Thứ Tư, 27/03/2013 06:40

Xu hướng chọn quỹ mở để đầu tư

Các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đã trở thành những người tiên phong góp vốn vào Quỹ đầu tư trái phiếu MB Capital (MBBF), quỹ mở đầu tiên được cấp phép tại thị trường chứng khoán Việt Nam Việt Nam.

Ông Hiroshi Okada - Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ United (Nhật Bản).

Với kỳ vọng ở mức lợi nhuận thấp nhất là 10% ở thương vụ này, ông Hiroshi Okada - Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ United - đại diện nhà đầu tư tổ chức nước ngoài duy nhất góp vốn vào MBBF, tỏ ra khá lạc quan với triển vọng của quỹ mở tại Việt Nam.

Quỹ đầu tư chứng khoán dạng mở là một mô hình đầu tư chung, có thể phát hành hoặc mua lại chứng chỉ quỹ theo một chu kỳ nhất định (hàng ngày hoặc theo quy định cụ thể ghi trong điều lệ quỹ) theo yêu cầu của nhà đầu tư. Hoạt động của quỹ mở sẽ mang lại cho nhà đầu tư lợi thế về tính thanh khoản của chứng chỉ quỹ, tiếp cận danh mục đầu tư đa dạng, được quản lý bởi một công ty quản lý tài sản chuyên nghiệp. Đối với các quỹ đầu tư, việc huy động vốn sẽ được thực hiện nhanh chóng và chứng chỉ quỹ được mua lại theo giá trị tài sản ròng, chứ không theo giá thị trường.

Trên thế giới có đến 90% trong số các quỹ đang hoạt động là quỹ mở, thì tại Việt Nam trong tháng 3 này mới chính thức có 2 quỹ mở được cấp phép hoạt động. Cùng với MBBF, hiện nay, Quỹ đầu tư trái phiếu Bảo Thịnh VinaWealth (VFF) - quỹ mở chuyên về trái phiếu, cũng đã hoàn tất việc chào bán thành công chứng chỉ quỹ đầu tư vào ngày 12/3 cho hơn 150 nhà đầu tư tham gia góp vốn vào quỹ với tổng số tiền trên 50 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là nhà đầu tư trong nước. Ngoài ra, hơn 24 triệu chứng chỉ Quỹ đầu tư năng động Việt Nam (VFMVFA) đang hoàn thành thủ tục chuyển sang quỹ mở.

Hiện nay, 22 quỹ đầu tư đang hoạt động Việt Nam gồm 5 quỹ đại chúng và 17 quỹ thành viên, đang dần hết thời hạn. Về nguyên tắc, sau khi kết thúc hoạt động một quỹ, lẽ đương nhiên các công ty quản lý quỹ cũng phải tính tới việc thành lập các quỹ khác. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện đã có một số công ty đang chuẩn bị hồ sơ cho quỹ mới dạng mở và chỉ có vài quỹ đầu tư lên kế hoạch chuyển đổi sang quỹ mở.

Theo giới chuyên môn, mô hình quỹ đóng có thể sẽ không phổ biến, thay vào đó là các quỹ mở với thời hạn hoạt động không hạn chế.

Ngày 26/3/2013, Quỹ đầu tư trái phiếu MB Capital (MBBF) chính thức ra mắt tại Hà Nội, sau khi nhận Giấy Chứng nhận đăng ký lập Quỹ Đại chúng số 01/GNC-UBCK do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp hôm 13/3/2013. Quỹ đầu tư Trái phiếu MB Capital Việt Nam là quỹ đầu tư dạng mở thuộc Công ty Quản lý Quỹ đầu tư MB quản lý, do Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) giám sát hoạt động.

Quỹ có vốn điều lệ 54,296 tỷ đồng, với sự tham gia của hơn 150 người nhà đầu tư, gồm cá nhân và tổ chức. Trong đó, có 1 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài và nhiều đầu tư cá nhân nước ngoài với vốn góp trên 40%.

Theo kế hoạch, ngày giao dịch lần đầu tiên mà nhà đầu tư có thể mua bán chứng chỉ quỹ là 3/4/2013. Định kỳ giao dịch chứng chỉ quỹ 2 lần/tháng, vào các ngày thứ tư của tuần thứ nhất và tuần thứ 3 trong tháng. Với triết lý đầu tư khá cụ thể: bảo toàn toàn vẹn vốn của nhà đầu tư và tạo ra mức sinh lời vượt trội so với trần lãi suất tiền gửi, MBBF dự kiến tập trung vốn vào các loại trái phiếu niêm yết gồm: trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính phủ bảo lãnh.

