Thứ Năm, 11/04/2013 14:56

Có VAMC mới xử lý được nợ xấu

Dự thảo nghị định về việc thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) và đề án xử lý nợ xấu của hệ thống NHTM đang được NHNN chỉnh sửa cho phù hợp, để trình tiếp Chính phủ thông qua. Vấn đề đặt ra là công ty này không chỉ xử lý nợ xấu giữa các NHTM với nhau mà sẽ tác động đến khu vực doanh nghiệp như thế nào?

VAMC tạo thêm cơ sở hạ lãi suất

Trong cuộc họp mới đây với các NHTM trên địa bàn TPHCM, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chia sẻ nhiều thông tin mới xoay quanh việc thành lập VAMC.

Theo Thống đốc, VAMC ra đời các NHTM sẽ có thêm “vũ khí” để xử lý nợ xấu, đồng thời sẽ giải quyết nhiều vấn đề mà người hưởng lợi không chỉ là NHTM. Cụ thể, VAMC không sử dụng ngân sách mà dùng tiền tái cấp vốn của NHNN.

Nói là nợ xấu nhưng thực tế không phải xấu hoàn toàn, bởi trước đây nền kinh tế tốt thì nợ tốt, nay kinh tế xấu đi, nhiều khoản dư nợ của NHTM trở thành nợ xấu.

Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN

Điều này hoàn toàn hợp lý, bởi theo Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), NHNN được quyền tái cấp vốn cho các TCTD, trong đó tài sản bảo đảm là các giấy tờ có giá như trái phiếu chính phủ, hồ sơ tín dụng… Và theo đề án xử lý nợ xấu, các khoản tái cấp vốn của NHNN sẽ được thế chấp bằng tài sản là nợ xấu có tài sản bảo đảm từ các NHTM.

Trước ý kiến cho rằng các NHTM đang dư thừa tiền nhưng không cho vay được, nay tái cấp vốn thêm liệu giải quyết được gì và nợ xấu tiếp tục hoàn nợ xấu trong tương lai?

Thống đốc NHNN đưa ra thí dụ, một NHTM có khoản nợ xấu chiếm tỷ lệ 10%/tổng dư nợ, để gánh nợ này chi phí sẽ đội lên rất nhiều, nên giữ được hòa vốn là may chứ đừng mong chi cổ tức cho cổ đông. Trong bối cảnh đó, lãi suất cho vay trung bình của NHTM này khó giảm thấp.

Điều này cũng lý giải vì sao NHNN chỉ mới áp trần lãi suất huy động chứ chưa áp trần lãi suất cho vay ở tất cả lĩnh vực. Năm ngoái NHNN kêu gọi các NHTM đưa lãi suất cho vay về mức 15%/năm, năm nay cố gắng đưa lãi suất cho vay về 13%/năm và NHNN tính toán mức ấy các NHTM có thể chịu đựng được.

Tuy nhiên, thực tế việc thực hiện của các NHTM không quyết liệt như năm ngoái, bởi biên lãi giữa huy động và cho vay đã giảm xuống mức giới hạn, ép các NHTM giảm thêm cũng khó. Do vậy, nếu có VAMC, công ty này sẽ mua lại nợ của các NHTM, tức cho các NHTM vay với lãi suất 0%.

Khoản tiền có thêm này vừa tạo thanh khoản, đồng thời giảm giá vốn của các NHTM, giúp giảm bớt áp lực lợi nhuận, từ đó đưa lãi suất cho vay về mức hợp lý. Như vậy, người hưởng lợi không chỉ các NHTM mà còn cả khối doanh nghiệp và nền kinh tế, áp lực nợ xấu cũng được giảm mạnh.

