Vũ khí mới của công ty chứng khoán
Các công ty chứng khoán (CTCK) muốn phát triển hệ thống QTRR thành vũ khí cạnh tranh trên cuộc đua đường trường sắp tới, nhằm giành thêm thị phần từ những CTCK rời bỏ thị trường.
Không chỉ thỏa mãn các quy chuẩn về quản trị rủi ro (QTRR) theo quy định mới của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), các CTCK đang xây dựng, nâng cấp hệ thống QTRR theo hướng tạo thêm ưu thế cạnh tranh, hỗ trợ khách hàng tốt hơn.
Từ đòi hỏi trước mắt
Theo Quyết định số 105/2013 về Quy chế hướng dẫn việc thiết lập và vận hành hệ thống QTRR cho CTCK mà UBCK ban hành mới đây, từ ngày 26/2/2013, các CTCK phải thiết lập, vận hành hệ thống QTRR theo các chuẩn thống nhất mà UBCK đặt ra.
Luật chơi mới này đang làm cho quá trình phân hóa CTCK diễn ra nhanh chóng và khắc nghiệt hơn. Chuyển động từ thị trường cho thấy, trong khi các CTCK ốm yếu không dễ thu xếp nguồn lực để triển khai hệ thống QTRR bài bản, do việc này ngốn không ít chi phí, thì các “ông lớn” trong ngành đang sẵn sàng chi hàng tỷ đồng để hình thành hệ thống QTRR chuyên nghiệp.
Ngoài thành lập tiểu ban QTRR, HSC sẽ xây dựng bộ phận kiểm toán nội bộ
|
“Chuyên nghiệp hóa bộ phận QTRR không chỉ giúp các CTCK giải quyết được các đòi hỏi trước mắt, nhất là đáp ứng quy định tại Quyết định 105/2013, mà còn tạo sự thay đổi căn bản trong nội bộ CTCK về tư duy QTRR mang tính hệ thống từ lãnh đạo tới từng thành viên, thay vì lâu nay thường được coi là việc của lãnh đạo và bộ phận QTRR, đồng thời tạo ra ưu thế cạnh tranh cho các CTCK trong dài hạn...”, ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC) nhìn nhận. Cũng theo ông Giang, vì tầm quan trọng như vậy mà HSC đang tập trung củng cố, nâng cấp hệ thống QTRR theo 3 lớp: những cán bộ, bộ phận trực tiếp tác nghiệp kinh doanh; ban điều hành và HĐQT. Ngoài thành lập Tiểu ban QTRR thuộc HĐQT, HSC còn hình thành bộ phận Kiểm toán nội bộ nhằm đảm bảo hệ thống QTRR vận hành độc lập, trung thực và thực sự hiệu quả.
Tại CTCK Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS), uy hệ thống kiểm soát bao gồm nhiều lớp như: bộ phận kiểm soát rủi ro, kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ… giúp VPBS xử lý hiệu quả ít nhất 5 loại rủi ro trọng yếu là rủi ro thị trường, rủi ro thanh toán, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động và rủi ro pháp lý, nhưng theo ông Đào Thanh Tùng, Giám đốc Kiểm soát rủi ro VPBS, để “hợp chuẩn” hơn với các quy định tại Quyết định 105/2013, Công ty vẫn đang tập trung nâng cấp, hoàn thiện hệ thống QTRR. Sau bước chuẩn hóa này, Công ty sẽ triển khai chi tiết đến từng phòng, ban. Tại VPBS, bên cạnh hệ thống phụ trách QTRR chung, các bộ phận khác cũng thiết lập các hoạt động để QTRR cho chính hoạt động của bộ phận mình.
… đến dự liệu cho cuộc đua đường trường
Tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, các CTCK đang muốn phát triển hệ thống QTRR thành vũ khí cạnh tranh trên cuộc đua đường trường sắp tới, nhằm giành thêm thị phần từ những CTCK rời bỏ thị trường vì giải thể, sáp nhập, một xu hướng đang diễn ra khá nóng.
Với hệ thống QTRR mà VPBS đang nâng cấp, theo ông Tùng, không chỉ giúp Công ty QTRR trong nội bộ hệ thống chủ động và hiệu quả hơn, mà còn hướng tới QTRR cho khách hàng. Trong chiến lược phát triển của VPBS, QTRR cho khách hàng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 3 năm tới. Công ty sẽ cung cấp các công cụ QTRR cho khách hàng, để hỗ trợ họ chủ động kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư, qua đó góp phần gia tăng lợi thế cạnh tranh cho VPBS…
Xác định thiết lập hệ thống QTRR là vũ khí không thể thiếu trên cuộc đua đường trường sắp tới của các CTCK, ông Trịnh Hoài Giang nhìn nhận, với mức độ phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới trên TTCK Việt Nam chưa có gì đáng kể trong thời gian qua, nhưng hệ thống QTRR tại các CTCK đã để “lọt lưới” không ít rủi ro, gây tác động tiêu cực đến chính CTCK, cũng như khách hàng. Thực tế này đòi hỏi, để có thể gia tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh sắp tới khi một loạt sản phẩm, dịch vụ mới như: quỹ ETF, hợp đồng tương lai, quyền chọn… được triển khai, hệ thống QTRR của CTCK không thể vận hành theo kiểu “được chăng hay chớ” như hiện tại, mà phải thực sự chuyên nghiệp và bài bản. Nói cách khác, CTCK nào có trong tay hệ thống QTRR thực sự chuyên nghiệp và hiệu quả, thì mới đủ tự tin triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới, qua đó tạo thêm ưu thế cạnh tranh trước các đối thủ.
Chính vì đòi hỏi đội ngũ, đặc biệt là người đứng đầu bộ phận QTRR phải là người có nghề chuyên sâu, nên lãnh đạo một CTCK cho biết, điều này đang khiến Công ty chịu không ít áp lực. Do nhu cầu tuyển dụng đang ở trạng thái dồn toa, bởi đồng loạt khối CTCK đang “săn” nhân sự cho bộ phận QTRR, nên mấy tháng nay, dù đã rất nỗ lực nhưng Công ty vẫn chưa tuyển dụng được vị trí Trưởng phòng QTRR ưng ý.
Hữu Đạo
đầu tư chứng khoán
|