Vietstock Daily 21/03: Breakpoint hay chỉ là “kéo xả”?
Diễn biến thị trường đang làm dấy lên lo ngại về hoạt động xả hàng trong những phiên tới, đặc biệt khi lực xả mạnh dần về cuối phiên và VN-Index đang tịnh tiến đến ngưỡng kháng cự mạnh 490 điểm.
I. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN NGÀY 21.03.2013
• VN-Index đóng cửa phiên tăng khá mạnh 6.56 điểm (1.37%) lên 487.04; trong khi đó, HNX-Index tăng nhẹ hơn với 0.74% và đang ở mức 61.54 điểm.
• Nếu sự phân hóa ở nhóm vốn hóa lớn đủ giúp chỉ số giữ được sắc xanh trong phiên hôm qua, thì sự ”hoạt náo” ở một số mã trụ cột như GAS, MSN, VNM (kéo VN-Index tăng 1.04%) đã lôi kéo được sự quan tâm của nhà đầu tư và ít nhiều tạo tác động lan tỏa khá tốt.
Toàn thị trường có đến 21/24 nhóm ngành tăng điểm, và dẫn đầu là nhóm ngành Dược phẩm với mức tăng 4.69%. Các nhóm ngành nóng khác đều tăng điểm như Xây dựng (+1.15%), Bất động sản (+0.9%), Chứng khoán (+0.59%), Ngân hàng (+0.48%).
• Giao dịch bất ngờ nhất trên HOSE là sự khởi sắc của nhóm Dược phẩm và Vận tải biến, còn trên HNX là sự trở lại của dòng tiền đầu cơ vào SHB, với khối lượng khớp lệnh lên hơn 8 triệu đơn vị. SHB cùng với VCG, KLS, BVS, VND là trụ đỡ cho giao dịch trên HNX.
• Thanh khoản nhờ đó cũng được cải thiện khá nhiều, dù vẫn ở mức thấp. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trên HOSE tăng lên 43 triệu đơn vị, tăng 30.1% so với phiên giao dịch hôm qua; trên HNX, khối lượng đạt 34.1 triệu đơn vị, tăng 17.66%.
Giao dịch thỏa thuận đáng chú ý trên HOSE diễn ra ở KDC với 6 triệu đơn vị, giá trị 282 tỷ đồng.
• Động lực tăng trưởng của phiên hôm nay đến từ việc giới đầu tư đang kỳ vọng CPI tháng 3 cả nước sẽ chỉ tăng rất thấp, thậm chí là âm và giúp mặt bằng lãi suất được kéo giảm thêm trong thời gian tới.
Thông tin từ báo chí cho thấy một số ngân hàng đã kéo giảm lãi suất huy động, trong bối cảnh tín dụng đến giữa tháng 3 vẫn chưa tăng trưởng trở lại.
Điều chúng tôi muốn lưu ý là nền kinh tế hiện đang gặp những trở ngại mang tính cơ cấu, và việc cải thiện sức cầu thông qua giảm lãi suất trong kịch bản lạc quan cũng chỉ có thể tác động một cách từ từ, chứ không phải nhanh chóng như những năm trước đây.
Tín dụng vẫn đang tăng trưởng âm và điều này rõ ràng đã khiến lợi nhuận của các ngân hàng bị ảnh hưởng mạnh. Bản thân các ngân hàng cũng đang chịu áp lức giảm chi phí giá vốn và cải thiện đầu ra trong thời gian tới. Như đề cập trước đây, tín dụng tăng trưởng trở lại và mức độ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng dễ dàng hơn sẽ là một chỉ dấu quan trọng cần theo dõi.
• Cuối giờ chiều, cục thống kê của TPHCM và Hà Nội đã công bố CPI tháng 3 ở hai thành phố lớn này đều tăng trưởng ở mức âm, lần lượt -0.29% và -0.21% so với tháng trước. Do đó, kỳ vọng CPI tháng 3 cả nước tăng thấp (thậm chí âm) là hoàn toàn có cơ sở.
• Thanh khoản tăng trưởng trở lại đi kèm với điểm số tích cực thường phát đi những tín hiệu khả quan hơn về triển vọng thị trường. Một vài lo ngại về hiện tượng xả hàng mạnh khi thị trường tăng điểm, đặc biệt đã có dấu hiệu lực xả mạnh dần về cuối phiên hôm nay, và VN-Index đang tịnh tiến đến ngưỡng kháng cự mạnh 490 điểm khiến giao dịch chưa hết thách thức.