VAMC – “vũ khí” giảm nợ xấu

Theo số liệu từ NHNN chi nhánh TPHCM, đến cuối tháng 2-2013, nợ xấu trên địa bàn chiếm 5,98% tổng dư nợ, trong đó nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn) chiếm 62,8% tổng nợ xấu. Phân tích chi tiết như sau: NHTM nhà nước 5,78%; NHTMCP 5,6%; NH liên doanh 5,64%; NH nước ngoài 2,29%, công ty tài chính 19,54%, công ty cho thuê tài chính 46,97%.

Theo lãnh đạo một NHTM, nợ xấu cao ở khối NHTM cổ phần và NHTM nhà nước là điều không ngạc nhiên, nhưng nợ xấu của các NH nước ngoài trên 2% là vấn đề đáng lo.

Với công nghệ quản trị tiên tiến hiện đại nhưng các NH nước ngoài vẫn bị nợ xấu cao, cho thấy chất lượng tín dụng của nền kinh tế có vấn đề, tức tính cấp bách của việc xử lý nợ xấu ở các NHTM có tác động trực tiếp đến doanh nghiệp và nền kinh tế.

Thời gian qua Chính phủ và NHNN quyết liệt tìm cách tháo gỡ khó khăn cho thị trường, trong đó có thị trường bất động sản: không phân biệt tín dụng sản xuất kinh doanh và phi sản xuất, thông qua gỡ bỏ hạn mức với tín dụng phi sản xuất, đã giúp dư nợ bất động sản được cải thiện tích cực.

Tính đến nay, dư nợ tín dụng bất động sản của TPHCM ước 88.480 tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản 79.460 tỷ đồng; cho vay mua, xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở, cho thuê, xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, khu chế xuất 9.020 tỷ đồng. Vì thế quá trình xử lý nợ xấu, nhất là nợ xấu trong bất động sản, phải xử lý nhanh chóng tài sản thế chấp thu hồi nợ.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, thanh lý tài sản thế chấp để xử lý nợ xấu nhanh nhất cũng mất 3 năm, trung bình 5-7 năm, thậm chí có những cục nợ xấu tồn tại 10 năm. Trong khi đó, NHTM qua 5-6 đời giám đốc vẫn không xử lý được tài sản thế chấp.

Đó là bất cập lớn và chỉ có VAMC mới giải quyết được. Theo đó, tài sản thế chấp có thể bán ngay cho VAMC, giảm được các thủ tục cho cả doanh nghiệp và NH. Dù vậy, Thống đốc NHNN thừa nhận các NHTM ôm cục nợ xấu không xử lý được, NHNN cũng không dễ dàng xử lý.

Việc VAMC mua lại các khoản nợ xấu có tài sản thế chấp để thực hiện mục tiêu giúp tạo thanh khoản cho các NHTM. Khi nền kinh tế tốt lên, thị trường bất động sản phục hồi, NHNN có cơ hội để bán được tài sản và thu hồi được nợ. Không chỉ thế, khi điều kiện thuận tiện và có cơ hội kinh doanh tốt, các NHTM cũng có thể mua lại khoản nợ xấu trước đây đã bán cho NHNN.

Thanh Hiên

SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Các tin tức khác

>   12/04, NHNN đấu thầu thêm 52,000 lượng vàng miếng (11/04/2013)

>   Đôla tự do mất mốc 21.000 đồng (11/04/2013)

>   50.000 tỷ đồng từ ngân hàng đổ vào trái phiếu Chính phủ (11/04/2013)

>   Trần tăng trưởng tín dụng, giao cho có (11/04/2013)

>   USD giảm mạnh do cầu giảm (11/04/2013)

>   Giải ngân vốn vay cho doanh nghiệp bình ổn (10/04/2013)

>   Giao dịch liên ngân hàng giảm nhẹ so với tuần trước (10/04/2013)

>   Không ngại mở “room” cho vốn ngoại (10/04/2013)

>   Ngân hàng ngoại lãi lớn năm 2012, cho vay tăng 40% (10/04/2013)

>   Nửa cuối tháng 4, ngân hàng dồn dập tổ chức ĐHĐCĐ 2013 (10/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật