Thứ Bảy, 27/04/2013 11:52

Công nghiệp ôtô: Sự cần thiết và những điều vướng mắc

Những vấn đề liên quan đến phát triển ngành công nghiệp ô tô đang nóng lên từng ngày, cho dù Bộ Công Thương vẫn chưa chính thức trình đề án phát triển mới lên Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, tại các cuộc hội thảo, tọa đàm, báo cáo... gần đây, hầu hết các ý kiến đều nhất trí với việc cần thiết phải chú trọng phát triển ngành công nghiệp này.

Tốc độ tăng trưởng sản xuất của các nước ASEAN

Thực ra, điều này không mới, nếu không muốn nói là quá cũ. Vấn đề nằm ở chỗ là chúng ta có quyết tâm, có khả năng làm hay không, làm như thế nào, có đồng bộ và nhất là thống nhất giữa các cơ quan liên quan ?

Những cái cần thiết

Cho dù đã trải qua một thời gian khá dài ngành ngành công nghiệp ôtô vẫn là một ngành quá yếu, dù nó luôn được khẳng định là rất cần thiết. Có nhiều vấn đề được đưa ra để minh chứng cho điều này và nghe ra đều rất thuyết phục. nhưng tựu trung lại, trong hoàn cảnh hiện nay và xu hướng sắp tới thì những vấn đề nêu ra đây được xem là khá thuyết phục:

Thứ nhất, có thể nói, ở rất nhiều quốc gia, công nghiệp ôtô là ngành dẫn dắt sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ và vì vậy, cũng là ngành có ảnh hưởng lớn đến phát triển công nghiệp và của nền kinh tế nói chung. Điều này phù hợp với hoàn cảnh của VN, nhất là khi chúng ta đang thực hiện chủ trương CNH, HĐH và tiến tới trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa vào năm 2020.

Thứ hai, việc phát triển ôtô - hiện nay hay thời gian tới sẽ đáp ứng nhu cầu bùng nổ sử dụng ôtô trong giai đoạn phổ cập xe hơi. Khi đó, ôtô trở nên phổ biến hơn và trở thành phương tiện đi lại thiết yếu của mọi người dân và xe dưới 9 chỗ trở nên phổ cập. Theo tính toán của ban soạn thảo đề án cũng như nhiều chuyên gia thì có thể khẳng định rằng, giai đoạn bùng nổ này chắc chắn sẽ xảy ra tại VN trong giai đoạn bắt đầu trong khoảng từ năm 2020 đến năm 2025, khi trung bình có trên 50 xe/1.000 dân; GDP/người >3.000 USD.

Thứ ba là tác động của ngành công nghiệp ôtô đến cán cân thương mại quốc gia. Cụ thể: Nếu Sản phẩm ôtô sẽ ngày càng thông dụng mà không có ngành sản xuất ôtô thì dự báo trung bình với nhu cầu ôtô của nước ta năm 2025 khoảng 800 -900 ngàn xe và năm 2030 khoảng 1,5 -1,8 triệu xe thì sẽ tốn khoảng 12 tỉ USD đêr nhập khẩu xe vào năm 2025 và 21 tỉ USD/năm vào năm 2030. Đó là chưa tính đến những yếu tố khác như tạo công ăn việc làm, thu ngân sách. Dù được xem là yếu kém, nhưng công nghiệp sản xuất ô tô VN đã đóng góp cho ngân sách thông qua các loại thuế tính trong năm 2009 là 10.358 tỉ đồng và 2010 là gần 8.000 tỉ đồng; đã tạo việc làm cho hơn 52.400 lao động với mức lương bình quân 4,1 triệu đồng/người/tháng, chưa kể các đóng góp về thuế và việc làm do hệ thống đại lý và các nhà cung cấp của các DN sản xuất trong ngành mang lại. Xuất khẩu phụ tùng hàng năm cũng mang lại giá trị kim ngạch khoảng 1,5 - 2 tỉ USD trong những năm gần đây.