• Trong một phiên tăng điểm, khối ngoại bất ngờ thu hẹp lực mua ròng đáng kể chỉ còn 1.7 tỷ đồng trên HOSE, với tổng giá trị mua – bán lần lượt là 130.9 tỷ đồng và 129.2 tỷ đồng. Họ mua ròng chủ yếu ở HPG (7.6 tỷ), HVG (3.5 tỷ đồng), GAS (3.3 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, họ bán ròng mạnh nhất CTG (18.3 tỷ đồng), HAG (5 tỷ đồng), TMS (3.8 tỷ đồng).
Trên HNX, khối ngoại tiếp tục mua ròng 11.1 tỷ đồng, duy trì mua ròng mạnh PVS với hơn 4 tỷ đồng, tiếp theo là TCT (2.1 tỷ đồng), VCG (1.9 tỷ đồng); trong khi các giao dịch bán ròng không đáng kể.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Bất ngờ tăng trưởng mạnh, khả năng có breakpoint? Mặc dù VN-Index đã bắt đầu đi vào vùng kháng cự mạnh 480 – 490 điểm nhưng lại có phiên tăng trưởng mạnh khá bất ngờ. Đây là dấu hiệu lạc quan cho thấy khả năng phá vỡ vùng này đang được nâng cao.
Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều lo ngại xung quanh biến động thiếu tích cực của thanh khoản thị trường. Khối lượng khớp lệnh mặc dù đã tăng khá mạnh trở lại nhưng hiện vẫn nằm khá sâu bên dưới mức trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương 58 triệu đơn vị/phiên). Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn trong thời gian tới thì nhiều khả năng breakpoint (nếu có) của VN-Index với vùng 480 – 490 điểm không phải là một breakpoint đáng tin cậy.
Một tín hiệu cũng rất đáng chú ý khác là tín hiệu mua của chỉ báo MACD. Tuy nhiên, với việc ADX đang nằm ở mức 17 (đã thủng mốc 20) thì tín hiệu mua này có độ tin cậy không cao.
Rủi ro của thị trường hiện tại đã giảm bớt nhưng vẫn cần thận trọng quan sát trước khi giao dịch mạnh.
HNX-Index – Lại tăng giảm xen kẽ. Tình trạng tăng giảm mạnh xen kẽ trên HNX khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy phân vân trước xu hướng không rõ ràng của thị trường. Theo báo hiệu của nhóm Market Strength thì bên bán vẫn đang chiếm ưu thế khi mà EMA 5 ngày của VS-Arms HNX (chỉ số Arms tính cho sàn HNX) hiện đang có giá trị 4.13.
HNX-Index hiện vẫn chịu sức ép khá lớn từ nhóm MA ngắn hạn. Theo đánh giá của giới phân tích kỹ thuật, nguy cơ giảm sâu đã giảm bớt nhưng chỉ thực sự được dỡ bỏ khi giá vượt lên trên nhóm này.
Nếu thanh khoản vượt lên trên mức trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương 56 triệu đơn vị/phiên) trong những phiên tới thì khả năng tăng trưởng sẽ được cải thiện. Theo đánh giá của giới phân tích kỹ thuật, khả năng HNX-Index sẽ tiếp tục giằng co và tích lũy trong các phiên tới là khá lớn.
VS-Market Strength: VS-Arms VN tính cho cả hai sàn ngày 20/03/2013 đạt giá trị 0.43 chứng tỏ bên mua chiếm ưu thế trong phiên này. EMA 5 ngày của VS-Arms VN đang ở mức 0.91 cho thấy cung cầu cân bằng nếu tính trong 5 phiên gần đây.
VS-B/SORD VN (chỉ số Buy Order/Sell Order tính chung cho cả hai sàn HOSE và HNX) đang ở mức trung bình (cụ thể là 1.01) cho thấy Tổng khối lượng của các lệnh đặt mua khá cân bằng so với Tổng khối lượng của các lệnh đặt bán trong phiên 20/03/2013.
EMA 5 ngày của VS-B/SORD VN đạt mức 0.97 cho thấy cung cầu khá cân bằng nếu tính trong 5 phiên gần đây.
VS-LBR VN (chỉ số Large Block Ratio tính chung cho cả hai sàn HOSE và HNX) đang giảm trở lại và duy trì mức 58%, chứng tỏ nhà đầu lớn không tham gia mạnh vào thị trường trong phiên này.
EMA 5 ngày của VS-LBR VN đang ở mức 62%. Đây là mức trung bình và nó cho thấy các nhà đầu tư lớn không tham gia mạnh vào thị trường, nếu tính trong 5 phiên gần nhất.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 20.03.2013
(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)
Phòng Nghiên cứu Vietstock
FFN
|