Tổng cục phó tổng cục quản lý đất đai: Sẽ làm rõ hơn quyền người sử dụng đất
Xung quanh việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2003, Tiền Phong trao đổi với ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Bộ TN&MT về một số vấn đề mà dư luận đang quan tâm.
Ông Đào Trung Chính nói: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã tăng cường vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường, trong đó hạn chế các trường hợp được Nhà nước giao đất, cơ bản chuyển sang áp dụng hình thức thuê đất; thực hiện định giá đất trên cơ sở phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; nhằm tiến tới xóa bỏ bao cấp trong quản lý, sử dụng đất đai, đồng thời khắc phục tình trạng “xin- cho” trong quản lý và sử dụng đất.
Hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất được khá nhiều người dân quan tâm
|
Hoàn thiện các cơ chế nhằm phát huy nguồn lực từ đất đai thông qua việc bổ sung quy định Nhà nước được chủ động thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt; lập Quỹ phát triển đất; tạo quỹ đất “sạch” để đấu giá quyền sử dụng đất. Tạo sự minh bạch trong quản lý, sử dụng đất nhằm phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí…
Thu hồi đất luôn là vấn đề “nóng”, nhạy cảm và phức tạp. Vậy, trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), vấn đề này được đặt ra như thế nào, thưa ông?
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất, căn cứ, thẩm quyền thu hồi, trách nhiệm tổ chức thực hiện thu hồi đất, trách nhiệm quản lý quỹ đất sau thu hồi, thủ tục thu hồi đất.
Ví như, bổ sung căn cứ thu hồi đất theo từng trường hợp để quản lý chặt chẽ hơn việc thu hồi đất tại địa phương; trong đó, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải căn cứ vào Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hằng năm, đặc biệt là trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế- xã hội còn phải căn cứ vào Kế hoạch thu hồi đất hằng năm được HĐND cấp tỉnh thông qua. Bổ sung quy định trước khi thực hiện thu hồi đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để sử dụng vào mục đích khác thì phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Sửa đổi thẩm quyền thu hồi đất theo hướng quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện có thẩm quyền thu hồi đất thay cho UBND cấp tỉnh, cấp huyện như Luật hiện hành nhằm gắn trách nhiệm của người đứng đầu, tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tại địa phương...
Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về cưỡng chế trong bước đo đạc, kiểm đếm để lập phương án bồi thường trước khi có quyết định thu hồi đất (kiểm đếm bắt buộc) và cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất. Bổ sung quy định về chế tài đối với trường hợp thu hồi đất do chậm đưa đất vào sử dụng như Nhà nước không trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, giá trị đã đầu tư vào đất còn lại đối với người có đất bị thu hồi.
Sau một thời gian lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), những vấn đề nào nhận được nhiều góp ý, thưa ông?
Qua tổng hợp từ các hội nghị, hội thảo và thông tin báo chí, nhóm vấn đề về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất được khá nhiều người dân quan tâm. Trong đó, nhiều ý kiến tập trung vào nguồn gốc đất được bồi thường, các chính sách hỗ trợ, bố trí tái định cư nhằm bảo đảm ổn định cuộc sống lâu dài cho người có đất bị thu hồi...
Để khắc phục những vướng mắc về giá đất theo Luật Đất đai 2003, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đưa ra hai phương án: Phương án 1, bảng giá đất sử dụng cho tất cả mục đích, có cập nhật khi giá đất thị trường có biến động tăng hoặc giảm 20% liên tục trong thời gian từ 60 ngày trở lên.
Phương án 2, đây là phương án đang được nhiều nước thực hiện, theo đó bảng giá đất áp dụng cho mục đích thu thuế, phí, lệ phí quy định ổn định trong 5 năm. Việc bồi thường, tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao, cho thuê đất, xác định giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ xác định giá đất cụ thể.
Về vấn đề sở hữu đất đai, ý kiến của ông ra sao?
Sở hữu đất đai là nội dung có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị, có tác động trực tiếp đối với sự phát triển của xã hội, sự tồn tại của thể chế chính trị.
Chế độ sở hữu đất đai ở nước ta đã được khẳng định trong các văn kiện Đại hội Đảng, trong các bản Hiến pháp. Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai được xác lập từ Hiến pháp năm 1980 và ngày càng được nghiên cứu, hoàn thiện.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp tục khẳng định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” là phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay.
Cảm ơn ông.
Ông Đào Trung Chính
|
Cần tiếp tục làm rõ vai trò của Nhà nước vừa với tư cách là đại diện chủ sở hữu vừa với tư cách là người quản lý đối với đất đai; làm rõ quyền của người sử dụng đất, theo từng loại đất, từng loại đối tượng sử dụng trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
|
Quang Minh
tiền phong
|