Sự tăng trưởng khá ổn định của Việt Nam trong thời gian qua và trong thời gian tới là một trong những điều kiện quan trọng thôi thúc những nhà đầu tư nước ngoài tìm đến Việt Nam. Với sự ổn định về kinh tế vĩ mô và quyết tâm của Chính phủ trong việc giữ vững tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, trái phiếu vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn và an toàn nhất vào lúc này. Hơn nữa, trong quá khứ, ngành quản lý quỹ tại Việt Nam khá “mất điểm” khi hầu hết các quỹ đầu tư cổ phiếu đều chưa thành công như kỳ vọng.

Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, nhiều quỹ đóng trong thời gian qua đã được giao dịch với giá trị dưới giá trị thực, tỷ lệ chiết khấu quá cao, thậm chí lên tới 30-50% và nguyên nhân không phải là do hiệu quả đầu tư của quỹ mà một phần là lỗi của sản phẩm.

Chính vì vậy, đầu tư vào trái phiếu lúc này được xem là hướng đi an toàn nhất giúp nhà đầu tư bảo toàn vốn của mình. Kinh nghiệm đầu tư qua nhiều năm cho thấy, nhu cầu bảo toàn vốn cho nhà đầu tư đang được đặt lên hàng đầu và với việc chọn trái phiếu là kênh đầu tư lúc này được xem là giải pháp an toàn hơn cả.

“Chúng tôi cũng kỳ vọng khá lớn vào sự tăng trưởng và phát triển của thị trường trái phiếu của Việt Nam. Và với những nhà đầu tư đến từ Nhật Bản như chúng tôi khi đầu tư ra nước ngoài thì luôn có cái nhìn rất dài hạn, thời gian được tính là thập kỷ. Và với cách nhìn như vậy thì Việt Nam là một điểm đến đầu tư khá tiềm năng”, ông Hiroshi Okada cho biết.

Cách đây 2 năm, một quỹ đầu tư mang tên Giấc mơ Việt Nam mà Công ty United tham gia, đã hoạt động tại Việt Nam, dù kết quả không làm hài lòng những ông chủ của nó. Tuy nhiên, ông Hiroshi Okada và những đồng sự của mình không hề nản chí, bởi với 40 năm kinh nghiệm đầu tư, đầu tư vào những nơi mà giấc mơ chưa trở thành hiện thực như Việt Nam thì sẽ rẻ và được nhiều hơn là mất.

“Có thể giấc mơ đó bạn phải đợi đến 20, 30 năm sau mới có kết quả nhưng thực tế 20, 30 năm đó không hề xa như bạn tưởng. Thực tế cũng đã chứng minh, có những sản phẩm mà chúng tôi đầu tư tại Nhật nhưng phải 20,30 năm sau mới chính thức có dấu ấn và phát triển”, đại diện nhà đầu tư đến từ Nhật Bản cho biết.

Đánh giá về triển vọng của loại hình quỹ mở như MBBF nói riêng và thị trường chứng khoán Việt Nam Việt Nam nói chung, các nhà đầu tư cho rằng, điều mà họ quan tâm là quy mô thị trường và tính thanh khoản. Tại Việt Nam, kỳ vọng là tốt nhưng quy mô thị trường vẫn còn nhỏ và thanh khoản vẫn đang ở mức thấp.

“Hai năm trước, chúng tôi không lỗ vì giá cổ phiếu giảm và lỗ vì sự chênh lệch tỷ giá. Hàng ngày, chúng tôi chả làm gì nhưng cũng bị mất tiền. Tuy nhiên, hiện nay, khi mà đồng Yên đang bị mất giá hơn đồng Việt Nam, đầu tư vào Việt Nam lúc này cũng thuận lợi hơn, có lợi hơn với chúng tôi và chúng tôi cảm thấy hứng thú với việc đầu tư trở lại”, ông Hiroshi Okada chia sẻ.

Hoàng Xuân - Thu Thủy

tbktvn

Các tin tức khác

>   27/03: Bản tin 20 giờ qua (27/03/2013)

>   Một cách nhìn khác với NĐT chiến lược? (26/03/2013)

>   VCF không nhận sai (27/03/2013)

>   TKU ra khỏi diện cảnh báo từ 27/03 (26/03/2013)

>   ITA: Chậm công bố Nghị quyết HĐQT do sơ sót của Văn thư (26/03/2013)

>   HQC: 04/04 GDKHQ dự ĐHĐCĐ thường niên 2013 (26/03/2013)

>   VHG: 03/04 GDKHQ dự ĐHĐCĐ thường niên 2013 (26/03/2013)

>   Điểm mặt những cổ phiếu đầu tiên rời sàn năm 2013 (26/03/2013)

>   HSI bị cảnh báo từ 28/03 (26/03/2013)

>   Tự doanh CTCK: Áp lực bán ra có còn lớn? (26/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật