữa ngân hàng và doanh nghiệp sẽ thông đồng bơm tiền vào các doanh nghiệp đang vay vốn, với đề nghị doanh nghiệp phải xin giấy phép chuyển đổi sang nhà ở xã hội để hợp thức hóa. Với cách “lách” này, ngân hàng sẽ giải quyết được nợ xấu, doanh nghiệp cũng kiếm bẫm, chỉ có người mua nhà là thiệt, tiền ngân sách cũng bị thâm hụt vì đầu tư không đúng chỗ.
Đại diện Hiệp hội bất động sản TPHCM cho rằng, nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ đã ước lượng gói kích cầu từ 20.000 đến 40.000 tỷ đồng. Hiệp hội đã đề nghị chỉ nên dùng số tiền 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho người tiêu dùng. Có như vậy mới hỗ trợ được đông đảo người tiêu dùng có thu nhập thấp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Nên tách ra một gói tín dụng khoảng từ 10.000 đến 15.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Mặt khác, nếu sử dụng toàn bộ 30.000 tỷ đồng để cho dân vay mua nhà thì ngay lập tức số tiền này sẽ quay trở lại doanh nghiệp thôi. Nếu có thêm gói từ 10.000 đến 15.000 tỷ đồng dành riêng cho doanh nghiệp tổng cộng sẽ có từ 40.000 đến 45.000 tỷ đồng đổ vào doanh nghiệp bất động sản.Trong hoàn cảnh hiện nay, với số vốn này cũng đủ để doanh nghiệp giải quyết được một phần khó khăn.
Anh Đào
vnmedia
|