Hành trình tìm giải pháp

Đây cũng không phải là câu chuyện bây giờ mới bàn. nhưng trớ trêu ở chỗ là nhiều năm qua, chúng ta cứ đưa ra, quyết định nhiều giải pháp nhưng đều không đạt được mục tiêu đề ra, nếu không muốn nói là thất bại. Tại sao lại như vậy và chúng ta có những khó khăn, vướng mắc gì ? Theo nhận định của đề án về phát triển công nghiệp ôtô đến năm 2020, tầm nhìn 2030 thì: do quy mô thị trường tiêu thụ xe ôtô quá nhỏ, nhiều hãng cạnh tranh, thiếu DN sản xuất ôtô lớn tầm cỡ khu vực để có thể cạnh tranh và xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, tỉ lệ chuyển giao công nghệ thấp, liên kết, hợp tác, phân công sản xuất của các DN trong ngành còn rất yếu. Đặc biệt, các chính sách phát triển chưa phù hợp, nên các DN ôtô chủ yếu hoạt động theo phương thức lắp ráp, tỉ lệ nội địa hóa (các phụ tùng, linh kiện được sản xuất trong nước) thấp; ngành công nghiệp ôtô là ngành công nghiệp yêu cầu vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại. Vì vậy, đây là ngành công nghiệp mà chúng ta không thể tự lực phát triển, nếu không thu hút được vốn đầu tư của nước ngoài. Điều đó càng khẳng định tầm quan trọng của hệ thống chính sách trong việc thu hút đầu tư nước ngoài nói chung và cho ngành công nghiệp ôtô nói riêng; hệ thống giao thông yếu kém (mà chủ yếu do tổ chức giao thông kém), cộng với sự không nhất quán trong việc ban hành các chính sách quản lý vĩ mô (chính sách về thuế, phí, lệ phí...), đã ảnh hưởng không nhỏ tới cầu của thị trường, làm cho nhu cầu về sử dụng ôtô của nền kinh tế chưa lớn, lại càng có xu hướng giảm sút (điều này đã được phân tích kỹ trong phần tác động của các cơ chế chính sách).

Chỉ ra được những nguyên nhân, yếu kém trên là thực sự cần thiết và nói như một DN xin được dấu tên thì những nhà quản lý đã trực tiếp thừa nhận sự yếu kém, thất bại của ngành, mà trong đó mình đóng một vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, điều quan trọng như ban đầu chúng tôi đã đề cập là DN cần một sự quyết tâm cao, tạo sự ổn định thực sự như Joe Hinric - Chủ tịch Ford Châu á Thái Bình Dương đã từng so sánh: Tại sao Thái Lan lại phát triển công nghiệp ôtô mạnh như vậy? Vì họ quyết tâm khẳng định ngành công nghiệp này là cực kỳ quan trọng, đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước. Trên cơ sở đó, Thái Lan có những những sách tốt với DN, người tiêu dùng, nhất là tính ổn định cao. Chính phủ có thể thay đổi, nhưng chính sách đối với ô tô vẫn không thay đổi”.

Đó có lẽ là nguyên nhân chính giải thích vì sao trong khối Asean có năm quốc gia sản xuất lắp ráp ôtô, nhưng Thái Lan luôn đứng đầu, được mệnh danh là một Detroi của “Châu á”, trong khi VN luôn xếp vị trí cuối cùng (Xem biểu đồ).

Áp lực hội nhập đang ngày càng tới rất gần, năm 2018 (chỉ còn 5 năm nữa) là năm mà theo các cam kết AFTA, thuế nhập khẩu xe ôtô nguyên chiếc sẽ giảm về 0%. Với xu hướng đó, các DN ôtô ở VN đang chuẩn bị cho động thái rút khỏi thị trường, chuyển từ lắp ráp sang hoạt động thuần túy thương mại. Khi đó, VN sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ôtô cho các hãng nước ngoài. Áp lực nhập siêu của nền kinh tế sẽ ngày càng gia tăng.

Giải quyết sự cần thiết như thế nào, giải quyết áp lực thực hiện các cam kết như thế nào rất cần những giải pháp cụ thể và có tính ưu đãi, hỗ trợ rõ ràng hơn của các nhà quản lý. Giải pháp đó phải dựa trên hoàn cảnh có tính đến yếu tố tương lai, dựa trên lợi ích hài hòa giữa người tiêu dùng, DN và Nhà nước. Trong đó vấn đề giữa chính sách phát triển ngành công nghiệp ôtô và những chính sách liên quan đến thuế, lệ phí... phải thống nhất, bổ trợ lẫn nhau. Và một vấn đề không kém phần quan trọng là những giải pháp đó phải được ban hành và thực thi nhanh lên.

Một số chính sách đối với dự án ôtô quốc gia của Thái Lan:

Thái Lan là nước đứng thứ 2 trên thế giới về thị trường xe bán tải, đồng thời cũng vừa là quốc gia sản xuất ôtô lớn nhất vừa là thị trường tiêu thụ ôtô lớn nhất ASEAN. Để đạt được vị trí này, Thái Lan đã áp dụng các chính sách đặc biệt để kích thích thị trường và thu hút các nhà sản xuất ôtô nước ngoài. Một số chính sách ưu đãi của Thái Lan như sau:

Chính sách ưu đãi thuế nội địa cho dòng xe pickup 1 tấn

Áp dụng mức thuế nội địa thấp đối với dòng xe pickup 1 tấn (thấp hơn nhiều so với các dòng xe khác). Cụ thể: thuế đối với xe chở khách thông thường từ 30% - 50%. Thuế áp cho pickup loại 1 tấn (và dung tích động cơ nhỏ hơn 3.25l) chỉ có 3%.

Chính sách này đã tạo điều kiện cho các nhà sản xuất xe pickup 1 tấn tại Thái lan giảm được giá thành do có sản lượng lớn, từng bước đưa Thái lan trở thành cơ sở sản xuất và xuất khẩu xe pickup 1 tấn của thế giới.

Chính sách phát triển xe thân thiện môi trường (eco-car)

Các nhà sản xuất ôtô tiến hành đầu tư sản xuất xe eco-car được hưởng các ưu đãi nhiều ưu đãi theo quy định cụ thể, chi tiết về điều kiện ưu đãi như Đạt các yêu cầu về sản phẩm và công nghệ: Đạt các yêu cầu về đầu tư.

- Các ưu đãi : Ưu đãi thuế nhập khẩu máy móc và thiết bị: Miễn hoàn toàn. Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp: Miễn thuế trong 8 năm (tổng số thuế được miễn không vượt quá số tiền đầu tư). Ưu đãi thuế nhập khẩu vật tư linh kiện: giảm tối đa 90%. Ưu đãi thuế nội địa đánh vào xe eco-car giảm xuống còn 17% (xe thông thường là 30%; pickup 1 tấn là 3%). Mục đích nhằm thúc đẩy sản xuất và đầu tư trong nước và xuất khẩu loại xe thân thiện với môi trường (trở thành dòng xe chiến lược thứ 2 với các yêu cầu công nghệ và nội địa hóa cao hơn; sau khi ngành công nghiệp ôtô Thái lan đã đủ mạnh do đã phát triển thành công dòng xe pickup). Ngoài ra là những khuyến khích sản xuất các dòng xe cỡ nhỏ, đầu tư sản xuất các loại xe tương lai...


Linh Nguyễn

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Thêm đại gia bán lẻ Pháp vào Việt Nam (27/04/2013)

>   Vụ kiện cá tra, cá ba sa có thể kéo dài 2 - 3 năm (27/04/2013)

>   Tăng giá bán than cho điện (27/04/2013)

>   Cải tổ là con đường tất yếu (26/04/2013)

>   Phân phối iPhone tại VN: Tranh "miếng táo cắn dở" (26/04/2013)

>   Cổ phần hóa cảng Sài Gòn (26/04/2013)

>   Vận tải hàng không VN nhường sân cho nước ngoài (26/04/2013)

>   Chỉ số niềm tin kinh doanh trong quý 1 tăng mạnh (25/04/2013)

>   Gần 3.000 doanh nghiệp ở Hà Nội ngừng hoạt động (25/04/2013)

>   Bốn tháng, cả nước thu hút hơn 8,2 tỷ USD vốn FDI (25/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật